Đầu tư trọng điểm để nâng tầm vị thế cho văn hóa

“Ngày hội Áo dài” tôn vinh và lan tỏa vẻ đẹp áo dài Huế

Nâng cao vị thế văn hóa

Xây dựng Huế trở thành Kinh đô Áo dài Việt Nam là quyết tâm lớn của Sở Văn hóa và Thể thao. Hai năm qua, sở chỉ đạo các phòng ban, đơn vị liên quan tích cực hưởng ứng. Khởi đầu là việc vận động cán bộ văn phòng sở mặc áo dài trong các buổi chào cờ đầu tháng, các đơn vị thuộc ngành văn hóa mặc áo dài trong các sự kiện, tổ chức hoạt động cộng đồng Ngày hội Áo dài, tuyên truyền quảng bá trong đời sống… Đến nay, nhiều người thấy rõ được vẻ đẹp, giá trị của tà áo dài truyền thống, phong trào mặc áo dài cũng lan tỏa rộng rãi trong cộng đồng, không chỉ ở Huế mà nhiều tỉnh, thành trong cả nước.

Đề án “Huế – Kinh đô Áo dài” chỉ là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Sở Văn hóa và Thể thao trong việc thực hiện Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045. Sở Văn hóa và Thể thao xây dựng hồ sơ cấp quốc gia đặc biệt cho hệ thống di tích liên quan đến Chủ tịch Hồ Chí Minh và đã được công nhận; xây dựng hồ sơ đưa ẩm thực Huế vào danh mục di sản phi vật thể quốc gia; tập trung xây dựng hồ sơ khoa học đề nghị UNESCO công nhận ca Huế là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại và đưa ca Huế thực sự trở thành sản phẩm du lịch văn hóa đặc thù của Cố đô Huế; bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể, làng nghề truyền thống, di sản văn hóa đồng bào các dân tộc thiểu số; kiểm kê, số hóa di sản văn hóa, danh lam thắng cảnh trên địa bàn toàn tỉnh…

Hiện tỉnh đang rất chú trọng vai trò, vị thế của di sản văn hóa bằng quyết tâm chính trị, qua việc thực hiện một loạt đề án trọng điểm. Với vai trò của mình, Sở Văn hóa và Thể thao đóng vai trò tham mưu, thực hiện các nhiệm vụ trong lĩnh vực văn hóa. Đơn vị đã tham mưu cho Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh ban hành các cơ chế, chính sách trong phát triển văn hóa, thể thao và gia đình.

Trên cơ sở các nội dung của Nghị quyết và chương trình, kế hoạch hành động của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Sở Văn hóa và Thể thao ban hành Kế hoạch số 2502 ngày 4/12/2020 triển khai chương trình hành động của Tỉnh ủy và kế hoạch của UBND tỉnh về thực hiện Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị; trong đó xác định nhiệm vụ trọng tâm là tăng cường công tác quản lý Nhà nước; nâng cao chất lượng và tính chuyên nghiệp trong tổ chức các hoạt động văn hóa, thể dục thể thao; thực hiện tốt công tác bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa của dân tộc, văn hóa vùng đất Cố đô Huế; gìn giữ và phát huy thuần phong mỹ tục, truyền thống văn hóa tốt đẹp có tính đặc thù của vùng văn hóa Huế; mở rộng hợp tác quốc tế; đầu tư xây dựng hệ thống thiết chế văn hóa, cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực văn hóa, thể thao…

Xác định vai trò chủ lực

TS. Phan Thanh Hải cho rằng, xác định Nghị quyết 54 là cơ hội vàng, cơ sở pháp lý mạnh nhất để đưa Huế trở lại vị thế một trung tâm lớn của đất nước, trước tiên là trở thành trung tâm văn hóa, Sở Văn hóa và Thể thao quyết tâm khắc phục khó khăn, phát huy trí tuệ và sức mạnh tập thể đưa sự nghiệp văn hóa, thể thao phát triển mạnh mẽ, xây dựng Thừa Thiên Huế xứng tầm là trung tâm văn hóa lớn, đặc sắc của cả nước và khu vực Đông Nam Á, sớm trở thành thành phố trực thuộc Trung ương theo tiêu chí đô thị di sản đặc thù.

Xác định ngành văn hóa là đơn vị chủ công trong việc thực hiện Nghị quyết 54, các đơn vị trực thuộc tập trung đổi mới trong quản lý và tổ chức các hoạt động theo hướng nâng cao chất lượng, khẳng định vị thế, tạo nền tảng vững chắc để thực hiện thắng lợi Nghị quyết 54. Trong đó, tập trung một số nhiệm vụ: bảo tồn, phát huy và phát triển các giá trị di sản văn hóa trong mối quan hệ hài hòa với quy hoạch và phát triển đô thị; đầu tư tu bổ, tôn tạo, rà soát các công trình, di tích lịch sử, văn hóa tiêu biểu có chất lượng cao về khoa học bảo tồn và môi trường văn hóa, trong đó tập trung cho các di tích cấp quốc gia đặc biệt và di tích cấp tỉnh quan trọng; lập hồ sơ đề nghị xếp hạng di tích; xây dựng và hoàn thiện một số chính sách phát triển văn hóa, thể thao…

Theo ông Phan Thanh Hải, để làm được những điều trên, việc thu hút nhân tài cho lĩnh vực văn hóa di sản cần được tính đến. Sở đang nghiên cứu, đề xuất chính sách thu hút đội ngũ chuyên gia về văn hóa, các chính sách, cơ chế thu hút tài năng văn hóa. Đó là những người vừa am hiểu sâu sắc về văn hóa, vừa có tâm huyết nhiệt tình, có như vậy văn hóa mới được nâng cao vị thế.

Sở Văn hóa và Thể thao trăn trở, kiến nghị tỉnh cần sớm đầu tư, xây dựng hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao trọng điểm, như: Trung tâm hội nghị quốc tế, Bảo tàng Mỹ thuật, Bảo tàng Thừa Thiên Huế, Trung tâm Biểu diễn ca Huế thính phòng, Thư viện Tổng hợp, Nhà hát Nghệ thuật ca kịch. “Đây là sự đầu tư quan trọng để nâng tầm vị thế cho văn hóa Huế”, ông Hải nhấn mạnh.

Bài, ảnh: MINH HIỀN

About Huế

Bài viết được đăng từ nguồn: Báo Thừa Thiên Huế online

Check Also

PHỐ CỔ BAO VINH-HUẾ

Có một góc Huế vẫn giữ nguyên vẻ đẹp cổ kính, đó là phố cổ …