Với những người yếu thế, những người làm công tác xã hội đóng vai trò cầu nối quan trọng
Phát biểu tại hội thảo, bà Phan Minh Nguyệt Phó Giám đốc Sở LĐTB&XH cho rằng, thực hiện công tác xã hội (CTXH) chuyên nghiệp sẽ giải quyết hiệu quả vấn đề nghèo đói, các vấn đề xã hội, công bằng và bất bình đẳng xã hội và những vấn đề xã hội khác.
Đại diện Phòng Bảo trợ xã hội- Sở LĐTB&XH cho rằng, chính sách an sinh xã hội, chăm lo cho người dân, các đối tượng yếu thế, vừa là nhiệm vụ trước mắt, vừa có tính chiến lược lâu dài và là trách nhiệm thường xuyên của Đảng, Nhà nước, các cấp, các ngành, tổ chức, cá nhân và toàn xã hội.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, quá trình triển khai Đề án Phát triển nghề CTXH giai đoạn 2010-2020 và Chương trình phát triển CTXH giai đoạn 2021-2030 cũng đã bộc lộ nhiều điểm tồn tại, hạn chế cần khắc phục. Đội ngũ cán bộ, nhân viên CTXH còn mỏng và còn thiếu chuyên nghiệp; thiếu đội ngũ cộng tác viên CTXH tại cộng đồng.
Để giải quyết tồn tại này, hội thảo cũng chỉ rõ cần rà soát, sắp xếp phân công cán bộ, công chức, viên chức, nhân viên làm CTXH tại xã, phường, thị trấn, các trại giam, hệ thống tư pháp, các cơ sở giáo dục, bệnh viện và các cơ sở của ngành LĐTB&XH. Trong đó ưu tiên các lĩnh vực trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội, cai nghiện ma túy, hỗ trợ phạm nhân hoàn lương và giải quyết những vấn đề xã hội bức xúc khác; đồng thời đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực, kỹ năng chuyên sâu cho những người làm trong nghề CTXH.
Công tác đào tạo CTXH tại các trường đại học, cao đẳng chưa gắn giữa đào tạo lý thuyết và thực hành; chưa có sự phối hợp giữa cơ sở đào tạo với các cơ sở/đơn vị sử dụng nguồn nhân lực công tác xã hội được đào tạo. Trong giai đoạn tới, ngành LĐTB&XH cùng các sở, ban, ngành liên quan phối hợp với các trường có đào tạo CTXH chuyên nghiệp tạo điều kiện thuận lợi nhất để giúp các sinh viên tham gia thực tập tại các cơ sở bảo trợ xã hội, các hoạt động CTXH tại cộng đồng…
Bài, ảnh: HOÀI THƯƠNG