Đoàn kết, thống nhất hoàn thành tốt nhiệm vụ

Thượng tá Lê Viết Phương

Để phù hợp với tình hình thực tế hiện nay, Thượng tá Lê Viết Phương luôn xác định, cần phải đổi mới tư duy trong lãnh, chỉ đạo, điều hành và triển khai thực hiện.

“Từ hậu cần đảm bảo”, nay cán bộ, chiến sĩ trong toàn phòng chuyển hướng sang “hậu cần chủ động”. Nghĩa là, từ hậu cần thụ động sang phương thức chủ động, đi trước một bước, chuẩn bị các yêu cầu vật chất, kỹ thuật cần thiết phục vụ công tác, chiến đấu và xây dựng lực lượng. Để đạt được mục tiêu này, từ lãnh đạo, đến cán bộ, chiến sĩ trong toàn lực lượng cũng cần phải đổi mới cách nghĩ, cách làm, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì cái chung. Nhờ đó, chất lượng, hiệu quả công tác hậu cần ngày càng được nâng cao”, Thượng tá Lê Viết Phương chia sẻ.

Khó để kể hết những kết quả đã đạt được của cá nhân Thượng tá Lê Viết Phương cũng như toàn lực lượng hậu cần Công an tỉnh, nhưng minh chứng cho thấy, trong năm 2022, với trách nhiệm của mình, anh đã cùng tập thể Phòng Hậu cần Công an tỉnh thực hiện được nhiều việc làm cụ thể, thiết thực, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ mà Đảng ủy, Ban Giám đốc Công an tỉnh yêu cầu.

Năm 2022, bản thân Thượng tá Lê Viết Phương chỉ đạo các đội tham mưu thực hiện tốt công tác lập kế hoạch trên các lĩnh vực tài chính, hậu cần. Trong đó, đã chủ động tham mưu lãnh đạo Công an tỉnh phê duyệt kế hoạch chỉ tiêu trong năm để quản lý, điều hành và kịp thời tham mưu đề nghị Bộ Công an, UBND tỉnh cấp bổ sung kinh phí ngoài kế hoạch để phục vụ các nhiệm vụ đột xuất trong năm. Đồng thời, hoàn thành việc lập quy hoạch sử dụng đất an ninh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất, quy hoạch vị trí đất thuộc Công an tỉnh.

Trong công tác quản lý tài sản, Thượng tá Lê Viết Phương đã tích cực chỉ đạo lập kế hoạch và triển khai thực hiện 27 gói thầu trong dự toán mua sắm thường xuyên phục vụ các mặt công tác Công an với tổng giá trị hơn 78,5 tỷ đồng và 1 dự án mua sắm phương tiện, trang thiết bị phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ với giá trị 80 tỷ đồng; tiếp nhận 18 ô tô các loại, 4 canô, vũ khí, công cụ hỗ trợ, xăng dầu, quân trang các loại… kịp thời trang cấp cho các đơn vị, phục vụ công tác sẵn sàng chiến đấu, thực hiện tốt hơn chức trách, nhiệm vụ được giao…

“Năm qua, với trách nhiệm của mình, cá nhân cùng tập thể lãnh đạo phòng đã chỉ đạo đảm bảo công tác hậu cần phục vụ 400 đợt hội nghị, hội thảo, hội thi, tập huấn… do Bộ Công an và Công an tỉnh tổ chức; đón tiếp, phục vụ chu đáo 6.865 lượt cán bộ, chiến sĩ của Bộ Công an, Công an các đơn vị địa phương đi công tác, nghỉ dưỡng, điều dưỡng… và đảm bảo các mặt công tác tài chính hậu cần phục vụ tốt các kế hoạch công tác trọng tâm của Công an tỉnh”, Thượng tá Lê Viết Phương cho biết.

“Năm 2023 và những năm tiếp theo diễn ra nhiều sự kiện quan trọng, vì vậy, không chỉ cá nhân Thượng tá Lê Viết Phương mà toàn lực lượng hậu cần Công an tỉnh phải chủ động, nỗ lực cố gắng nhiều hơn nữa để làm tốt chức trách, nhiệm vụ được giao. Ghi nhận những kết quả đã đạt được, năm 2022, Phòng Hậu cần Công an tỉnh vinh dự được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen; UBND tỉnh tặng cờ thi đua. Riêng cá nhân Thượng tá Lê Viết Phương được Chủ tịch UBND tỉnh tặng bằng khen vì đã có thành tích xuất sắc trong công tác phối hợp tổ chức Hội thao lực lượng Công an Nhân dân năm 2022”, Đại tá Nguyễn Thanh Tuấn, Giám đốc Công an tỉnh khẳng định.

Bài, ảnh: Anh Phong

About Huế

Bài viết được đăng từ nguồn: Báo Thừa Thiên Huế online

Check Also

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vui mừng khi người dân tái định cư Hương Sơ ổn định cuộc sống

Ngay sau đó, Thủ tướng cũng đã thăm Bảo tàng Cổ vật cung đình Huế …