Để Huế trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo

Các đại biểu chia sẻ giải pháp kết nối hệ sinh thái KNĐMST địa phương

Đây là một hoạt động nằm trong chuỗi sự kiện tại Diễn đàn “Huế – sáng tạo để phát triển bền vững” (Hue Innovation Day) do Viện Nghiên cứu phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế phối hợp với các đối tác tổ chức với nhiều hoạt động hội thảo, diễn đàn, trưng bày giới thiệu sản phẩm…

Xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp địa phương

Theo Đề án Cố đô khởi nghiệp giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, Thừa Thiên Huế hướng đến tạo lập hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (KNĐMST) năng động và hiệu quả với sự tham gia, kết nối thường xuyên của các thành tố trong hệ sinh thái KNĐMST. Hoàn thiện hệ sinh thái KNĐMST nhằm tạo lập môi trường thuận lợi cho hoạt động KNĐMST; thúc đẩy, hỗ trợ hình thành và phát triển các loại hình doanh nghiệp có khả năng tăng trưởng nhanh dựa trên khai thác tài sản trí tuệ, công nghệ, mô hình kinh doanh mới và đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp.

Đồng thời, đề án cũng cụ thể hóa các cơ chế, chính sách đột phá nhằm hỗ trợ và phát triển các doanh nghiệp KNĐMST sát với thực tiễn, phù hợp với nguồn lực và điều kiện của tỉnh. Tạo lập môi trường thuận lợi, từng bước nâng cao năng lực của các thành phần tham gia KNĐMST. Thành lập và hỗ trợ mạng lưới câu lạc bộ khởi nghiệp, hỗ trợ xây dựng không gian làm việc chung trên địa bàn. Phát triển Quỹ Đầu tư Khởi nghiệp sáng tạo tỉnh, kết nối các nhà đầu tư, các quỹ đầu tư và xây dựng mạng lưới các nhà đầu tư để hỗ trợ khởi nghiệp.

Theo ông Phạm Hồng Quất, Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp KH&CN – Bộ KH&CN, Thừa Thiên Huế có rất nhiều lợi thế trong khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Ngoài những tiềm năng về giáo dục, văn hóa, thành phố thông minh, y tế… Thừa Thiên Huế cũng đã xây dựng được đề án Cố đô khởi nghiệp như một kim chỉ nam định hướng cho hoạt động KNĐMST.

Ông Phạm Hồng Quất cũng kỳ vọng Techfest Miền Trung – Tây Nguyên 2021 sẽ là dịp kết nối chuyên gia, các tỉnh thành, bộ, ban ngành nhằm tìm ra sáng kiến đưa Thừa Thiên Huế trở thành điểm sáng trong đào tạo huấn luyện kết nối cộng đồng, là điển hình trong hệ sinh thái KNĐMST địa phương.

Kết nối

Các chuyên gia tham gia diễn đàn đã chia sẻ những định hướng về thực hiện đề án KNĐMST tại các địa phương cũng như quốc gia; chia sẻ kinh nghiệm trong vận hành và thúc đẩy hệ sinh thái KNĐMST địa phương, thúc đẩy đầu tư cho các dự án KNĐMST.

Kết nối sản phẩm khởi nghiệp tại diễn đàn

Theo ông Cung Trọng Cường, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển tỉnh, Giám đốc Trung tâm KNĐMST Thừa Thiên Huế, với vai trò kết nối, ươm tạo, cung cấp vốn, hạ tầng cho các dự án khởi nghiệp, doanh nghiệp nhỏ và vừa…, trong năm, Trung tâm đã hỗ trợ không gian làm việc, trưng bày sản phẩm cho 30 DN; ươm tạo cho 12 DN, DA khởi nghiệp. Các hoạt động đào tạo, kết nối thị trường, xúc tiến thương mại trong và ngoài nước cũng được trung tâm tổ chức liên tục nhằm đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, góp phần chuyển đổi số trong DN. Trung tâm đã hỗ trợ gọi vốn thành công cho 3 DA với số vốn 2,6 tỷ đồng, gắn kết các DA, DN với các nhà đầu tư nhằm tạo bước tiến cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN.

Các đại biểu tham dự cũng đã chỉ ra một số hạn chế của hệ sinh thái KNĐMST trên địa bàn tỉnh. Trong đó, mạng lưới nhà đầu tư cá nhân, nhà đầu tư thiên thần tại hệ sinh thái địa phương vẫn khá khiêm tốn. Doanh nghiệp khởi nghiệp lĩnh vực công nghệ vẫn chiếm tỷ trọng thấp, sự tham gia của các sở, ngành, chính quyền các cấp trong hỗ trợ KNĐMST chưa thực sự đồng bộ.

Ông Nguyễn Việt An, Văn phòng đề án 844 nhấn mạnh, kết nối có vai trò hết sức quan trọng trong hoạt động KNĐMST. Thừa Thiên Huế phải xây dựng được mạng lưới kết nối từ nguồn lực tới kết nối con người. Trong đó, nhấn mạnh kết nối giữa những người triển khai xây dựng hệ sinh thái với chủ thể của hệ sinh thái, kết nối mạng lưới tri thức với các mô hình kết nối mới để hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp. Kết nối hệ sinh thái địa phương với hệ sinh thái tại các quốc gia thông qua đội ngũ chuyên gia, doanh nghiệp là kiều bào nhằm đưa phong trào KNĐMST từ thế giới vào Việt Nam và ngược lại. Tạo được mối liên kết giữa Nhà nước, nhà trường và doanh nghiệp, nhà đầu tư… với các dự án KN để hình thành nên các trung tâm KNĐMST.

Các cơ quan chức năng cần thúc đẩy hình thành mạng lưới cố vấn KNĐMST trên địa bàn để kết nối các cấu phần của hệ sinh thái và hỗ trợ cho các dự án khởi nghiệp, trong đó có hỗ trợ về vốn đầu tư cho các dự án khởi nghiệp.

Trong khuôn khổ hoạt động diễn đàn, trong ngày cũng diễn ra chương trình tôn vinh 9 dự án đổi mới sáng tạo xuất sắc nhất Giải thưởng Sao Kim năm 2021.

Bài, ảnh:Hoàng Loan

About Huế

Bài viết được đăng từ nguồn: Báo Thừa Thiên Huế online

Check Also

CEO Central Pharmacy: “Chinh phục khách hàng khó tính từ những chi tiết nhỏ nhất”

Đại dịch COVID-19 không chỉ để lại những hậu quả nặng nề cho ngành y …