Đa dạng và gần gũi

“Phiên tòa giả định” tại xã Thủy Phù thu hút đông đảo đoàn viên, thanh niên tham gia

Từ phiên tòa giả định

Giữa tháng 8 vừa qua, Tỉnh đoàn phối hợp Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh tổ chức phiên tòa giả định, tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cho 250 đoàn viên, thanh niên tại xã Thủy Phù, thị xã Hương Thủy.

Phiên tòa giả định tái hiện một số tình tiết, được xây dựng dựa theo những tư liệu trong thực tiễn xét xử của vụ án Lê Văn T. phạm tội “Hiếp dâm người dưới 16 tuổi”. Quá trình diễn ra phiên tòa giả định, các tình tiết trong vụ án, đặc biệt là các vai diễn được lựa chọn phù hợp đã thực sự lôi cuốn sự theo dõi của các đoàn viên. Bên cạnh đó, phát biểu luận tội của đại diện Viện Kiểm sát, các ý kiến của hội đồng xét xử đã giúp các đoàn viên, thanh niên nhận thức rõ hơn về các hành vi vi phạm pháp luật sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến bản thân, gia đình và xã hội.

Trong khuôn khổ chương trình, đoàn viên, thanh niên còn tham gia giao lưu câu hỏi để làm rõ hơn những vấn đề liên quan đến pháp luật phòng, chống xâm hại tình dục.

Chị Lê Thị Nuôn Thà, Bí thư Chi đoàn thôn 3 (xã Thủy Phù) chia sẻ, “Phiên tòa giả định” là hình thức tuyên truyền pháp luật trực quan, sinh động và gần gũi. Thay vì tham gia những buổi hội nghị tuyên truyền khô khan thì việc theo dõi một phiên tòa xử án giúp người trẻ hứng thú hơn hẳn.

Phó Bí thư Tỉnh đoàn Hoàng Thị Thùy Linh cho biết, “Phiên tòa giả định” là hình thức tuyên truyền mới, hiệu quả và phù hợp với đối tượng thanh niên. Qua đó, tuyên truyền nâng cao ý thức cho mọi người xung quanh, góp phần hình thành văn hóa ứng xử chuẩn mực và lối sống lành mạnh trong đoàn viên, thanh niên và trong toàn xã hội.

Nhiều mô hình hay

Không riêng “Phiên tòa giả định”, những năm qua, tổ chức Đoàn luôn nhận thức rõ vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho cán bộ, đoàn viên, thanh niên. Qua đó, đã thường xuyên triển khai thực hiện nghiêm túc, có nề nếp, với nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo như: Tổ chức các hoạt động triển khai thực hiện Đề án Tăng cường công tác phổ biến giáo dục pháp luật và giữ gìn trật tự an toàn giao thông cho thanh, thiếu niên; thành lập các Câu lạc bộ pháp luật của những người có nhu cầu tìm hiểu pháp luật, có tinh thần tham gia đấu tranh bảo vệ pháp luật, nhiệt tình tuyên truyền giáo dục pháp luật…

Tại các trường học trên địa bàn tỉnh, nhiều mô hình giáo dục pháp luật có hiệu quả cũng được triển khai, như: Tập huấn, cập nhật kiến thức pháp luật mới cho đội ngũ giáo viên; lồng ghép nội dung pháp luật vào môn học giáo dục công dân và các hoạt động phổ biến pháp luật trong công tác Đoàn, Đội, thông qua các hội thi, sinh hoạt ngoại khóa, hoạt động tiếp sức mùa thi…

Đại diện lãnh đạo Tỉnh đoàn cho biết, thời gian tới, tuổi trẻ Thừa Thiên Huế sẽ tiếp tục triển khai nhiều hình thức đa dạng, phong phú nhằm đảm bảo thực hiện hiệu quả Đề án về “Tăng cường công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và tham gia giữ gìn trật tự an toàn giao thông cho thanh, thiếu niên, giai đoạn 2018 – 2022”. Từ đó, hình thành thói quen sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật cho đoàn viên, thanh niên.

Trong năm 2021, các cấp bộ Đoàn toàn tỉnh tiếp tục duy trì hiệu quả 209 CLB pháp luật tại 141 xã, phường, thị trấn; xây dựng nhiều mô hình hoạt động hiệu quả tại cơ sở như: tuyên truyền pháp luật trực tuyến qua hình thực livestream, “Tuần tra thanh niên”…

Các hoạt động tư vấn pháp luật, hỗ trợ đoàn viên, thanh niên tiếp cận, sử dụng các hình thức trợ giúp pháp lý, dịch vụ pháp lý, giúp đỡ, cảm hóa thanh, thiếu niên chậm tiến cũng được quan tâm, qua đó đã có 174 thanh, thiếu niên chậm tiến, thanh niên hoàn lương được giúp đỡ.

Bài, ảnh: Minh Nguyên

About Huế

Bài viết được đăng từ nguồn: Báo Thừa Thiên Huế online

Check Also

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vui mừng khi người dân tái định cư Hương Sơ ổn định cuộc sống

Ngay sau đó, Thủ tướng cũng đã thăm Bảo tàng Cổ vật cung đình Huế …