Cửa mở, nhưng khách sẽ còn hẹp

Bắt đầu từ hôm qua 15/3, Việt Nam chính thức mở cửa đón khách du lịch quốc tế. “Thích ứng linh hoạt, an toàn, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19” là tiêu chí được Chính phủ xác định để khôi phục lại ngành công nghiệp không khói này.

Trước đó, việc rà soát, chỉnh trang lại cơ sở sản xuất, thăm dò, khảo sát để nắm bắt nhu cầu và lên các kế hoạch để phục vụ khách là điều được các doanh nghiệp ráo riết triển khai. Đây cũng là cơ hội được chờ đợi sau hơn 2 năm hứng chịu các làn sóng COVID-19, khiến lĩnh vực hoạt động này lâm vào tình trạng điêu đứng, hàng triệu lao động trực tiếp và gián tiếp mất việc làm.

Theo chia sẻ của các nhà quản lý, việc nắm bắt nhu cầu và đưa ra những “thực đơn” mới để đón khách du lịch quốc tế đã có nhiều thay đổi. Bên cạnh du lịch nghỉ dưỡng, du lịch trải nghiệm, du lịch thân thiện với môi trường, du lịch khám phá sẽ trở thành xu hướng của khách du lịch quốc tế khi trở lại.

Tuy nhiên, bên cạnh những khấp khởi mừng vui, các doanh nghiệp du lịch cũng cho hay, họ cũng phải chuẩn bị tinh thần để ứng phó với tình hình thực tế không mấy thuận lợi. Điều này không chỉ bao gồm việc khởi động trở lại hoạt động du lịch đã qua thời điểm của mùa du lịch đầu năm (nhất là đối với thị trường khách châu Âu và châu Mỹ) mà còn do những tác động của cuộc chiến tranh Nga – Ukraina; thị trường nhiên liệu cũng đang tăng đẩy giá vé máy bay tăng. Nhiều hãng hàng không đã phải thay đổi đường bay do một số nước đóng cửa không phận với Nga. Các hãng hàng không có chuyến bay đi qua Đông Âu đến châu Á bị ảnh hưởng nhiều nhất và do vậy, lượng khách mà họ mang đến cũng sẽ hao hụt rất nhiều. Và cho dù việc ảnh hưởng ở mức độ nào đối với lượng khách đến từ các nước Nga hay Ba Lan là điều chưa thể xác nhận ngay được, nhưng việc trù liệu các phương án để thay thế, bổ sung… là điều các doanh nghiệp chuyên khai thác khách ở thị trường này phải theo dõi và đong đếm để có ngay những quyết sách phù hợp.

Được xem là thận trọng để bảo vệ cộng đồng trong việc chưa xem COVID-19 là bệnh đặc hữu hay bệnh lưu hành, vẫn cách ly F0 khi nhập cảnh, nhưng đây cũng là điều mà có doanh nghiệp băn khoăn khi cho rằng, điều này sẽ làm cho việc đưa đón khách của họ không dễ dàng, dễ phát sinh rủi ro và tăng chi phí, cũng như ảnh hưởng đến chất lượng tour tuyến. 50/50 là tỷ lệ dự đoán của thực tế này. Tuy nhiên, theo chúng tôi, đó có thể vẫn là một tỷ lệ chấp nhận được trong tình hình hiện tại. Chí ít thì cũng là hình thức vừa làm, vừa thăm dò trong khi chờ đợi những chính sách mới từ Nhà nước khi việc kiểm soát dịch bệnh ngày một tốt hơn. Theo ông Vũ Thế Bình – Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam, còn có những lo lắng khác cần được tháo gỡ, chẳng hạn như các chính sách cần phải rõ ràng, dễ hiểu và nhất là phải đạt đến sự thống nhất, đồng bộ trong quy định ở mỗi địa phương.

Nhưng dù sao đi chăng nữa, việc mở cửa đón khách du lịch quốc tế vẫn là điều được chờ đợi. Tôi cũng đã nhìn thấy tín hiệu tích cực này khi cơ sở lưu trú nho nhỏ của nhà mình đã lại xuất hiện khách đến từ nước ngoài, với gói lưu trú được áp dụng cho 7 ngày từ trang đặt phòng phổ biến là booking.com.

Minh Hà

About Huế

Bài viết được đăng từ nguồn: Báo Thừa Thiên Huế online

Check Also

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vui mừng khi người dân tái định cư Hương Sơ ổn định cuộc sống

Ngay sau đó, Thủ tướng cũng đã thăm Bảo tàng Cổ vật cung đình Huế …