“Comment” rồi khóc thầm

Mới đây chị hàng xóm tôi mất ăn, mất ngủ mấy hôm khi một thành viên trong group (nhóm) zalo chị tham gia bày tỏ quan điểm, chia sẻ về việc ứng xử với bạn bè, đồng nghiệp trong ngành giáo dục địa phương. Chị nghĩ vì lời chia sẻ trên nhóm nên cũng tếu táo bình luận (comment), nhưng lại bị chỉ trích với lời lẽ xúc phạm đến danh dự. Càng nghĩ đến lời commet kia chị buồn đến rơi nước mắt và đành phải “chia tay” nhóm dù là một thành viên tham gia gần 3 năm nay.

Giao tiếp trên các nhóm online cần nhẹ nhàng, tế nhị. Ảnh: H. Hương

Hôm cuối tuần, anh bạn ở khu vực bắc sông Hương (TP. Huế) bên ly cà phê kể một sự việc khá tương tự trên. Đó là trường hợp khi một người đậu ô tô cản trở đường đi chung ở khu vực bạn đang sống, được chụp ảnh gửi lên nhóm zalo của khu dân cư. Đi kèm với hình ảnh ấy là những câu chữ khó nghe, như “Đồ ngu” “Đồ thiếu chữ”… Theo quan điểm của anh bạn tôi, trường hợp đậu xe kia có làm bực mình một số gia đình sống ở đó, nhưng không đến nỗi phải có những lời miệt thị nặng nề trên nhóm như vậy. Nếu người đậu xe kia nhận biết được lời bình luận trong nhóm chắc có phản ứng không nhẹ nhàng. Khi trao đổi, chia sẻ với nhau dù gián tiếp hay trực tiếp thì phải “lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”.

Điều không thể phủ nhận là việc lập các nhóm zalo, facebook… hiện nay mang lại nhiều tiện ích trong kết nối bạn bè, gia đình, cộng đồng, trao đổi thông tin nhanh, tiết kiệm thời gian… Thế nhưng, những phiền toái mà các nhóm này đem lại cũng không hề nhỏ. Trong nhóm zalo phụ huynh mà bà xã tôi tham gia cũng thế, thường xuyên có những trường hợp tỏ thái độ gay gắt, “dạy dỗ” người khác khi bức xúc về việc này, việc nọ liên quan đến việc học, sinh hoạt của các cháu…

Tôi chưa tự lập một nhóm nào trên nền tảng “zalo”, “facebook”, nhưng hiện tại được “mời” tham gia không ít nhóm để trao đổi công việc cơ quan, bạn bè, sinh hoạt gia đình, cuộc sống. Sự tiện lợi về mặt thông tin, thông báo khá rõ ràng là điều ai cũng rõ khi một người đăng tải cả nhóm cùng được đọc, được xem, được biết. Vì sự tiện ích dễ dàng này, nhiều người đã lạm dụng bất kể thời gian cứ thả các thông tin lời bình nhảm nhí, hay kích hoạt gửi lên nhóm những nội dung chẳng liên quan làm phiền mọi người. Chưa kể khi có vấn đề bức xúc liên quan đến các hoạt động hoặc một cá nhân nào trong nhóm, một vài thành viên trong nhóm đưa ra bình luận sôi nổi, thậm chí sẵn sàng dùng những từ khiếm nhã gây bức xúc người khác trong nhóm.

Khi tranh cãi về một vấn đề gì dễ dẫn đến bức xúc. Tuy nhiên, trên các nhóm online nên tránh những lời miệt thị, dễ dẫn đến những mâu thuẫn, xích mích không đáng có. Gọi là nhóm online, nhưng thực chất mỗi nhóm có vài chục đến cả trăm người – xem như một cộng đồng dân cư nhỏ. Do đó mỗi thành viên trong các nhóm này cũng cần giữ văn minh, lịch sự. Ứng xử trên nhóm online cũng như đời thực luôn cần có thái độ tôn trọng người khác, biết quan tâm, lắng nghe, chia sẻ, thông cảm. Mọi lời nhận xét, bình luận phải khách quan và tế nhị, tỏ thái độ, cảm xúc phù hợp… Chú ý trao đổi thông tin tránh giờ nghỉ trưa, hoặc quá khuya; không nên chia sẻ, lan truyền những thông tin không có thật hoặc chưa được xác thực… Chính việc thông tin sai, tin chưa được kiểm chứng… trên mạng xã hội sẽ bị xử phạt theo hướng dẫn tại Nghị định số 15/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử.

Mỗi cá nhân ý thức được vai trò quan trọng của văn hóa ứng xử trên mạng xã hội sẽ góp phần quan trọng trong việc xây dựng môi trường mạng lành mạnh, an toàn.

Song Văn

About Huế

Bài viết được đăng từ nguồn: Báo Thừa Thiên Huế online

Check Also

Những gia đình “thắp lửa trái tim

Gia đình Huỳnh Thị Ngọc Trang và Trần Thị Nghĩa – Trần Thị Hiếu ở …