Người lao động làm các thủ tục liên quan đến chính sách bảo hiểm xã hội
Cần sự linh hoạt
Chị H.T. đã điều trị khỏi COVID-19, mang giấy chứng nhận hoàn thành cách ly y tế tại nhà đến trạm y tế phường để xin giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH thì không được chấp nhận vì đã… khỏi bệnh. Cũng là F0 tự điều trị tại nhà, anh họ của chị H.T. đã xin được giấy xác nhận khỏi bệnh do trạm y tế phường cấp, nhưng không được thanh toán BHXH do loại giấy này không đúng quy định.
Hiện tại, còn khá nhiều người đã và đang rơi vào cảnh “tréo ngoe” như chị H.T. Cơ quan BHXH cho biết, gần đây đơn vị nhận được nhiều thắc mắc liên quan F0 điều trị tại nhà không được cấp giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng chế độ BHXH. Người lao động là F0 chỉ được cấp Giấy chứng nhận ra viện hoặc hoàn thành điều trị, cách ly. Các loại giấy tờ này đều không đúng với mẫu quy định tại Thông tư 56/2017/TT-BYT ngày 29/12/2017 của Bộ Y tế (Thông tư 56), dẫn đến BHXH không thể thanh toán chế độ cho người lao động.
Nhiều người bức xúc, cho rằng BHXH gây khó dễ, nhưng BHXH là cơ quan tổ chức thực hiện chính sách chứ không có thẩm quyền quy định về hồ sơ trình tự, thủ tục. Nếu dùng những giấy tờ không đúng quy định để chi trả chế độ thì khi cơ quan thanh tra, kiểm tra, buộc phải thu hồi số tiền đã chi.
Để bảo đảm quyền lợi cho người lao động, về phía cơ quan BHXH cũng đề xuất: “Hiện chưa có quy định, hướng dẫn về việc cấp các giấy tờ làm hồ sơ căn cứ hưởng BHXH với đối tượng F0 điều trị tại nhà. Bởi vậy, cần có sự linh hoạt, cải cách thủ tục trong cấp hồ sơ giấy tờ để nhanh giải quyết quyền lợi cho người lao động”.
Phải có “giấy chứng nhận hưởng bảo hiểm xã hội”
Tại Thừa Thiên Huế, nhiều người lao động bị F0 cách ly, điều trị tại nhà chưa được hưởng các chế độ BHXH theo quy định. Cụ thể, người lao động đã được cấp Quyết định cách ly y tế, Giấy xác nhận hoàn thành thời gian quản lý, điều trị F0 tại nhà hoặc Giấy xác nhận khỏi bệnh… nhưng chưa được cấp Giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH hoặc cấp lùi ngày không theo đúng hướng dẫn tại Phụ lục 07 của Thông tư 56.
Vậy, thế nào là mẫu “giấy chứng nhận hưởng BHXH” đúng? Chúng tôi được biết, theo quy định, chứng từ làm cơ sở để thanh toán chế độ ốm đau là giấy ra viện (nội trú); giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH do cơ sở có thẩm quyền cấp (ngoại trú).
Từng là F0, bà P. Th. Ph. cho biết, bà chỉ cần nộp Giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH là được hưởng ngay chế độ ốm đau. Như vậy, nếu đúng thủ tục thì vừa tiện cho người tham gia vừa không gây khó cho cơ quan BHXH.
Cần có văn bản, quy định mới
Vướng mắc lớn nhất hiện nay là các F0 điều trị tại nhà bởi đa số triệu chứng nhẹ, không bắt buộc tới cơ sở khám chữa bệnh. Điều trị F0 chủ yếu giao cho trạm y tế cấp xã, phường. Trong khi đó, hiện chưa có quy định, hướng dẫn về việc cấp các giấy tờ làm hồ sơ căn cứ hưởng BHXH với F0 điều trị tại nhà. Cần có sự linh hoạt, cải cách thủ tục trong cấp hồ sơ giấy tờ để nhanh giải quyết quyền lợi cho người lao động, Cơ quan BHXH nhiều địa phương, trong đó có Thừa Thiên Huế đã nhiều lần báo cáo thực tế, kiến nghị với ngành y tế vấn đề này.
Nhận thấy quy định F0 điều trị nội trú phải có giấy ra viện và ngoại trú có giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH không đáp ứng được thực tiễn phát sinh với tính trạng số lượng F0 điều trị tại nhà nhiều như hiện nay.
Trong khi chờ thông tư mới ban hành, cơ quan BHXH tỉnh đã có văn bản đề nghị Sở Y tế Thừa Thiên Huế chỉ đạo các cơ sở khám, chữa bệnh cấp Giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH đối với người lao động là F0 cách ly, điều trị tại nhà nhằm đảm bảo quyền lợi cho người lao động theo quy định của pháp luật. Trường hợp hay vấn đề nào vẫn còn vướng mắc, không giải quyết được thì đề nghị Sở Y tế có văn bản xin ý kiến của các cấp có thẩm quyền xem xét.
Bài, ảnh: Huế Thu