Doanh nghiệp vì cộng đồng

Các thành viên CLB CEO Huế tặng quà cho những hoàn cảnh mưu sinh trong đêm

Những ngày cận Tết Quý Mão vừa qua, dù bận rộn với công việc sản xuất, kinh doanh của DN, nhiều thành viên CLB CEO Huế vẫn dành thời gian rong ruổi trên những con đường thăm, tặng quà những phận đời éo le, vất vả mưu sinh trong đêm. Anh Phan Văn Nhật, Giám đốc Công ty TNHH MADG chia sẻ: “Khi trò chuyện với những cụ già bán hàng rong trong đêm mưa lạnh bên đường, hay những người không có nhà cửa phải lấy nền gạch, lấy vỉa hè làm giường, lấy mái hiên, góc chợ, góc cầu làm nhà, tôi thấy mình may mắn hơn. Và khi thấy niềm vui, nụ cười của những hoàn cảnh không may mắn đó đón nhận những món quà được trao, tôi thấm được câu nói cho đi là hạnh phúc”.

Ngoài những chuyến đi trao trực tiếp, CLB CEO Huế cũng tổ chức chương trình “Ấm tình tết Huế”. Chương trình được tổ chức, để mỗi cá nhân, mỗi tổ chức, tập thể có thể cùng thành viên trong CLB tự tay, gửi đến những hoàn cảnh khó khăn những suất quà tết của chính doanh nghiệp hay cá nhân mình. Kết quả, chương trình đã trao 70 suất quà, mỗi suất 500 ngàn đồng.

Không chỉ dịp tết, hoạt động vì cộng đồng được nhiều DN thực hiện xuyên suốt. Đầu năm học này, các doanh nhân Huế phối hợp với các doanh nhân phía nam đã xây dựng 2 nhà vệ sinh trị giá hàng trăm triệu đồng cho các em học sinh trên địa bàn huyện Phong Điền và Nam Đông. Ông Trương Phước Thành, Giám đốc Công ty TNHH Thành Ngân, Chủ nhiệm CLB CEO Huế cho biết, để có nguồn kinh phí, ngoài sự đóng góp của bản thân các thành viên, hàng năm CLB cũng tổ chức những chương trình văn hóa, thể thao vừa tạo sân chơi lành mạnh cho các thành viên, vừa gây quỹ tặng học bổng cho học sinh nghèo, có hoàn cảnh khó khăn.

Nhắc đến CLB CEO Huế, chị Nguyễn Thị Nhỡ, ở TP. Huế luôn dành những lời có cánh, như là sự tri ân. Chị Nhỡ cho biết, đầu năm học này, ba con chị đều được CLB CEO tặng học bổng để mua sách vở, đồ dùng học tập. Cậu con trai chuyển cấp, còn được tặng xe đạp, máy tính. “Chồng tôi mất sớm, bản thân tôi thường xuyên đau ốm, một mình gồng gánh nuôi 3 đứa con đang tuổi ăn học, nhờ sự giúp đỡ của các mạnh thường quân, tôi như được san sẻ gánh nặng”, chị Nhỡ nói.

Từ 2 năm nay, các doanh nghiệp: Công ty TNHH MTV Hữu cơ Huế Việt, Công ty TNHH Dược phẩm Thiên Thanh và Công ty TNHH Vận tải Thành Tài đã nhận nuôi 3 anh em mồ côi cha mẹ trên địa bàn phường Tứ Hạ, thị xã Hương Trà, mỗi năm 24 triệu đồng. “Ngoài hỗ trợ tiền mặt mỗi tháng 2 triệu, chúng tôi còn thay nhau về thăm, tặng quà, động viên tinh thần các con, giúp các con vững tin hơn khi thiếu vắng sự chăm sóc của cha mẹ”, bà Nguyễn Thị Huệ, Giám Công ty TNHH MTV Hữu cơ Huế Việt cho biết.

Chương trình phúc lợi cho công nhân lao động được Hội Doanh nhân nữ tỉnh chủ động phối hợp với Công đoàn Khu Kinh tế, công nghiệp tỉnh đã mang lại nhiều ý nghĩa cho công nhân lao động có hoàn cảnh khó khăn. Cụ thể, 5 doanh nghiệp gồm, Công ty MobiFone Thừa Thiên Huế, Công ty TNHH Hoàng Long; Công ty TNHH MTV TM DV Ngọc Yến; Công ty TNHH Dược phẩm Thuận Thảo và Công ty Sơn Hoàng Gia, giảm giá từ 5% – 50% so với giá niêm yết trên thị trường tùy vào từng loại sản phẩm. Theo bà Đặng Thị Thùy Dương, Chủ tịch Hội Doanh nhân nữ tỉnh, đây là những doanh nghiệp chuyên sản xuất, kinh doanh các mặt hàng thiết yếu như thực phẩm, dụng cụ học tập… Vì vậy có phiếu giảm giá sẽ rất có lợi cho người lao động. “Đến thời điểm hiện tại gần một ngàn thùng sữa non Nutifood, giảm giá 40% đã đến tay đoàn viên, người lao động thuộc Công đoàn Khu Kinh tế, công nghiệp tỉnh”, bà Dương nói.

Hội Doanh nhân nữ còn tổ chức tặng con giống, sinh kế cho phụ nữ nghèo, đơn thân trên địa bàn toàn tỉnh.

Ông Dương Tuấn Anh, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh cho biết, hiệp hội và các hội, câu lạc bộ thành viên luôn tích cực vận động doanh nghiệp, hội viên tham gia các phong trào xã hội từ thiện, xây dựng nông thôn mới, xây nhà tình nghĩa cho các đối tượng chính sách, ủng hộ quỹ vì người nghèo, quỹ nạn nhân chất độc da cam/dioxin, chương trình tiếp sức đến trường, trao quà cho Nhân dân vùng bị thiên tai, bão, lũ ủng hộ quỹ vì biển đảo… với tổng trị giá hàng tỷ đồng/năm.

“Làm thiện nguyện, không nên phân biệt là trao “cần câu” hay “con cá” hoặc trao cách “câu cá”, mà nên dùng bất kỳ cách nào có thể hỗ trợ được, tùy khả năng mình có và hoàn cảnh mình gặp với mục đích trong sáng. Có thể là vật chất, tinh thần, có thể là giải pháp, miễn sao thật sự có ý nghĩa đối với người nhận”, ông Dương Tuấn Anh quan niệm.

Bài, ảnh: Tuấn Khoa

About Huế

Bài viết được đăng từ nguồn: Báo Thừa Thiên Huế online

Check Also

Những gia đình “thắp lửa trái tim

Gia đình Huỳnh Thị Ngọc Trang và Trần Thị Nghĩa – Trần Thị Hiếu ở …