Để gió cuốn đi…

Năm 1975, đất nước thống nhất, em theo ba, mẹ về lại Huế. Nhà ở cùng phố với anh. Em học cùng trường và đi bộ đến trường cùng anh trên một con đường. Con đường mang tên Nguyễn Trường Tộ, nằm cạnh dòng sông An Cựu. Hai bên đường có hàng cây long não thật đẹp. Mỗi mùa xuân đến, cây đâm chồi, nảy lộc. Con đường như xanh hơn và rộng hơn, khiến người qua đường ngẩn ngơ. Từng đàn chim sẻ kéo nhau về nhảy nhót, hót vang, trông ấm cúng, hạnh phúc.

Anh hơn em hai tuổi và học trên hai lớp. Ngay từ ngày đầu tiên gặp nhau trên đường đi học, anh đã trố mắt nhìn em. Đa số nữ sinh đều mặc áo dài, hoặc áo sơ mi trắng, đi dép sampo, để tóc thề ngang vai, chỉ mỗi mình em mặc chiếc áo cộc tay hoa màu xanh, đi guốc mộc, tóc demi garcon. Anh đi qua thấy em, bước chậm lại. Bất chợt hát: “Này cô em Bắc Kỳ nho nhỏ. Này cô em tóc demi garcon. Chiều hôm nay xuống đường đón gió. Cô có tình cờ nhìn thấy anh không?”.

Lúc ấy em giật mình, ngại ngùng. Em vội vã bước đi, bỏ lại anh phía sau. Anh cười và cứ đi sau lưng em cho đến lúc vào cổng trường. Mỗi người rẽ vào một lớp.

Hôm sau đi học. Lại gặp. Lần này, anh thân thiện hơn. Anh nói chuyện khá nhiều. Lần đầu tiên nghe giọng Huế từ một người con trai, em không hiểu gì hết, cứ vâng ạ, vâng ạ. Anh dừng lại hỏi: “Có nghe tui “noái’ chi không mà vâng ạ”? Em ngơ ngác: “Anh bảo gì cơ ạ”? Anh cười: “Lớp anh cũng có nhiều học sinh miền Bắc, có mấy chị nói giọng Hà Nội giống em, nghe dễ thương chi lạ”.

Anh học ban C, mộng thi vào trường y khoa nên học giỏi cả 3 môn: toán, lý, hóa. Em học ban A, thích học môn văn và học giỏi văn. Yếu toán nên anh hay dạy thêm. Mỗi lần anh dạy kèm, em chỉ bồi dưỡng cho anh mỗi ly nước chanh đá về mùa hè và chanh nóng về mùa đông. Anh yêu nhạc Trịnh. Thủa ấy, từ Bắc vào, nhạc Trịnh với em là sự mới mẻ và có sức hút mê hoặc. Có lần đi qua đường Nguyễn Trường Tộ, anh chỉ lên gác hai của một dãy nhà lầu bên cạnh cầu Phủ Cam, bảo: “Nhà của Trịnh đó! Bài Diễm xưa có câu “Mưa vẫn mưa bay trên tầng tháp cổ”. Tháp cổ là nhà thờ Phủ Cam đó”. Anh quay lại chỉ tay về phía nhà thờ. Ngôi nhà có kiến trúc đẹp nổi tiếng. Nơi mà ngày nào em cũng đi qua đó để đến nhà. Anh nói tiếp: “Đi qua cầu Phủ Cam, bên phải, vài trăm mét là nhà của Diễm”. Rồi say sưa hát “Diễm xưa”. Hát vu vơ giữa đường, chỉ mình em nghe. Giọng hát của anh hay lắm. Hay đến nỗi giờ nghe các ca sĩ khác hát bài này, em vẫn chỉ nghĩ anh là người có giọng hát truyền cảm nhất. Anh yêu Huế! Yêu đến từng ngọn cỏ, lá cây.

Chàng trai 18 tuổi hiểu biết Huế cứ như người chuyên nghiên cứu Huế. Anh nói về sự ra đời của cầu Trường Tiền, chùa Thiên Mụ… Rồi em hỏi gì, anh cũng kiên trì giảng giải.

Mùa hè năm sau, anh thi vào trường y. Anh cũng là kỳ vọng của gia đình, thầy cô, bạn bè. Có lần mẹ anh bảo với em. “O hay đau ốm. Mong nó trở thành bác sĩ để được nhờ con”. Anh luôn bảo với em: Anh trở thành bác sĩ, khi chữa bệnh cho người nghèo, anh miễn phí hết.

Trường đại học y khoa nằm phía sau trường cấp ba Trưng Trắc. Khi làm xong nguyện vọng thi đại học, một lần đi học về, anh kéo tay em đi qua trường y khoa, thấy có nhiều sinh viên mặc áo blu trắng trong phòng thí nghiệm. Anh hào hứng: “Anh phải hết sức cố gắng, phấn đấu sang năm sẽ được mặc chiếc áo trắng như các anh sinh viên kia”. Mắt anh chất chứa niềm vui!

Nóng lòng nhất là những ngày đợi kết quả điểm thi đại học. Một buổi chiều, anh đến nhà em, ào ạt như một cơn lốc. Anh đứng trước cổng nhà, nhảy chân sáo và giơ cao tờ giấy báo trúng tuyển đại học lên nói to: Anh đậu đại học rồi!

Do kinh tế gia đình còn khó, nên vào đại học anh vẫn đi bộ. Con đường Nguyễn Trường Tộ vẫn đầy tiếng chim kêu trên hàng cây long não khi mùa xuân sang, vẫn mộng mơ khi mỗi buổi sáng có rất nhiều học sinh đi bộ đến trường, trong đó có anh và em. Bên cạnh em, lúc nào anh cũng như một người thầy. Anh học chăm chỉ, lại yêu nghề bác sĩ nên luôn là sinh viên giỏi.

