Điều trị F0 không triệu chứng và triệu chứng nhẹ tại nhà

Tiêm vắc xin đầy đủ vẫn là giải pháp hữu hiệu ngăn ngừa dịch bệnh COVID-19

Những trường hợp F0 được điều trị tại nhà

Theo BCĐ phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh, các địa phương cấp huyện sẽ cho tổ chức, vận hành các tổ y tế lưu động kết hợp với tổ chăm sóc người nhiễm cộng đồng và tổ COVID-19 cộng đồng, đáp ứng được nhiệm vụ chăm sóc F0 không triệu chứng tại nhà có điều kiện khi BCĐ phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh quyết định áp dụng theo tình hình dịch trên địa bàn.

Theo Giám đốc Sở Y tế Trần Kiêm Hảo, các điều kiện F0 được quản lý tại nhà gồm: Người nhiễm COVID-19 (là người được khẳng định dương tính với vi rút SARS-CoV-2 bằng kỹ thuật Real-time RT-PCR hoặc test nhanh kháng nguyên) có đủ các điều kiện được các cơ quan có trách nhiệm xem xét cho cách ly, theo dõi tại nhà. Đó là người hội đủ 2 tiêu chí lâm sàng về mức độ bệnh và đặc điểm của người nhiễm COVID-19: không triệu chứng hoặc triệu chứng mức độ nhẹ (không có suy hô hấp: SpO2 ≥ 96%, nhịp thở ≤ 20 lần/phút đối với người lớn); tuổi lớn hơn 3 tháng và không quá 49 tuổi.

Cũng theo ông Trần Kiêm Hảo, F0 điều trị tại nhà phải là người không có bệnh nền kèm theo; không đang mang thai; đã tiêm đủ 2 mũi hoặc 1 mũi vắc-xin phòng COVID-19 sau 14 ngày; có thể tự chăm sóc bản thân như ăn uống, giặt quần áo, vệ sinh cá nhân; biết cách đo thân nhiệt; có khả năng liên lạc với nhân viên y tế để được theo dõi, giám sát; khi có tình trạng cấp cứu, có sẵn và sử dụng được các phương tiện liên lạc như điện thoại, máy tính; có khả năng tự dùng thuốc theo đơn thuốc (toa) của bác sĩ.

Nếu F0 không có khả năng tự chăm sóc thì gia đình phải có người khỏe mạnh, có kiến thức chăm sóc người nhiễm, biết cách phòng ngừa lây nhiễm để hỗ trợ người nhiễm thực hiện các tiêu chí tại mục này. Trong gia đình không có người thuộc nhóm nguy cơ (người cao tuổi, có bệnh nền, béo phì, có thai…).

Nhân viên y tế thăm khám cho một bệnh nhân mắc COVID-19 không triệu chứng đang điều trị

Yêu cầu cơ sở vật chất, trang thiết bị đảm bảo cách ly y tế tại nhà

Theo quy định của BCĐ phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh, yêu cầu cơ sở vật chất, trang thiết bị đảm bảo cách ly y tế tại nhà là nhà ở riêng lẻ; trước cửa nhà có biển cảnh báo nền đỏ, chữ vàng: “ĐỊA ĐIỂM CÁCH LY NGƯỜI BỆNH COVID-19 (F0) TẠI NHÀ”; có thùng màu vàng có biểu tượng chất thải lây nhiễm có dán nhãn “CHẤT THẢI CÓ NGUY CƠ CHỨA SARS-CoV-2” để đựng trang phục phòng hộ cá nhân của nhân viên y tế thải bỏ; phải có phòng cách ly riêng, khép kín và tách biệt với khu sinh hoạt chung của gia đình; khuyến khích lắp camera để giám sát người cách ly.

