Vân Thê Garden – một trong những điểm check-in của du lịch cộng đồng xã Thủy Thanh
Cần chiến lược phát triển bài bản, quy mô
Được quan tâm đầu tư, khoảng 5 năm trở lại đây, du lịch cộng đồng TX. Hương Thủy đã có những kết quả nhất định, góp phần làm đa dạng các sản phẩm du lịch, thay đổi diện mạo cuộc sống, cải thiện thu nhập, tạo việc làm cho người dân… Rõ nét nhất là ở điểm du lịch cộng đồng xã Thủy Thanh.
Bên cạnh đó, TX. Hương Thủy đã có nhiều chủ trương, chính sách, phương án hỗ trợ phát triển du lịch trải nghiệm, homestay; phương án xây dựng các mô hình trải nghiệm nghề truyền thống kết hợp phát triển du lịch cộng đồng, như: mô hình trải nghiệm “Một ngày làm nông dân”, Vân Thê Garden, bơi thuyền trên sông Như Ý, Câu lạc bộ chằm nón của bà Nguyễn Thị Kiềm…
Hiện, du lịch cộng đồng TX. Hương Thủy tiếp tục phát triển và mở rộng nhiều điểm khác như ở Dương Hòa, Thủy Phù… Tại đây, những mô hình này được gắn với các giá trị văn hóa, tài nguyên thiên nhiên, sinh thái…, giúp tạo được hiệu ứng mới và triển vọng cho du lịch cộng đồng Hương Thủy về khai thác thêm các sản phẩm bổ trợ, kết nối các điểm du lịch hấp dẫn, trải nghiệm mới…, đáp ứng nhu cầu du khách.
Theo bà Ngô Thị Ái Hương – Phó Chủ tịch UBND thị xã Hương Thủy, tuy có nhiều khởi sắc nhưng du lịch cộng đồng của thị xã phát triển chưa tương xứng với tiềm năng. Tại một vài địa phương, du lịch cộng đồng vẫn mang tính tự phát, nhỏ lẻ, chủ yếu mang mục đích khai thác cảnh quan thiên nhiên sẵn có, chưa đem lại sự thụ hưởng những nét đặc sắc trong văn hóa bản địa cho du khách…
“Nguyên nhân cơ bản do chưa xây dựng được các tour, tuyến phù hợp với nhu cầu, quỹ thời gian của khách; kết nối với doanh nghiệp lữ hành chưa tốt; người dân chưa thật sự ý thức và hiểu rõ về văn hóa của địa phương mình, cũng như chưa ý thức được đặc trưng của loại hình du lịch cộng đồng, dẫn đến nhiều mô hình du lịch cộng đồng còn đơn điệu, mờ nhạt, thiếu bản sắc. Những tồn tại này cũng đồng nghĩa cần một chiến lược phát triển bài bản, quy mô”, bà Hương nói thêm.
Tập trung đầu tư
Ngoài cơ sở hạ tầng hiện tại, thị xã đã tiếp nhận nguồn kinh phí của UBND tỉnh hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng đến năm 2025 với tổng kinh phí 4,85 tỷ đồng, bổ sung trung hạn 2023 là 5,2 tỷ. Các quy hoạch, kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2021 – 2025 đã phê duyệt cũng đang thực hiện và phát huy được hiệu quả.
Theo bà Ngô Thị Ái Hương, với mục tiêu phát triển du lịch cộng đồng mang đặc trưng riêng và có chất lượng, chiếm tỷ trọng ngày càng cao trong cơ cấu kinh tế của thị xã, phấn đấu đến năm 2025, Hương Thủy cơ bản hoàn thiện chỉnh trang khu vực chợ Cầu Ngói, khuôn viên nhà trưng bày nông ngư cụ; thành lập mô hình quản lý, như Hợp tác xã du lịch, Ban quản lý du lịch Thanh Toàn…; tu bổ, sửa chữa, nâng cấp một số di tích đã xuống cấp; hình thành tuyến đường đi bộ, đường hoa; xây dựng chợ Cầu Ngói thành chợ du lịch; quy hoạch, mở rộng không gian trải nghiệm các hoạt động nông nghiệp… trên địa bàn xã Thủy Thanh.
Một động thái song song là hoàn thiện sản phẩm du lịch tham quan, trải nghiệm và lập hồ sơ đề nghị UBND tỉnh công nhận điểm du lịch cộng đồng xã Dương Hòa; chỉnh trang, trồng hoa, xây nhà truyền thống, trưng bày một số hiện vật, sản vật địa phương… ở di tích Chiến khu Dương Hòa, chợ Kháng chiến; kêu gọi đầu tư khai thác dịch vụ ở thác Đá Dăm, thác Chín Chàng, hồ Gia Mòi; xây mới tuyến đường tại thôn Buồng Tằm phục vụ tham quan bằng xe đạp; đồng thời, đề nghị tỉnh quan tâm mở rộng đường Gia Long – Bia Chiến tích Dương Hòa, hoàn chỉnh nối tuyến đường Đồng Tâm với cầu thôn Hạ…, qua đó, đưa điểm du lịch xã Dương Hòa trở thành điểm du lịch cộng đồng hấp dẫn du khách.
Với rừng nguyên sinh, hồ Khe Lời, bàu Họ và hệ thống các nhà rường, di tích, các công trình kiến trúc nghệ thuật có giá trị…, xã Thủy Phù cũng được xem là địa phương có tiềm năng về du lịch sinh thái. Hiện, Hương Thủy cũng đang kêu gọi đầu tư mở rộng, nâng cấp tuyến đường vào rừng nguyên sinh; triển khai quy hoạch khu vui chơi, giải trí, hoàn thiện mô hình du lịch sinh thái hồ Khe Lời, bàu Họ, xây mới bãi đỗ xe, nhà đón khách và các trang thiết bị phục vụ du lịch mạo hiểm…, cơ bản đến năm 2025 hoàn thiện sản phẩm du lịch mạo hiểm và đưa vào khai thác.
“Phát triển du lịch cộng đồng là chìa khóa để phát triển du lịch có trách nhiệm, qua đó, hạn chế tối thiểu các tác động tiêu cực đến kinh tế, môi trường và xã hội; đồng thời, đóng góp tích cực vào việc bảo tồn di sản văn hóa, di sản thiên nhiên, duy trì sự cân bằng, đa dạng sinh học; xóa bỏ cách làm du lịch kiểu ngắn hạn, ăn xổi, tạo ra lợi ích kinh tế lớn cho dân cư địa phương…”, bà Ngô Thị Ái Hương cho hay.
Bài, ảnh: Duyên Nguyên