Tết đến gần, nhưng bến xe vẫn vắng khách
Khó chồng khó
Khác với mọi năm, những ngày cuối năm 2021, không khí làm việc tại HTX Dịch vụ vận tải Tiến Đạt (P. Phường Đúc, TP. Huế) khá trầm lắng. Thay vì tất bật tính toán đến việc tăng phương tiện, nhân sự để phục vụ nhu cầu vận chuyển hàng hóa và hành khách tăng vào những tháng cuối năm, nhất là khi Tết Nguyên đán sắp đến gần, đơn vị này lại tính toán giảm phương tiện, cắt giảm nhân sự, thậm chí bán bớt phương tiện để “cắt lỗ” và có kinh phí duy trì hoạt động.
Ông Lê Nam, Giám đốc HTX Dịch vụ vận tải Tiến Đạt thông tin, đơn vị có hơn 100 xe tải, xe khách hoạt động nội, ngoại tỉnh nhưng hiện chỉ lăn bánh chưa đến 20%. Nhiều xe chạy tuyến Huế – Đà Nẵng hay Huế – Vinh thu không đủ chi, bởi hiện nhiều chuyến chỉ đón vài ba khách do tâm lý người dân còn ngại đi lại vì dịch bệnh phức tạp. “Phần lớn khi đầu tư phương tiện vận tải đều vay vốn ngân hàng. Vì vậy, trong thời điểm này đơn vị gặp nhiều vấn đề nan giải. Nếu dịch COVID-19 kéo dài, nhiều nhà xe đứng trước nguy cơ phá sản vì không còn lực để trả nợ ngân hàng”, ông Nam nói.
Hơn 6 tháng qua, gần 60 xe vận tải hàng và hành khách nội, ngoại tỉnh, chiếm gần 100% phương tiện của HTX Dịch vụ vận tải ô tô Huế (P. Hương Sơ, TP. Huế) phải dừng hoạt động. Hiện nay, thời điểm tết đã cận kề, xe tuyến liên tỉnh đã hoạt động trở lại nhưng vẫn trong tình trạng chờ khách. Số xe của HTX thường chạy dịch vụ ngày có ngày không. Hơn 50 lái phụ xe của đơn vị này đang thất nghiệp, nhiều trường hợp đã chuyển nghề…
Bà Hoàng Thị Chanh, chủ nhà xe chuyên chạy tuyến Huế – Quảng Ninh chia sẻ, nhiều tháng nay, 4 phương tiện của gia đình; trong đó có 2 phương tiện vừa đầu tư cuối năm 2019 gần 5 tỷ đồng phải “đắp chiếu”. Hàng tháng, bà phải trả tiền lãi vay ngân hàng; hỗ trợ lái, phụ xe tiền ăn. Khi phương tiện được phép hoạt động trở lại, bà Chanh đối diện với nhiều khó khăn khi xăng dầu tăng, nhiều khoản phí bảo trì, bảo hiểm, sân bãi… nhưng lượng khách đi lại chưa ổn định nên nhiều chuyến nhà xe phải bù lỗ.
Đồng hành chia sẻ
Ngành vận tải được xem là huyết mạch của nền kinh tế. Nếu vận tải hoạt động không ổn định, giá vận chuyển hàng hóa, hành khách tăng cao sẽ có tác động tiêu cực đến giá cả thị trường, cũng như ảnh hưởng đến sự phát triển ổn định của nền kinh tế.
Đại diện lãnh đạo Sở Giao thông Vận tải (GTVT) chia sẻ, trước thực trạng khó khăn bủa vây các DN vận tải, đơn vị đã nghiên cứu nhiều phương án nhằm tháo gỡ khó khăn cho các DN và người lao động ảnh hưởng dịch COVID-19. Ngoài các gói hỗ trợ từ Chính phủ và bộ, ngành liên quan đã được nhiều DN vận tải tiếp cận, Sở GTVT cũng kiến nghị UBND tỉnh có giải pháp đề xuất xem xét giảm lãi suất và giãn nợ với các khoản vay của các DN kinh doanh vận tải đã đầu tư phương tiện; đề nghị Cục Thuế tỉnh giảm thuế hoặc giãn thời gian đóng thuế cũng như có cơ chế hỗ trợ các khoản kinh phí phát sinh cho các đơn vị vận tải; chỉ đạo các đơn vị khai thác bến xe triển khai giảm giá dịch vụ cho xe ra vào bến và các khoản lệ phí khác cho đơn vị kinh doanh vận tải hoạt động ở bến xe…
Ngoài nỗ lực của ngành GTVT, các ban, ngành, đơn vị chức năng liên quan cần xem xét tiếp tục điều chỉnh giảm lãi suất cho vay; cải cách thủ tục hành chính trong việc triển khai chính sách cho vay trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất cho các DN vận tải bị ảnh hưởng bởi đại dịch với lãi suất 0% để có nhiều DN vận tải tiếp cận được nguồn vốn vay này…
Để duy trì hoạt động, các DN vận tải phải nỗ lực vượt khó, đổi mới phương thức hoạt động, tăng cường tìm các thị trường mới… Trong đó, công tác đảm bảo an toàn phòng, chống dịch phải chú trọng hàng đầu, nhất là với loại hình vận tải hành khách, để từng bước lấy lại niềm tin của hành khách khi sử dụng dịch vụ; đồng thời đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân trong dịp tết, trong điều kiện dịch bệnh còn diễn biến khá phức tạp.
Bài, ảnh: Minh Văn