Ngày ấy, biên giới phía Tây Nam rất căng thẳng. Nhiều thanh niên, sinh viên tình nguyện lên đường. Anh cứ trăn trở, rồi thỉnh thoảng lại đọc đoạn thơ “Tây tiến đoàn binh không mọc tóc…” trong bài thơ “Tây tiến” của Quang Dũng.

– Anh tính nghỉ học, lên biên giới à? Em hỏi.

– Có thể lắm – Anh trả lời chắc chắn.

Mùa xuân năm ấy, khi anh đang học năm thứ hai thì tình nguyện “xếp bút nghiên” lên đường bảo vệ Tổ quốc. Đêm tối, trước ngày anh đi xa, bạn bè, người thân và hàng xóm đến thăm anh rất đông. 9 giờ tối, mọi người chia tay để anh nghỉ sớm. Em là người cuối cùng rời khỏi nhà anh. Em cũng bày đặt lãng mạn, lặng lẽ để lên bàn học của anh chùm hoa bưởi…

Những lá thư anh viết vội từ biên giới. Anh không kể về những ngày cầm súng gian nan, nguy hiểm, những cơn sốt rét ác tính. Lần nào cũng băn khoăn chỉ muốn cùng người dân yêu nước Campuchia sớm lật đổ chế độ Polpot để người dân hai nước sống trong hòa bình, thân ái.

Xong nghĩa vụ, anh trở lại định tiếp tục đi học lại, thì cũng là lúc anh làm thủ tục theo gia đình sang nước ngoài định cư. Hôm từ biệt nhau, lần đầu tiên em thấy những giọt nước mắt từ anh. Anh biết mình ra đi là biền biệt. Không hẹn ngày về. Anh đưa ra chùm hoa bưởi đã héo khô vì năm tháng. Nhiều cánh đã rơi ra khỏi cành, từng theo anh ra chiến trường, rồi nói: “Kỷ vật này là một trong những nguyên nhân làm anh vượt qua những khó khăn, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong những ngày đi lính. Giờ anh vẫn đem theo qua nước ngoài. Luôn nhớ về mối tình đầu đẹp đẽ của anh”! Khi đó em đã là sinh viên ngành lịch sử năm thứ nhất.

Thời điểm ấy, những người đi ra nước ngoài và người ở trong nước chỉ ngóng tin nhau qua những cánh thư viết tay. Vài tháng mới có được lá thư. Cả anh và em đều thấy một ngày xa nhau dài bằng cả thế kỷ! Thư anh gửi về, lúc nào cũng canh cánh: Huế có thay đổi nhiều không?

Nỗi nhớ rồi cũng nguôi ngoai. Em ra trường, đi làm rồi yên bề gia thất khi cập kè tuổi 30, dù trong lòng lúc nào cũng nghĩ về mối tình đầu thi vị. Lá thư cuối cùng anh viết cho em trước ngày cưới: “… Do hoàn cảnh nên anh đã có lỗi vì không làm tròn trách nhiệm của người đàn ông với người mình yêu. Niềm vui lớn nhất của anh là cuộc đời của em luôn hạnh phúc…”. 5 năm sau ngày em cưới, anh cũng lập gia đình.

Tốt nghiệp đại học, anh đi làm, tiết kiệm tiền gửi về giúp đỡ những người nghèo trong xóm. Khi đất nước đổi mới, nhiều người Việt Nam ở nước ngoài về thăm quê. Anh vội trở về, tìm những người bạn thân bàn cách làm từ thiện cho Huế. Các bạn hưởng ứng nhiệt tình. Ban đầu anh bỏ tiền tiết kiệm, giúp đỡ một số gia đình khó khăn nhất. Về lại nước ngoài, không hiểu anh làm cách gì mà những người bạn thân nơi anh đang sống và ở nước khác, cũng thích làm từ thiện, cùng nhau góp tiền cho anh, để mỗi mùa hè, anh lại về với Huế. Những chiếc xe đạp, những chiếc máy vi tính, những xuất học bổng cho học sinh, sinh viên, những căn nhà mới xây, người dân nghèo được mượn vốn để làm kinh tế… Đó chính là cứu cánh, là nguồn động viên lớn cho biết bao mảnh đời, những gia đình khốn khó. Anh thu được bao nhiêu tiền và giúp đỡ ai đều công khai, minh bạch. Nhờ vậy số tiền ủng hộ ngày càng nhiều. Anh thành lập hẳn một quỹ từ thiện được điều hành, giám sát bởi những người có uy tín trên nhiều quốc gia và ở Huế. Từ đó, cứ mỗi năm Huế vào hạ, anh lại về thăm quê, lại cùng các thành viên của tổ chức hội từ thiện của anh ở Huế rong ruổi đi hết các gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn ở vùng quê nghèo của Huế và cả Quảng Trị.

Sau mỗi chuyến đi từ thiện, anh lại rủ các bạn đi ăn cơm hến. Món ăn anh thích nhất, rồi ôm cây đàn ghi ta, cùng bạn bè đắm chìm trong những giai điệu yêu thích: “… sống trên đời sống cần có một tấm lòng. Để làm gì em biết không? Để gió cuốn đi…”. Anh luôn hát bài ấy với cả tấm lòng. Mái tóc bạc rung rung.

Đinh Hoàng Xuân Hồng

About Huế

Bài viết được đăng từ nguồn: Báo Thừa Thiên Huế online

Check Also

Long Nhật nặng tình với Huế

Ca sĩ Long Nhật, người con xứ Huế, sẽ tổ chức liveshow kỷ niệm 35 …