Phòng cách ly phải đáp ứng các yêu cầu sau: Phải có nhà vệ sinh, nhà tắm dùng riêng, có đủ dụng cụ vệ sinh cá nhân, xà phòng rửa tay, nước sạch, dung dịch sát khuẩn tay chứa ít nhất 70% cồn; có dụng cụ đo thân nhiệt cá nhân trong phòng. Trong phòng cách ly có thùng đựng chất thải màu vàng, có nắp đậy, mở bằng đạp chân, có lót túi màu vàng để đựng chất thải gồm khẩu trang, khăn, giấy lau mũi miệng, có dán nhãn “CHẤT THẢI CÓ NGUY CƠ CHỨA SARS-CoV-2”; thùng đựng chất thải sinh hoạt, có nắp đậy, mở bằng đạp chân và có lót túi màu xanh để đựng chất thải sinh hoạt khác; không được dùng điều hòa trung tâm, có thể dùng điều hòa riêng. Đồng thời, đảm bảo thông thoáng khí, tốt nhất nên thường xuyên mở cửa sổ; khuyến khích có máy giặt hoặc xô, chậu đựng quần áo để người bệnh F0 tự giặt; có chổi, cây lau nhà, giẻ lau, 2 xô và dung dịch khử khuẩn hoặc chất tẩy rửa thông thường để người bệnh F0 tự làm vệ sinh khử khuẩn phòng. Phòng cách ly phải được vệ sinh khử khuẩn hằng ngày.

Ngoài ra, phải trang bị đầy đủ phương tiện phòng hộ cá nhân phòng, chống lây nhiễm (khẩu trang y tế, găng tay y tế, giày, kính bảo hộ, quần, áo) để người nhà sử dụng khi bắt buộc phải tiếp xúc gần với người bệnh F0. Bố trí bàn trước cửa phòng cách ly để cung cấp suất ăn riêng, nước uống và các nhu yếu phẩm khác cho người cách ly; nghiêm cấm không được mang đồ dùng, vật dụng của người cách ly ra khỏi nhà.

Khi triển khai chăm sóc và điều trị F0 tại nhà sẽ có các hoạt động khác song song được triển khai đồng bộ để đảm bảo theo dõi các chỉ số, diễn biến tình trạng sức khỏe và các triệu chứng của F0 trong ngày, trong đó có chỉ số Sp02. Thông qua các trạm y tế, tổ y tế lưu động, tổ chăm sóc người nhiễm COVID cộng đồng và tổ phòng, chống dịch cộng đồng… tất cả các tổ này sẽ phân công thực hiện các nhiệm vụ phù hợp theo chức năng, đảm bảo theo dõi, chăm sóc F0 an toàn. BCĐ phòng, chống dịch COVID-19 xã, phường, thị trấn chịu trách nhiệm kiểm tra, thẩm định về cơ sở vật chất đảm bảo đủ các điều kiện cách ly F0 tại nhà theo quy định.

Không nên bi quan, giữ tâm lý luôn thoải mái

Việc chăm sóc, điều trị khi bị nhiễm COVID-19 là do cán bộ y tế cơ sở điều trị đảm nhận. Tuy nhiên, bản thân cần phối hợp thực hiện một số nội dung sau: Không nên bi quan, giữ tâm lý luôn thoải mái; phối hợp tốt với cán bộ y tế, tuân thủ nội quy của khu điều trị; mang khẩu trang liên tục, rửa tay hoặc sát khuẩn tay thường xuyên. Đồng thời, rửa mũi, súc họng hàng ngày bằng nước muối sinh lý; thường xuyên tập thở, vận động nâng cao sức khỏe; uống đủ nước hoặc nhiều hơn nếu có sốt hoặc tiêu chảy; không bỏ bữa ăn, tăng cường dinh dưỡng, trái cây.

Bài, ảnh: Thái Bình

About Huế

Bài viết được đăng từ nguồn: Báo Thừa Thiên Huế online

Check Also

Việt Nam cấp hộ chiếu vaccine, thử nghiệm vaccine dạng xịt mũi

Nhân viên y tế tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người dân phường Lê Đại Hành, …