Điểm tựa của những ước mơ

Hội LHPN tỉnh trao tặng quà cho trẻ em mồ côi, có hoàn cảnh khó khăn

Sẻ chia

Suốt thời gian tham gia chương trình “Mẹ đỡ đầu – Hướng dương đón nắng” do Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh vừa tổ chức, em Đặng Thị Ánh Viên, 8 tuổi, tổ 8, phường Thuận Lộc, TP. Huế luôn nép mình vào mẹ đỡ đầu Trần Thị Hoàng.

Chị Hoàng kể, Ánh Viên mồ côi mẹ từ khi mới lọt lòng, cách đây mấy tháng, do ảnh hưởng dịch COVID-19, ba của Ánh Viên cũng qua đời, hiện cháu đang ở với chị gái cũng có hoàn cảnh khó khăn. Nhiều năm nay, thương chị em Ánh Viên không có mẹ, chị Hoàng luôn tìm cách bù đắp. “Tôi chia sẻ từng món ăn, phần quà của con tôi cũng như kết nối bạn bè hỗ trợ thêm cho chị em Ánh Viên”, chị Hoàng kể.

Cách đây một năm, khi ba Ánh Viên còn sống, không có điều kiện cho Ánh Viên đến trường, thương con ở nhà thui thủi một mình, chị Hoàng xin nhận làm mẹ đỡ đầu Ánh Viên, giúp con được đi học. “Tôi yêu thương Ánh Viên như hai con trai của mình và sẽ cố gắng nuôi các con ăn học”, chị Hoàng chia sẻ.

Đến thăm ba cha con anh Lê Văn Huê, ở tổ dân phố Viễn Trình, thị trấn Phú Đa, huyện Phú Vang mới cảm nhận được những đau thương, mất mát trong đại dịch COVID-19. Trong căn nhà mới xây chưa hoàn thiện của mẹ mình, anh Lê Văn Huê vừa ẵm đứa con 5 tháng tuổi trên tay vừa cho đứa con trai lớn 4 tuổi ăn trưa. Giọng người đàn ông chịu nhiều mất mát chùng xuống khi nhắc đến hoàn cảnh mình.

Cách đây 5 tháng, vợ anh đang mang thai 26 tuần thì mắc COVID-19, sức khỏe nguy kịch, bác sĩ đành mổ để cứu con. Con gái anh chào đời mà không được gặp mẹ. Sau khi sức khỏe con được ổn định, anh Huê ôm hài cốt vợ và đưa hai con về quê. Anh Huê bận chăm hai con nhỏ nên chưa tìm được việc làm. Từ ngày ba cha con anh Huê về quê, Hội LHPN thị trấn Phú Đa luôn tìm cách giúp đỡ, từ sữa đến áo quần cho hai con. Hơn một tháng nay, Hội LHPN thị trấn Phú Đa chính thức nhận làm mẹ đỡ đầu cho hai con anh Huê cho đến lúc hai cháu đủ 18 tuổi. Trước mắt, mỗi tháng hỗ trợ anh Huê 600 ngàn đồng để mua sữa cho con.

Để các em được phát triển toàn diện

Theo khảo sát, trên địa bàn tỉnh có hơn 2.000 trẻ em mô côi, có hoàn cảnh khó khăn, trong đó 6 trẻ mồ côi do cha mẹ mất vì mắc COVID-19. Nỗi đau mất cha mẹ, người thân đối với các em nhỏ là quá lớn, nhất là trẻ em ở các gia đình có hoàn cảnh khó khăn, khi mất đi trụ cột gia đình thì cuộc sống càng bấp bênh, tương lai phải đối mặt với nhiều thử thách.

Theo bà Trần Thị Kim Loan, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh, chăm sóc trẻ em nghèo có hoàn cảnh khó khăn luôn là nhiệm vụ ưu tiên của các cấp hội trong nhiều năm qua. Từ các chương trình “Tiếp bước em đến trường”, học bổng Nguyễn Thị Định, “Triệu phần quà san sẻ yêu thương”…, trung bình mỗi năm đã có hàng ngàn em học sinh nghèo, có hoàn cảnh khó khăn được cưu mang, giúp đỡ.

Tiếp nối hành trình yêu thương, từ năm 2022, Hội LHPN tỉnh triển khai thêm chương trình “Mẹ đỡ đầu”. Có tính lâu dài và bền vững, chương trình nhằm vận động cán bộ, hội viên phụ nữ, các tổ chức, cá nhân nhận đỡ đầu, hỗ trợ, chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ mồ côi (trước mắt tập trung trẻ mồ côi do dịch COVID-19) có hoàn cảnh khó khăn, tạo điều kiện để các em được phát triển toàn diện trong môi trường gia đình, cộng đồng.

Các cấp hội đảm nhận vai trò kết nối giữa “Mẹ đỡ đầu” và trẻ mồ côi, giám sát thực hiện chính sách và tham gia điều phối nguồn lực hỗ trợ, đảm bảo công bằng và hỗ trợ trẻ tiếp cận, sử dụng hiệu quả nguồn lực. Đồng thời, tăng cường sự phối hợp với chính quyền địa phương và các nhà hảo tâm nhằm nối rộng vòng tay, xoa dịu phần nào nỗi đau, ổn định tâm sinh lý cho trẻ trong quá trình trưởng thành.

Hội LHPN tỉnh sẽ có đánh giá kết quả hỗ trợ sau 1 năm thực hiện, cũng như nắm bắt nguyện vọng, nhu cầu của các trẻ, phối hợp chặt chẽ với người đỡ đầu để tiếp tục chương trình phù hợp theo từng giai đoạn phát triển của trẻ.

Đến thời điểm hiện tại, đã có 251 trẻ được các cá nhân, tổ chức, các cấp hội phụ nữ nhận đỡ đầu bằng các hình thức hỗ trợ tài chính cho trẻ hàng tháng đến tuổi trưởng thành, hỗ trợ sách vở, đồ dùng học tập, sữa, quần áo. Mỗi trẻ được hỗ trợ dao động từ 300 ngàn đến 1 triệu động mỗi tháng và mỗi em được nhận nuôi ít nhất là 1 năm và nhiều nhất là 18 năm. Tổng số tiền huy động giúp đỡ các bé đến nay gần 2 tỷ đồng.

Bà Trần Thị Kim Loan cho biết: “Chúng tôi hiểu rằng tiếng “mẹ” hết sức thiêng liêng nên không chỉ dừng ở việc hỗ trợ các em về mặt vật chất mà khi nhận đỡ đầu, “các mẹ” cũng sẽ thường xuyên quan tâm đến các con, có mặt đúng lúc khi các con cần, thật sự trở thành chỗ dựa vững chắc cho các con trong cuộc sống, tạo môi trường sống tốt nhất để các con được phát triển toàn diện, lành mạnh”.

Bài, ảnh: HẢI THUẬN

About Huế

Bài viết được đăng từ nguồn: Báo Thừa Thiên Huế online

Check Also

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vui mừng khi người dân tái định cư Hương Sơ ổn định cuộc sống

Ngay sau đó, Thủ tướng cũng đã thăm Bảo tàng Cổ vật cung đình Huế …