Huế thật sự thay đổi, sinh động và nhiều màu sắc hơn là điều mà nhiều người đến từ các nơi chia sẻ với chúng tôi. Điều này mang đến cho du khách những cảm quan thật khác so với một Cố đô an nhiên mà trầm mặc chỉ vài năm trước. Những con phố đông đúc. Những dòng xe du lịch khác nhau về biển số chở theo giọng nói từ các miền “cập bến” các điểm tham quan, lưu trú. Sông Hương thì nao nức hơn trong mỗi sáng, mỗi chiều với đủ loại sắc màu trên bến và dưới nước. Tôi có khi cũng thấy vui vì sự đông đúc đến “lạ lẫm” khi xuống các tuyến đường vào mỗi tối…
Thống kê gần nhất từ UBND tỉnh cho thấy, trong 6 tháng đầu năm, Thừa Thiên Huế đã đón hơn 771.000 lượt khách, tăng 34% so với cùng kỳ, đạt 39% kế hoạch so với phương án thấp. Doanh thu từ lĩnh vực này so với cùng kỳ cũng đã tăng hơn một nửa (55%). Đây được xem là sự phục hồi tích cực sau một thời gian quá khó khăn vì đại dịch.
Không thể không kỳ vọng về một kết quả tốt hơn, song đặt trong tương quan chung, có vẻ như mức chi tiêu của du khách – đa phần là khách nội địa – khi đến Huế vẫn còn khiêm tốn. So với năm 2018 – năm trước đại dịch COVID-19 – mỗi du khách đến Huế chi tiêu khoảng hơn 1 triệu đồng (Mỗi khách đến Huế tiêu bao nhiêu tiền – báo Thừa Thiên Huế điện tử ngày 1/1/2019), mức chi tiêu của khách đến Huế trong năm 2022 này vào khoảng 2,03 triệu đồng là con số tăng gấp đôi. Tuy nhiên, đây chỉ là con số định tính, vì phải cộng thêm vào đó sự gia tăng của các loại chi phí, hệ số trượt giá…
Trong một “bảng tổng sắp” mà chúng ta dễ tìm thấy trên một số trang báo điện tử, với mức chi tiêu của du khách như đã đề cập ở trên, Thừa Thiên Huế đứng ở top 7, trước Lâm Đồng, Bình Thuận và Thanh Hóa (với mức chi tiêu của du khách lần lượt là 1,92 triệu đồng; 1,88 triệu đồng và 1,7 triệu đồng) nhưng chưa bằng 1/2 của tỉnh đứng ở top 1 là Khánh Hòa với con số 5,3 triệu đồng. Tiếp theo sau đó là TP. Hồ Chí Minh (4,52 triệu đồng), Lào Cai (3,45 triệu đồng), Hà Nội (2,93 triệu đồng), Đà Nẵng (2,41 triệu đồng) và Quảng Ninh (2,2 triệu đồng).
“Không cần tính số lượng khách mà cần tính hiệu quả, thu nhập xem mỗi khách quốc tế đến Việt Nam tiêu bao nhiêu tiền, mang lại những giá trị gì” là cách mà Bộ trưởng Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch trả lời trong một cuộc phỏng vấn, như một cách đề nghị khác về hướng tiếp cận của ngành du lịch. Chắc chắn, chất lượng của doanh thu phải là tiêu chí đầu tiên. Nhưng cũng nhìn từ góc độ này, chúng ta sẽ thấy nguồn thu hiện tại ở du lịch – dịch vụ cơ bản vẫn từ dòng khách nội địa. Nguồn thu từ khách quốc tế vốn chiếm ưu thế về chất đến nay vẫn còn khiêm tốn và chưa có dấu hiệu bật tăng kể từ sau đại dịch. Bên cạnh xung đột giữa Nga và Ukraine, sự thận trọng của một số nước khi COVID-19 vẫn còn lấp ló ẩn họa là những tác động đến dòng khách này. Phải đến tháng 9 sắp tới mới có thể có cái nhìn tương đối hơn khi bắt đầu mùa cao điểm của du khách quốc tế.
Có khoảng 22 ngàn lượt khách quốc tế đến Thừa Thiên Huế trong tổng số khoảng 413.000 lượt khách quốc tế đến Việt Nam là một con số tham chiếu khác trong 6 tháng đầu năm. Trao đổi về điều này, ông Nguyễn Văn Phúc, Giám đốc Sở Du lịch tỉnh cho hay, hiện chúng ta mới bắt đầu đón các đoàn khảo sát của các hãng và khách lẻ. Mặt khác, mức chi tiêu của khách quốc tế ở địa bàn cũng chưa cao. Thời gian lưu trú cũng chưa dài, mới chỉ vào khoảng 1,7 ngày. Chưa có nhiều dịch vụ lưu trú và mua sắm cao cấp, các gói sản phẩm vui chơi giải trí chưa nhiều… vẫn là những lý do dẫn đến mức chi tiêu của khách quốc tế ở Huế cũng mới chỉ vào khoảng 2,1 đến 2,4 triệu đồng/người.
Hướng đến dòng khách trải nghiệm, nghỉ dưỡng và thúc đẩy các gói sản phẩm để tạo sự tăng trưởng tốt về doanh thu du lịch, dịch vụ là điều đang được hướng tới. Trong đó, quan trọng vẫn là nguồn khách quốc tế và theo chúng tôi, còn là phân khúc du khách nội địa có mức chi tiêu dồi dào… Và vì thế, còn nhiều dư địa để đầu tư để thay đổi điều này.
Minh Hà