Hội trường cơ quan rộng như đình làng, không có cột nên càng thênh thang, với hành lang bao quanh và ba cửa ra vào. Chẳng ai lại phân công lối đi, nhưng người vào đây thường chọn lối phù hợp với mình. Lãnh đạo cơ quan và khách mời cấp trên thường qua cửa dẫn vào hàng ghế đầu, nơi chỗ ngồi có đặt bảng tên kèm chức danh mỗi người. Vị trí này sát sân khấu nên các vị tiện bước lên bục phát biểu hay trao nhận phần thưởng; lúc về, bước xuống tam cấp là lên xe đưa đón. Các cửa còn lại của hội trường, đương nhiên mọi người tùy nghi.
Ông – vị cựu thủ trưởng cơ quan khi được mời đến dự lễ hay nghe thời sự, vẫn đĩnh đạc đi vào lối dành cho nhóm quyền lực đương chức. Điều này gây khó cho nhân viên quay camera hay chụp ảnh, bởi lắm lúc sếp cũ không có trong “cơ cấu” ghi hình nhưng họ không né được. Ông chen vào hàng ghế đầu, chễm chệ như thời còn làm sếp, lại đăm đắm nhìn cái bục cao trên sân khấu. Vẻ như dư vị quyền lực vẫn quyến luyến ông cả lúc đã hoàn dân.
Với những buổi họp tổ dân phố, ông hình như cũng nhầm sinh hoạt cơ quan. Họp tổ dân phố là nhắc nộp thuế, không để chậu kiểng choán hết vỉa hè, rồi chuyện để xe cho gọn hay nhớ treo cờ ngày lễ, đừng để chó phóng uế bừa bãi… Có ông, cuộc họp mở rộng hơn nhiều. Ông đã phát biểu là đưa cử tọa chu du đây đó, từ tình hình thế giới, khu vực đến trong nước. Khi đương chức, ông sắp mở mồm trước hội nghị là thò tay vào túi lấy tờ A4 do trợ lý chuẩn bị. Nay “độc lập tác chiến”, ông nói như lạc rừng, mãi không tìm được điểm dừng.
Đoạn ông phê bình ban cán sự tổ dân phố và trình bày cao kiến để tổ phát triển càng say sưa, như lên đồng. Người nói vẫn tiếp tục chém gió, mặc tiếng đập muỗi lẫn trong tiếng ngáp và tiếng thì thào: “Buồn ngủ quá rồi!”; “Thôi, ông ơi!”. Ông vẫn thao thao, giọng đầy cao ngạo khi nói về khuyết điểm người khác và khuếch trương sáng kiến của mình. Tổ trưởng nóng mặt, khoát tay để cắt: “Anh phát biểu gọn lại để bà con còn về ngủ, mai đi làm”. Ông cụt hứng, khựng lại, bất bình: “Người ta đang nói, anh cứ nhảy vô mồm là thế nào!?”… Cuộc họp đột ngột chuyển qua phần tranh luận không có trong chương trình, gay gắt một lúc rồi kết thúc trong bực tức của hai người và tiếng cười của số đông còn lại.
Nhà ông và nhà tổ trưởng sát tường nhưng chưa bao giờ mời nhau được cốc rượu, ly trà, chỉ vì chuyện tổ trưởng chứa chấp lũ gà. Anh này nghỉ hưu “non”, làm thêm bằng cách về quê mua gà thả vườn, đem ra mổ bỏ cho quán phở gần đó, mỗi ngày vài con. Nhà anh chỉ là nơi tạm trú của bọn gà, chờ hóa kiếp lên mâm nhưng với ông ở cạnh thì không thể chấp nhận, bởi ô nhiễm tiếng gà và cả phân nữa. Ông đưa quy định của chính quyền cấm nuôi gia cầm trong nội thành từ thời dịch cúm H5N1 bùng phát, nhằm buộc tổ trưởng trục xuất bọn gà ra khỏi nhà. Anh này vặt lại: “Người ta bán gà vịt đầy chợ kia kìa”… Sau cùng, chính quyền phường xuống hiện trường điều nghiên, không thiên bên nào, chỉ giải hòa, xoa dịu.
Tổ trưởng thôi nuôi gà chuyển qua nấu rượu. Chỉ mới mấy tháng mà rượu anh đã thành “một phần tất yếu” với nhiều kẻ thích say. Người ta đến không chỉ rượu ngon mà còn tò mò bởi slogan “Chất lượng vàng dành cho những thàn sành rượu” treo trước cửa. Lắm người tưởng uống rượu nên bị hạ cấp xuống “thằng”, bèn hỏi thẳng. Nhưng không, “thàn” trong tiếng Lào nghĩa là ngài. Bởi gia chủ có thời gian dài công tác ở nước bạn, nên học được bí quyết làm rượu từ men lá đặc biệt thơm ngon của người Lào Sủng trên núi cao.
Thứ rượu dành cho các “thàn” đang trên đà phát triển liền bị ông ở bên chặn lại. Việc người hàng xóm nấu rượu đã thành đề tài để ông kéo dài cuộc họp tổ dân phố. Ông bảo, nấu rượu bằng than tổ ong gây ô nhiễm kinh khủng; hít phải thứ khói kia tất suy hô hấp. Bếp nấu chưa tới mười ký nếp mỗi ngày nhưng bị phóng to thành “lò nấu rượu lậu”. Mặt ảo não, ông đau khổ chì chiết rằng, không nên vì lợi ích của mình mà gây hại cho người khác; lại đưa mắt ngó quanh tìm sự đồng tình nhưng người dự họp hững hờ, ngó lơ.
