Đem chuyên môn về cơ sở giúp dân

Hoạt động khám bệnh, cấp thuốc miễn phí cho các đối tượng chính sách của Hội Cựu chiến binh Trường đại học Y – Dược

Từ thăm khám, chữa bệnh cho người dân

Giữa những ngày mưa lạnh xứ Huế cuối năm 2022, chuyến xe chở đoàn cán bộ y tế thực hiện chương trình khám, chữa bệnh và cấp thuốc miễn phí cho các đối tượng chính sách đã có mặt từ rất sớm ở Trạm Y tế xã Phú Hồ, huyện Phú Vang. Đây là hoạt động của Hội CCB Trường ĐH Y – Dược, ĐH Huế, trực tiếp thăm khám và tặng quà cho những CCB, đối tượng chính sách, người có công cách mạng.

Kể từ năm 2017, qua 6 lần tổ chức chương trình, với TS.BS. Nguyễn Văn Cầu, Chủ tịch Hội CCB Trường ĐH Y – Dược, ĐH Huế, thì những chương trình khám, chữa bệnh, cấp thuốc như thế mang rất nhiều ý nghĩa. TS. Cầu kể: “Ngoại trừ năm 2021 bị gián đoạn do dịch COVID-19, thì hằng năm chương trình đã đến hỗ trợ nhiều địa phương trong tỉnh thông qua khám bệnh, cấp thuốc miễn phí cho các hội viên CCB, đối tượng chính sách, người có công cách mạng. Người dân ở các địa phương còn nhiều khó khăn, phải đến lúc có triệu chứng nặng, đau chịu không nổi hoặc phải cấp cứu, họ mới tìm đến bệnh viện. Còn không, họ vẫn cố chịu hoặc tự mua thuốc uống”.

Hai lần theo đoàn, tôi nhớ mãi câu nói của TS.BS. Cầu tâm sự lúc nghỉ giữa trưa, rằng: “Đi khám, nhưng mong người đến khám đừng bệnh gì trầm trọng cả”. Là bác sĩ chuyên khoa ung bướu, ông sợ nhất khi tầm soát, phát hiện ra có khối u nghi ngờ, bởi nếu nghe tin, bệnh nhân sẽ hết sức hoang mang, lo lắng.

TS. BS. Nguyễn Văn Cầu kể, có nhiều lần, qua thăm khám phát hiện một số người mang khối u hay bệnh lý tim mạch trong người nhưng họ không hề biết. Ông động viên, khuyên bệnh nhân bình tĩnh, cố gắng đến Bệnh viện Trường ĐH Y – Dược Huế để ông cùng các y, bác sĩ thăm khám kỹ hơn, nhằm có một chẩn đoán chính xác trước khi xem xét điều trị. “Mình không nhớ rõ đã có bao nhiêu trường hợp được phát hiện bệnh qua chương trình khám, chữa bệnh như thế. Nhưng, mỗi chương trình khám bệnh, mình cùng các đồng nghiệp với sự hỗ trợ chu đáo từ nhà trường và bệnh viện trường, không chỉ mang thuốc, các dụng cụ, vật tư y tế thông thường mà còn chở theo máy đo điện tim, máy siêu âm xách tay hiện đại để vừa kết hợp thăm khám lâm sàng và cận lâm sàng để tăng độ chính xác khi ra quyết định chẩn đoán”, TS.BS. Cầu kể.

Hành trình khám, chữa bệnh và cấp thuốc miễn phí cho CCB, người có công và đối tượng chính sách ở các vùng khó khăn của những CCB Trường ĐH Y – Dược có thể được xem đã “lên núi, xuống biển”, qua nhiều địa phương từ Vinh Thanh, Phú Đa, Phú Hồ (Phú Vang), Vinh Hải, Lộc Bình (Phú Lộc), Điền Môn (Phong Điền) hay huyện miền núi Nam Đông. Điểm chung của những lần tổ chức là những đối tượng chính sách, hội viên CCB đều rất vui mừng. Bà Bùi Thị Tuyết (80 tuổi), ở xã Phú Hồ chia sẻ: “Tuổi già nên tôi lo bị nhiều bệnh tật. Được đoàn về khám, xét nghiệm, tư vấn sức khỏe tôi rất mừng. Họ nhẹ nhàng, dặn dò kỹ lưỡng, động viên tôi yên tâm hơn trong cuộc sống”.

Hỗ trợ nhiều mặt

Mấy lần theo đoàn CCB ĐH Huế làm các chương trình, tôi có nhiều dịp trò chuyện với PGS.TS. Nguyễn Xuân Bả, Chủ tịch Hội CCB ĐH Huế. Ông bảo: “Tất cả hội viên CCB ĐH Huế đều đang đương chức và là nhà giáo, cán bộ nghiên cứu khoa học hoặc phục vụ trong ĐH Huế và các trường thành viên. Bận rộn nhiều công việc, nhưng nói làm chương trình, mọi người đều gác việc cùng góp sức”.

9 tổ chức cơ sở hội trực thuộc với 92 hội viên là con số không lớn, nhưng CCB ĐH Huế lại có nhiều hoạt động đặc trưng chuyên môn được gắn và hướng đến cộng đồng, giúp đỡ hội viên và người dân các địa phương. Ngoài thăm hỏi, động viên các cựu chiến binh, thương bệnh binh dịp 27/7 hay quyên góp kinh phí tặng nhà tình nghĩa cho Mẹ Việt Nam Anh hùng thì mỗi cựu chiến binh ĐH Huế lại vận dụng hiểu biết, chuyên môn của mình để giúp đỡ hội viên và người dân vươn lên trong cuộc sống. Đơn cử, hội CCB Trường ĐH Nông Lâm thường xuyên tập huấn, hướng dẫn các hội viên, người dân các địa phương các mô hình làm ăn kinh tế hiệu quả, như: “Chăn nuôi lợn sinh sản”, “Chăn nuôi gà an toàn sinh học”, các kỹ thuật làm vườn, nghề thủ công cho nạn nhân chất độc da cam, người tàn tật, thương binh, hội viên ở A Lưới, Phú Vang, Hương Trà và thành phố Huế. Hội CCB ĐH Luật cũng đã quyên góp và trao hàng trăm suất quà cho bà con Đông Sơn, A Lưới. Bên cạnh đó, các đơn vị cũng vận động kinh phí hỗ trợ hội viên khi gặp khó khăn, hỗ trợ hàng trăm triệu đồng cho học bổng, chuyến xe về tết cho sinh viên nghèo.

Ông Hồ Văn Hàn, người dân xã Trung Sơn, huyện A Lưới chia sẻ: “Từ những hỗ trợ và tập huấn của các bác cựu chiến binh ĐH Huế dành cho nạn nhân chất độc da cam, chúng tôi hiểu hơn về kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt. Nhờ đó, nhà tôi cũng nuôi được nhiều đàn gà, trồng vườn hiệu quả hơn để cải thiện đời sống thu nhập”.

Nhiều lần thấy các bác, các anh vất vả, tôi ngỏ lời động viên nhưng họ xua tay, bảo: “Tinh thần người lính luôn sẵn sàng đóng góp”. Bởi với họ, lấy chuyên môn của mình ra giúp lại hội viên và người dân cũng là cách đóng góp xây dựng quê hương, đất nước thời bình.

Bài, ảnh: HỮU PHÚC

About Huế

Bài viết được đăng từ nguồn: Báo Thừa Thiên Huế online

Check Also

Mới nghĩ thôi đã thấy xa lạ…

Hội lớp 12Đ Quốc Học Huế, NK 1982-1985 đã tổ chức lần đầu sau 25 …