Ca khúc “Hà Nội niềm tin và hy vọng” với sự thể hiện của ca sĩ Trọng Tấn. Ảnh:Thanh Thảo/TTXVN phát
80 năm về trước, tháng 2/1943, “Đề cương về văn hóa Việt Nam” – văn kiện chính thức đầu tiên về công tác văn hóa, văn nghệ do Tổng Bí thư Trường Chinh soạn thảo được thông qua tại Hội nghị Ban Thường vụ Trung ương Đảng. Cho đến nay, giá trị và tính hiện thực của bản Đề cương này vẫn còn nguyên giá trị.
Chương trình nghệ thuật nhằm khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường, phát huy cao độ những giá trị văn hóa, sức mạnh tinh thần của người dân Việt Nam. Những ca khúc ca ngợi Đảng quang vinh, Bác Hồ kính yêu, ca ngợi quê hương, đất nước, được biểu diễn trong không khí phấn khởi, vui tươi, tạo thêm niềm tin, động lực cho nhân dân trong công cuộc xây dựng và phát triển Thủ đô, đất nước.
Mở đầu chương trình là màn trống hội chào mừng do nghệ sĩ Thu Hà và Nhóm Trống Thăng Long thực hiện, tạo không khí sôi động, thu hút sự hưởng ứng của đông đảo người dân và du khách. Chương trình gồm hai phần: Giai điệu Tổ quốc và Giai điệu mùa Xuân.
Với phần Giai điệu Tổ quốc, các nghệ sĩ đã tái hiện lại khí thế hào hùng của công cuộc đấu tranh, bảo vệ Tổ quốc, xây dựng đất nước phồn vinh cũng như tôn vinh công lao của Đảng quang vinh, Bác Hồ vĩ đại với các ca khúc: Giai điệu Tổ quốc, Lá cờ Đảng, Bác đang cùng chúng cháu hành quân, Bài ca Hồ Chí Minh, Đất nước trọn niềm vui, Thăng Long – Việt Nam bay lên, Hà Nội niềm tin và hy vọng do các ca sĩ Trọng Tấn, Hồng Phi, Ngô Đức và các nhóm múa biểu diễn.
Phần Giai điệu mùa Xuân hội tụ nhiều ca khúc đặc sắc về mùa Xuân với các dòng nhạc khác nhau, từ nhạc nhẹ, đến nhạc dân tộc và độc tấu các loại nhạc cụ. Công chúng được thưởng thức các giai điệu vui tươi của ca khúc: Cung đàn đất nước, Một nét ca trù ngày Xuân, Cung đàn mùa Xuân, Bèo dạt mây trôi, Như hoa mùa xuân, Những ngày xuân rực rỡ, Hoa cỏ mùa xuân… do các nghệ sĩ: Vũ Lê Minh, Thu Hương, Gia Như, Bùi Hoàng Yến, Kim Long và Dàn nhạc Dân tộc Việt Nam… biểu diễn.
Chương trình cũng truyền tải thông điệp văn hóa với sức sống trường tồn, đã tạo bản sắc riêng cho mỗi quốc gia, dân tộc. Âm nhạc chính là cầu nối văn hóa giữa quá khứ với hiện tại và tương lai, làm phong phú đời sống văn hóa tinh thần và tạo sức mạnh mềm cho người dân thêm tin yêu, đóng góp công sức xây dựng đất nước. Tự hào về nền văn hóa tiên tiến, đậm bản sắc dân tộc, mỗi người đều có trách nhiệm gìn giữ, bảo tồn và phát triển phù hợp với xu thế thời đại.
TheoTTXVN