Người cao tuổi, trẻ em luôn được Trung tâm Công tác xã hội và Quỹ Bảo trợ trẻ em quan tâm, tận tình chăm sóc chu đáo về đời sống vật chất và tinh thần
Qua nhiều lần đổi tên và sáp nhập, với bề dày truyền thống hoạt động, Trung tâm CTXH-QBTTE không ngừng lớn mạnh về quy mô, chất lượng và là địa chỉ nhân ái, cầu nối bảo trợ người cao tuổi và trẻ em mồ côi không nơi nương tựa, người có hoàn cảnh đặc biệt trên địa bàn tỉnh.
Điểm tựa cho những “mảnh ghép” đặc biệt
Trung tâm CTXH – QBTTE luôn thực hiện tốt nhiệm vụ tiếp nhận, quản lý, nuôi dưỡng đối tượng bảo trợ xã hội (BTXH), phát triển dịch vụ nuôi dưỡng tự nguyện, phát triển nghề công tác xã hội, tập trung người lang thang ăn xin và huy động sự đóng góp của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước trong việc chăm lo cho các đối tượng BTXH, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn tỉnh.
Bình quân số người trung tâm nuôi dưỡng, chăm sóc là 100 người, gồm trẻ bị bỏ rơi, trẻ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, người cao tuổi cô đơn, người khuyết tật, người tự nguyện đóng góp kinh phí và người lang thang xin ăn, lang thang cơ nhỡ, đây là những người yếu thế trong xã hội.
Ông Trần Văn Khải, Giám đốc Trung tâm CTXH và QBTTE cho biết, công tác chăm sóc, nuôi dưỡng các đối tượng luôn được đặt lên hàng đầu để tập trung thực hiện, nhất là vấn đề chăm lo sức khỏe, an toàn vệ sinh thực phẩm. Hằng ngày, bộ phận phụ trách theo dõi, cấp phát thuốc điều trị cho những người ốm đau thông thường, kịp thời đưa đi bệnh viện những người ốm nặng. Sáu tháng đầu năm 2022 có 11 lượt người được đưa đi khám tại bệnh viện, điều trị tại chỗ 224 lượt người (trong đó có 10 người tâm thần mức độ nhẹ). Đơn vị thường xuyên theo dõi sức khỏe của các đối tượng để xây dựng chế độ ăn cho phù hợp; chăm sóc, vệ sinh những trường hợp bị liệt, khuyết tật nặng; phối hợp với các đơn vị khám sức khỏe cho các đối tượng; mở rộng khu phục hồi chức năng, đầu tư nhiều trang thiết bị tập thể dục để các đối tượng có nhiều điều kiện tập thể dục, duy trì, nâng cao sức khỏe.
Riêng chế độ dinh dưỡng, đơn vị thường xuyên thay đổi thực đơn để phù hợp với khẩu vị, đảm bảo đủ chất dinh dưỡng, nâng cao sức khỏe cho mọi người. Thời gian qua, đơn vị cũng nhận được sự quan tâm, hỗ trợ của các mạnh thường quân nên chế độ dinh dưỡng trong bữa ăn của các đối tượng được nâng lên so với trước.
Để góp phần duy trì, nâng cao sức khỏe, tạo môi trường tươi vui, giảm thời gian nhàn rỗi, đồng thời mang lại thu nhập cho các đối tượng, trung tâm đã đẩy mạnh các hoạt động sản xuất – lao động trị liệu, qua đó đã thu hút: 9 người tham gia làm hương; 6 người xếp giấy vàng mã; 2 người chăn nuôi; 9 người trồng trọt và một số người tham gia các hoạt động khác, từ đó sức khỏe và tinh thần các đối tượng được nâng lên rõ rệt.
Đỡ đầu cho nhiều hoàn cảnh đặc biệt, khó khăn
Trải qua mấy mươi năm chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ mồ côi, trẻ bị bỏ rơi, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, đã có nhiều cháu thành đạt, có cuộc sống ổn định. Bà Đỗ Lê Phương Mai, Phó Giám đốc Trung tâm CTXH-QBTTE cho hay, đã thành truyền thống, trung tâm xem công tác giáo dục, học tập của các cháu là nhiệm vụ trọng tâm. Ban Giám đốc luôn cùng với bộ phận “bảo mẫu” xây dựng quy chế học tập, sinh hoạt hợp lý; phân công cán bộ theo dõi việc học tập của các cháu hàng ngày; định kỳ hàng tuần, tổ chức họp nhắc nhở, giáo dục những cháu không thực hiện tốt việc học tập cũng như chấp hành nội quy của trung tâm. Ngoài ra, các cháu được tham gia các lớp học thêm, lớp nâng cao kiến thức để nâng cao học lực. Nhờ được quan tâm việc học, nên hầu hết các cháu ở các độ tuổi đi học đều lên lớp, đỗ vào đại học, vào các trường nghề.
Bên cạnh chăm lo ăn, học, dạy dỗ các cháu, trung tâm còn tổ chức các hoạt động ngoại khóa, trải nghiệm, thể dục thể thao… và khu sân chơi, nhằm trang bị kiến thức, kỹ năng và sức khỏe để các cháu có đủ hành trang khi vào đời.
Không chỉ chăm sóc, nuôi dưỡng, dạy dỗ cho các cháu được nuôi dưỡng tại đơn vị, trung tâm còn đặc biệt quan tâm đến trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, khó khăn tại cộng đồng trên địa bàn tỉnh với nhiều chương trình hoạt động ý nghĩa, nhân văn. Trung tâm hợp tác với tổ chức Zhi-Shan Foundation của Đài Loan trao học bổng cho gần 800 trẻ em có hoàn cảnh khó khăn; chăm sóc, nuôi dạy gần 100 trẻ em khuyết tật đang nuôi dưỡng tại chùa Đức Sơn; xây dựng thư viện, điểm vui chơi cho các em học sinh một số trường trên địa bàn tỉnh. Tiếp nhận và trao trên 2.000 phần quà tặng do Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam hỗ trợ.
Hằng năm, đơn vị phối hợp với các tổ chức, doanh nghiệp và nhà hảo tâm tổ chức trao học bổng cho 100 học sinh nghèo vượt khó học giỏi, tiêu biểu, với giá trị mỗi suất học bổng và quà khoảng 4 triệu đồng/người. Phối hợp với nhiều tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp và cá nhân, nhà hảo tâm tổ chức trao trên 8.000 phần quà cho các trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, thông qua các chương trình “Kết nối yêu thương”, “Hành trình cuộc sống”, “Gói mỳ hạnh phúc”, Ngày hội thiếu nhi, Tháng hành động Vì trẻ em, Vui hội Trăng rằm…
Tuy thời gian qua đơn vị đã làm được nhiều việc, nhưng ông Trần Văn Khải, Giám đốc Trung tâm CTXH-QBTTE nhận thấy vẫn còn nhiều việc phải làm để chăm sóc, nuôi dưỡng các đối tượng tốt hơn nữa, như: Tiếp tục hình thành môi trường sống, môi trường lao động sản xuất – lao động trị liệu xanh, sạch, sáng, thoáng mát; đầu tư cơ sở vật chất, nhất là trang thiết bị phục vụ chăm sóc sức khỏe, phục hồi chức năng và giải trí; kêu gọi xã hội cùng chung tay để chăm lo các đối tượng ngày càng tốt hơn… để trung tâm là một “Nơi đáng sống” của những người yếu thế, là cơ sở dưỡng lão có chất lượng của người tự nguyện đóng kinh phí vào sống tại trung tâm.
Bài, ảnh: HOÀI THƯƠNG