Tổ trưởng không cắt lời người phản bác mình, thậm chí chờ ông ấy ngồi xuống, liền hỏi: “Anh còn thêm gì nữa không?”. Đáp lại là ánh mắt chưa thôi bực tức. Tổ trưởng nhìn khắp lượt bà con dân phố rồi dừng lại ở người vừa chê trách mình, chua chát: “Cứ như phát biểu của anh, lẽ ra chính quyền phải cấm ô-tô, xe máy mới phải. Bởi các loại động cơ này thải ra lượng khói quá nhiều”.
Ông bất ngờ, ngớ ra, không kịp phản ứng, trong khi nhiều người ồ lên đồng tình với tổ trưởng. Tổ trưởng đưa tay ra hiệu im lặng rồi cất giọng trịnh trọng: “Kính thưa bà con, tôi không nghĩ việc làm chính đáng của mình gây hại cho người khác, nhưng không muốn đôi co. Thay vào đó, tôi xin từ chức tổ trưởng dân phố, mong bà con đừng hỏi lý do. Việc này sẽ báo cáo phường chuẩn y và bà con chuẩn bị bầu tổ trưởng mới”. Mọi người xôn xao, cố ngăn ý định của tổ trưởng nhưng anh đã nhanh chóng tuyên bố giải tán cuộc họp.
Mấy người được giới thiệu làm tổ trưởng dân phố đều từ chối nên đến phần ông được đề cử. Ông ngồi vào ghế tổ trưởng ngay sau cuộc bầu chọn của bà con dân phố, cùng lời cảm ơn và nhiều hứa hẹn. Nghe dự định của ông, với những từ “sẽ” và “phải” liên tục lặp lại, khiến nhiều người kỳ vọng tốt đẹp ở thì tương lai. Nhưng ông đã không vượt qua được trở ngại đầu tiên, bởi chạy bộ làm sao sánh với truyền tin bằng tốc độ ánh sáng.
Chuyện là từ khi cách ly, phong tỏa chống dịch COVID-19, tổ dân phố kết nối thông qua zalo, phường cũng giảm thủ tục giấy tờ bằng cách dùng email hay zalo để hiệp đồng hay phổ biến công việc. Bà con chỉ cần mở máy tính hay điện thoại là nhận tin hoặc trao đổi với nhau. Ông mới ngoài sáu mươi nhưng đầu óc cứ như hết biết “món” này; vẫn phét lác về thời đại 4.0 và kết nối thông tin toàn cầu, nhưng đến tắt máy vi tính cũng không đúng cách. Khi đương chức, ông sai cấp dưới chuẩn bị, chỉ mỗi việc ký hay đọc theo ý của họ, chẳng thèm học hỏi những sơ đẳng của công nghệ thông tin. Giờ thì…
Bởi không quen hộp thư điện tử hay mạng xã hội nên ông phải đi đến từng nhà thông báo hoặc nghe phản ánh của bà con. Vất vả nhưng hiệu quả công việc không song hành. Nhiệt tình không bù được bất cập trong trường hợp này. Bao việc ngưng trệ hoặc trôi đi khi tổ trưởng không theo kịp chỉ đạo, thông báo của phường, cũng không kết nối được với bà con. Lịch uống Vitamin A cho trẻ dưới năm tuổi, tiêm nhắc lại vắc-xin COVID-19, làm căn cước công dân hay lập danh sách đề nghị cứu trợ hộ nghèo… đã bị bỏ qua. Bà con kéo đến nhà chất vấn, tổ trưởng ngớ người, hỡi ôi; nhìn nhau cười như mếu.
Thói kiêu hãnh quyền lực một thời còn rơi rớt khiến ông không tự rút khỏi chính trường trong lần bầu lại tổ trưởng cuối năm. Thường thì khi tổ trưởng đương nhiệm không từ chối, đồng nghĩa lại có trong danh sách đề cử. Ông cũng vậy, nhưng không được đủ số phiếu tín nhiệm, nghĩa là rớt. Cái chức lắm người chẳng thiết tha bởi chủ yếu vì trách nhiệm với cộng đồng, nhưng ông lại không được. Ông ngơ ngác buồn, cảm thấy bị tổn thương kinh khủng.
Không hẳn bực mình vì những thiệt thòi do tổ trưởng đem lại, bà con còn không thích giọng cành cao của ông khi nói về khiếm khuyết người khác. Dưới mắt ông, không chỉ làng, xã mà cả cấp cao hơn cũng quá nhiều yếu kém trong quản trị, điều hành công việc. Liền với đó, ông đặt mình vào vị trí của họ với câu cửa miệng: “Nếu là tôi…”. Và rồi, toàn những viễn cảnh tốt đẹp.
Cuộc họp tổ dân phố kết thúc, bàn tán râm ran theo chân người ra về. Ai đó khơi mào mỉa mai: “Tài giỏi đâu không biết, mỗi việc làm tổ trưởng cũng không xong. Thế mà cứ tinh tướng!”. Lại một giọng khác, hệt như của cán bộ tổ chức: “Có vào có ra nhưng tiếc là lối ra này không có hoa và lời chúc mừng đã hoàn thành nhiệm vụ”.
Ông đi sau, cố bước chậm lại để tránh mớ âm thanh như gai đâm vào tai, lầm lũi cúi xuống chân mình.
Nguyễn Trọng Hoạt