Trải nghiệm bằng thuyền Sup trên phá Tam Giang
Hỗ trợ gần và tiếp sức xa
Lường Thị Hiền hay Hà Thị Kim Lim trẻ trung và được đào tạo cơ bản chuyên nghiệp mang tới một nét mới. Trong thực tế, làm du lịch vẫn còn khá xa lạ và xa xỉ đối với phụ nữ vùng ven biển và đầm phá, những người vốn quen với công việc nơi ngư trường hay đồng áng. Thâm niên là du lịch cộng đồng ở Ngư Mỹ Thạnh có o Đào Thị Bích và Hoàng Thị Diệp vốn là những ngư dân trên đầm phá vốn quen với công việc bủa lưới, đổ nò bắt cá, hay như bà Nguyễn Thị Thủy vốn giỏi nấu ăn. Khách xa tới Ngư Mỹ Thạnh có nhu cầu, vậy là tranh thủ thời gian để làm thêm nghề du lịch.
Trong bối cảnh làm du lịch vẫn còn là “vạn sự khởi đầu nan” thì sự vào cuộc của các cấp hội phụ nữ với những hoạt động kêu gọi hỗ trợ vốn hay các lớp tập huấn được xem là cách “hỗ trợ gần” đối với chị em phụ nữ vùng biển và đầm phá. Bà Trần Thị Phương Nhung, Chủ tịch Hội LHPN Quảng Điền rất tâm đắc khi chia sẻ, với các lớp tập huấn được mở ra, chị em phụ nữ được hướng dẫn những kiến thức, kỹ năng cơ bản tổ chức, quản lý du lịch cộng đồng; cách làm việc, giao tiếp, thói quen ứng xử với khách lưu trú tại nhà, đặc biệt là người nước ngoài. Đồng thời, nâng cao nhận thức về trách nhiệm trong việc giữ gìn, tôn tạo các tài nguyên tự nhiên và văn hóa của địa phương nhằm đáp ứng các yêu cầu về chất lượng, an toàn, chu đáo và lịch sự nhằm làm cho khách hài lòng và muốn lưu trú lâu hơn, muốn quay lại nhiều lần…
Đã nhiều năm trôi qua, Hà Thị Kim Lim vẫn rất ấn tượng với những việc làm cụ thể và thiết thực nhằm hỗ trợ các cộng đồng phát triển bền vững và thích nghi với biến đổi khí hậu vùng phá Tam Giang – Quảng Lợi của dự án SoDi (Thụy Điển). Không chỉ được làm quen với với xây dựng nhà cho cá trú ngụ đầm phá, các mô hình hay nhiều hạ tầng dân sinh mà người dân Quảng Lợi bắt đầu được làm quen với du lịch cộng đồng thông qua các lớp tập huấn về hướng dẫn khách tham quan, chế biến ẩm thực và cả tiếng Anh nữa, do SoDi phối hợp với địa phương, trong đó có hội phụ nữ tổ chức.
Giữa năm 2022, tôi được tham dự hội thi ẩm thực năm 2022 do Hội LHPN huyện Quảng Điền tổ chức với chủ đề “Hương vị của biển”. Tham dự hội thi có nhiều phụ nữ từng tham gia làm du lịch với những công việc khác nhau. Một cảm giác vui nhộn và thèm… ăn thật khó quên khi được chứng kiến các món ăn đặc sản, đặc trưng của của vùng biển và đầm phá được các chị chế biến và trình bày rất đẹp mắt, ngon, dân dã và đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Tôi nghĩ, như một cách “tiếp sức từ xa” cho phát triển du lịch cộng đồng là những hội thi do hội phụ nữ tổ chức như ẩm thực hay áo dài.
Còn đó những băn khoăn
Tháng tháng 5/2022, Hội nghị Huyện ủy Quảng Điền ra nghị quyết về phát triển dịch vụ trên địa bàn huyện đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Ông Trần Quốc Thắng, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện khẳng định: “Phát triển du lịch biển và đầm phá là một trong những chủ trương và định hướng lớn trong phát triển kinh tế – xã hội của huyện Quảng Điền trong giai đoạn 2020 – 2025, với quyết tâm tạo chuyển dịch cơ cấu kinh tế của huyện chuyển từ nông nghiệp dần sang công nghiệp và dịch vụ du lịch.
Nhìn trên bản đồ, Quảng Điền có 3 vùng rõ rệt, gồm đồng bằng lưu vực sông Bồ, cát nội đồng (cạnh đầm phá) và ven biển – đầm phá (một bên đầm phá, một bên biển). Vùng cát nội đồng và ven biển – đầm phá có 4 xã Quảng Lợi, Quảng Thái, Quảng Công và Quảng Ngạn chiếm 45% diện tích toàn huyện. Quảng Công nổi lên như một địa chỉ hấp dẫn với 3 dự án (DA) du lịch sinh thái, gồm Lee House của Công ty CP thương mại xây dựng và dịch vụ Green House tại thôn Hải Thành; khu du lịch sinh thái của liên danh Công ty CP Sông Đà – Việt Hà và Công ty TNHH MTV Xây dựng và Đầu tư Thắng Gia Lộc tại thôn An Lộc và DA Khu du lịch Tân An của Công ty TNHH MTV Bầu trời Đông Dương tại thôn An Lộc. Hay xã Quảng Lợi với DA dịch vụ nghỉ dưỡng con nước Lodge của HTX làng du lịch nông trang đầm phá tại khu dịch vụ Cồn Tộc.
Đáng nói, những DA du lịch nêu trên vẫn đang còn… nằm trên giấy. Du lịch vùng đầm phá và ven biển vẫn trong hiện thực vẫn chỉ mới dịch vụ du lịch cộng đồng Quảng Lợi cùng với hệ thống nhà hàng ở Cồn Tộc và ven biển Quảng Ngạn, Quảng Công. Bà Trần Thị Phương Nhung, Chủ tịch Hội LHPN Quảng Điền nhận xét: Làm du lịch vừa là làm kinh tế vừa hoạt động văn hóa. Phụ nữ vùng đầm phá và ven biển Quảng Điền chỉ mới khởi sự và tham gia nên vẫn còn nhiều khó khăn. Nguồn nhân lực vẫn khan hiếm. Bên cạnh năng lực với những kỹ năng du lịch cần thiết thiếu và yếu, cái khó là chưa thực sự đam mê và còn thiếu mạnh dạn trong đầu tư phát triển du lịch. Trong khi đó, Nhà nước vẫn chưa có nhiều chính sách hỗ trợ, khuyến khích.
Dù đã là Phó Giám đốc HTX nhưng Lường Thị Hiền vẫn bảo với tôi rằng, du lịch cộng đồng chỉ là nghề phụ, thu nhập chính của cô vẫn là từ nghề lừ… cùng làm với chồng. Hiền cho biết cụ thể thu nhập cụ thế hàng tháng của cô từ HTX cũng tạm ổn với khoảng 6 triệu đồng/tháng. Cái khó là công việc không thường xuyên chỉ kéo dài trong 6 tháng, từ tháng 3 đến tháng 9. Tôi nghĩ, băn khoăn của cô gái xứ Thanh làm du lịch ở Quảng Lợi cũng là “thay lời muốn nói” về phát triển du lịch cộng đồng nói riêng và du lịch mới trong bước “khởi đầu nan”.
Bài, ảnh: Huế Thu