Cùng dự hội nghị còn có UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình; lãnh đạo các ban ngành liên quan.
Đoàn công tác của Ban Chỉ đạo Đề án 06 tỉnh học tập kinh nghiệm thực hiện Đề án 06 tại Trung tâm dữ liệu quốc gia về dân cư. Ảnh: Văn Bốn
Nhiều kết quả đáng ghi nhận
Thông tin về quá trình thực hiện Đề án 06, Phó Giám đốc Công an tỉnh – Đại tá Nguyễn Đình Thừa cho biết, Ban Chỉ đạo Đề án 06 của tỉnh đã tham gia góp ý đối với 12 dự thảo văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến Đề án 06 theo đề nghị của Bộ Công an và các cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ. Triển khai kết nối hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) tỉnh với cơ sở dữ diệu Quốc gia về dân cư (CSDLQG về DC). Cung cấp 1.920 TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của địa phương đồng bộ lên cơ sở dữ liệu TTHC quốc gia.
Đại tá Nguyễn Đình Thừa cũng nhấn mạnh, khi hệ thống CSDLQG về DC và căn cước công dân (CCCD) đưa vào vận hành, khai thác thì thông tin công dân được quản lý tập trung, thống nhất, các ứng dụng phần mềm, tiện ích tích hợp trên thẻ CCCD gắn chip kết nối, xác thực với CSDLQG về DC đã đem lại nhiều giá trị.
“Đến nay, toàn tỉnh đã thu nhận 1.060.865 hồ sơ cấp CCCD gắn chíp, đạt 99% so với nhân khẩu đang cư trú trên địa bàn; thu nhận 244.666 hồ sơ cấp tài khoản định danh điện tử. Trong đó, số lượng tài khoản đã kích hoạt và sử dụng các tiện ích trên ứng dụng VneID là 43.781 tài khoản”- Đại tá Thừa thông tin.
Liên quan đến dịch vụ công, tỉnh đã triển khai 23/25 dịch vụ công thiết yếu theo Đề án 06; tiếp nhận, giải quyết 339.848 hồ sơ của 11/11 dịch vụ công thuộc thẩm quyền giải quyết của Công an tỉnh; tiếp nhận, giải quyết 99.825 hồ sơ của 12/14 dịch vụ công thuộc thẩm quyền giải quyết các sở, ngành khác. Hiện, một số dịch vụ công có tỉ lệ người dân nộp hồ sơ trực tuyến cao trong năm 2023 như xác nhận chứng minh nhân dân 9 số tỉ lệ 100%; thông báo lưu trú 99,99%; cấp hộ chiếu 100% …
Hội nghị cũng chỉ ra những hạn chế trong quá trình thực hiện Đề án 06. Theo đó, việc kiểm tra, giám sát, hướng dẫn, đôn đốc triển khai thực hiện của các sở, ngành, địa phương chưa thường xuyên. Đa số người dân chưa thay đổi thói quen thực hiện TTHC trực tiếp tại cơ quan chức năng; khả năng và thao tác của người dân trên các thiết bị điện tử thông minh còn hạn chế, nhất là người dân ở vùng miền núi, biên giới. Tỉ lệ công dân sử dụng thẻ CCCD gắn chip trong khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế còn thấp; việc thông báo lưu trú trực tuyến tại các cơ sở khám, chữa bệnh chưa được thực hiện nghiêm túc. Tỉ lệ thu nhận định danh điện tử đạt thấp (đạt 22,93%); nhiều trường hợp chưa được tích hợp đầy đủ thông tin các loại giấy tờ lên ứng dụng định danh điện tử (VNeID) do dữ liệu số hóa của các loại giấy tờ chưa được kết nối với CSDLQG về DC…
5 tập thể được khen thưởng vì đã có thành tích trong thực hiện Đề án 06
Cần sự vào cuộc của các cấp, ngành
Thảo luận tại hội nghị, lãnh đạo các sở, ngành, địa phương nhìn nhận, phải đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng và lợi ích mang lại của Đề án 06, nhất là các tiện ích của thẻ CCCD gắn chip điện tử, định danh và xác thực điện tử và 25 dịch vụ công thiết yếu trên Cổng dịch vụ công Quốc gia, các phương thức sử dụng thông tin công dân thay thế sổ hộ khẩu, sổ tạm trú. Cán bộ, đảng viên, công chức, lực lượng vũ trang phải là lực lượng xung kích, đi đầu trong thực hiện dịch vụ công trực tuyến, đăng ký tài khoản định danh điện tử thông qua ứng dụng VNeID… Ngoài ra, rà soát nguồn nhân lực, cơ sở hạ tầng, đường truyền, trang thiết bị của các ban, ngành địa phương phục vụ triển khai thực hiện hiệu quả nhiệm vụ của Đề án 06 tại cấp cơ sở là rất quan trọng.
Ông Nguyễn Văn Hưng, Giám đốc Sở Tư pháp nêu giải pháp chú trọng những tiện ích khi sử dụng các dịch vụ công trực tuyến, cách thức tạo lập tài khoản sử dụng dịch vụ công, 5 nhóm tiện ích của Ðề án 06.
Theo ông Hưng, cần tập trung vào đối tượng dễ tiếp cận với công nghệ số như, học sinh, giáo viên, cán bộ, công dân làm việc trong lĩnh vực công nghệ, viễn thông…; tập trung vào những tiện ích của các dịch vụ công trực tuyến như ứng dụng mạng xã hội zalo, facebook; bố trí các điểm truy cập internet miễn phí đặt tại các khu vực phù hợp.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình đánh giá, những chỉ tiêu khả quan trong phát triển kinh tế-xã hội trong năm 2022 có một phần đóng góp của việc chuyển đổi số, đồng thời ghi nhận những kết quả trong quá trình thực hiện Đề án 06. “Năm 2023 là năm quan trọng để xây dựng, hoàn thiện các đề án trình Trung ương và chúng ta luôn ưu tiên cho chuyển đổi số, trong đó Đề án 06 mang tính quyết định, do vậy cần đặc biệt quan tâm”, ông Bình nói.
Mặc dù đã có kế hoạch thực hiện rõ ràng, nhưng Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương yêu cầu các đơn vị liên quan cụ thể hóa kế hoạch, thời gian thực hiện các hạng mục công việc. “Chúng ta cần tập trung triển khai các nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách trong quý I/2023. Trong đó, phải hoàn thiện chính sách, pháp luật về phát triển, cung cấp ứng dụng, dịch vụ số liên quan đến thông tin dân cư. Tập trung vào các hạng mục công việc trọng tâm phục vụ giải quyết thủ tục hành chính và cung cấp dịch vụ công trực tuyến, phục vụ phát triển kinh tế-xã hội, phục vụ công dân số và hoàn thiện hệ sinh thái phục vụ kết nối, khai thác, bổ sung làm giàu dữ liệu dân cư…”, ông Nguyễn Văn Phương chỉ đạo.
Dịp này, có 5 tập thể và 10 cá nhân được khen thưởng vì đã có thành tích trong thực hiện Đề án 06.
LÊ THỌ