Cán bộ công đoàn thị xã Hương Thủy hỗ trợ người dân sau lụt bão
Sẻ chia với đoàn viên và người lao động
Bà Lương Thị Ánh Nguyệt, Chủ tịch Công đoàn cơ sở (CĐCS) Trường tiểu học và THCS Xuân Lộc (Phú Lộc) cho biết: Căn phòng công vụ được LĐLĐ tỉnh hỗ trợ trong Chương trình “Điều ước đoàn viên” nay vẫn sử dụng tốt, là nơi ở của 3 cô giáo có gia đình ở xa nơi dạy.
Nhớ lại 3 năm trước, chị Trần Thị Xuân Hương, Chủ tịch LĐLĐ huyện Phú Lộc, chị Huỳnh Thanh Tân, Chủ tịch LĐLĐ huyện Nam Đông và chị Nguyễn Tâm Nhân, Chủ tịch CĐ ngành Giáo dục Thừa Thiên Huế nghẹn ngào, không tin được khi chứng kiến đời sống khó khăn của những giáo viên ở các vùng sâu, vùng xa. Họ phần lớn là giáo viên nữ và phải ăn cơm trong cà mèn mang theo vì không có bếp nấu, buổi trưa các cô nằm co ro ngủ tạm trên những bàn học sinh, đã thế còn dùng chung công trình phụ với học trò.
Xem đoạn clip ghi hình từ cơ sở, lãnh đạo LĐLĐ tỉnh Thừa Thiên Huế không tin vào mắt mình và đích thân đến kiểm tra. Không thể đưa những trường hợp này vào chương trình “Mái ấm Công đoàn”, lãnh đạo LĐLĐ tỉnh xin hỗ trợ các nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh. Kết quả, hơn 150 triệu đồng hỗ trợ về LĐLĐ tỉnh để xây nhà công vụ cho giáo viên ở các điểm trường Hương Nguyên (A Lưới) và Xuân Lộc (Phú Lộc).
Chị Trần Thị Như Phương, chuyên viên LĐLĐ huyện A Lưới kể: Đi cơ sở mới biết được cách làm hay của CĐCS. Có thể kể đến Trường mầm non Hoa Ta Vai, huyện A Lưới với sáng kiến đoàn viên giúp nhau yên tâm trở lại lớp giảng dạy sau khi nghỉ thai sản. Theo quy định, các cháu bé 18 tháng tuổi mới nhận vào nhà trẻ, nhưng nhà trường bằng cách linh động, nhận các cháu là con cán bộ, giáo viên trong trường 6 tháng tuổi. CĐCS động viên các đoàn viên giúp nhau vừa “cõng” các bé con của đồng nghiệp trên lưng, vừa giảng dạy trên lớp. Mẹ dạy lớp này, con được gửi ở lớp khác. Cứ như vậy, nhiều năm qua, các cô giáo đã giúp nhau yên tâm công tác và rất nhiều em đã lớn lên trên lưng các cô giáo ở trường mầm non Hoa Ta Vai như thế.
Một lần, cán bộ chuyên trách CĐ tỉnh thực hiện chuyên mục truyền hình Công đoàn ở Công ty cổ phần Khai thác đá. Mỏ đá Ga Lôi được khai thác từ cả trăm năm nay, sâu hun hút như cái giếng khổng lồ. Ở đó, họ bắt gặp những hình ảnh công nhân lao động trực tiếp sản xuất trong bộ trang phục công nhân, nhưng chân đi dép nhựa, đầu đội mũ vải, không mang khẩu trang, không có găng tay theo đúng yêu cầu bảo hộ lao động. Ống kính được chuyển sang những nhân vật này: “Sao anh không sử dụng đồ bảo hộ lao động theo yêu cầu công việc?”. Gỡ chiếc mũ vải trên đầu xuống, các anh cười: “Chi cũng có, nhưng mang vô vướng, làm chậm. Không mang găng tay thì cũng có lúc đá cắt đứt tay thiệt đó, nhưng mà ăn thua chi, có tai nạn mô mà lo!”.
Nghe công nhân nói, Chủ tịch CĐCS Nguyễn Văn Tường Vy hiểu ra vấn đề, thì ra người lao động vẫn còn nặng suy nghĩ cho rằng tai nạn lao động chỉ là những việc gây hậu quả ít nghiêm trọng, tai nạn lao động là do rủi ro. Từ thực tế đó, những năm qua, CĐCS Công ty cổ phần Khai thác đá đã tích cực tuyên truyền, huấn luyện an toàn vệ sinh lao động vì quyền lợi thiết thực của CNLĐ. Điều đáng mừng là đã có sự chuyển biến trong nhận thức của CNLĐ, nhiều năm qua, công ty không có tai nạn lao động nghiêm trọng xảy ra.
Lắng nghe từ cơ sở
Những ngày mùa đông năm 2020, khi những cơn bão quăng quật dải đất miền Trung vừa dứt, các cán bộ CĐ ở các ngành, địa phương đã lập tức nắm được tình hình các doanh nghiệp và CNLĐ bị ảnh hưởng do bão lũ. Không đợi các chế độ chính sách của LĐLĐ tỉnh, các LĐLĐ huyện, ngành lập tức kêu gọi xã hội hóa để hỗ trợ CNLĐ ngay sau lụt bão. Và rồi “Gian hàng không đồng” của LĐLĐ thành phố Huế, huyện Nam Đông và các đợt hỗ trợ CNLĐ được tiến hành đồng loạt tại các cấp CĐ. “Tôi không thể quên được hình ảnh bà Hoàng Thị Như Thanh, Nguyên Chủ tịch LĐLĐ TP. Huế quần xắn tới gối, tất bật chuẩn bị gian hàng không đồng. Ai cũng đủ 10 món quà trong một lần “đi chợ không tiền” tại LĐLĐ thành phố. Nhờ rứa mà anh em nghiệp đoàn xích lô – xe thồ, nghiệp đoàn bốc vác đỡ bớt khó khăn khi mưa bão, dịch bệnh”, ông Nguyễn Tấn Xuyên, Chủ tịch Nghiệp đoàn xích lô du lịch nói.
“Những chuyến đi về cơ sở luôn để lại cho chúng tôi những kinh nghiệm quý báu trong hoạt động công đoàn. Hơi thở cuộc sống của đoàn viên và người lao động “ thổi” vào trong mỗi chúng tôi trách nhiệm, tình cảm và cả sự nhiệt huyết, tự tin trong công việc”, chị Hồ Thị Linh, Chủ tịch LĐLĐ thị xã Hương Trà cho biết.
Về cơ sở để cảm nhận xúc cảm bồi hồi chào cờ đầu tuần, nghe những mẩu chuyện về tấm gương đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh về phong cách quần chúng, gần gũi.
Về cơ sở để chia sẻ những khó khăn của công nhân lao động vượt khó; để nghe công nhân phản ánh những thắc mắc về chế độ chính sách, về đời sống, việc làm…
Về cơ sở, đó vừa là yêu cầu nhiệm vụ, vừa là cách cán bộ công đoàn học từ cơ sở. Bài học vỡ lòng về nguyên tắc hoạt động công đoàn sẽ không khô cứng, mà là “cây đời mãi mãi xanh tươi” khi cán bộ công đoàn đi về cơ sở.
Cơ sở không xa…
Bài, ảnh: ĐĂNG TRÌNH