Các tác giả tham gia cuộc thi bút ký trong buổi tổng kết, trao giải
Cuộc thi bút ký “Di sản, văn hóa và con người Thừa Thiên Huế” do Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tổ chức vừa tổng kết nhưng dư âm vẫn còn đó, không chỉ với người tổ chức, với tác giả đoạt giải mà còn ngay với cả người đọc. Bởi lẽ, rất lâu rồi mới có một cuộc thi bút ký viết về Huế – miền thơ ca vang danh.
Huế qua giọng văn của các tác giả – người Huế xa quê hay những người chọn Huế làm quê hương thứ hai, nó vừa lạ vừa quen, thân thương, gần gũi đến một cách khó diễn tả. Được chọn để in trong tuyển tập các tác phẩm, “Người uống nước sông Hương”, đoạt giải Nhì của cuộc thi là một trong những bút ký xúc động về tình cảm của tác giả Bạch Diệp dành riêng cho dòng sông Hương thơ mộng, cuốn hút người đọc với lối viết nhẹ nhàng nhưng đậm đặc chất liệu ký ức.
Con sông thơ mộng, tuyệt đẹp chảy qua giữa lòng đô thị Huế, nổi tiếng Việt Nam đã cho Bạch Diệp – cô gái trẻ Quảng Bình khi đó vừa đặt chân đến Huế ngụm nước đầu tiên, ngụm nước ngọt sông Hương. Và rồi, hơn 40 năm qua, con sông ấy đã gắn với đời sống của cô gái dịu dàng, thướt tha, đã uốn nắn và tạo nên một con người Quảng Bình “rất Huế”. Những ngọn đồi, khúc cua, làng mạc… dọc theo sông Hương từ thượng nguồn về đến hạ lưu, trước khi đổ ra biển lớn được tác giả miêu tả một cách trữ tình. Đọc bút ký của Bạch Diệp, người ta như được đắm chìm trong một “tour sông Hương”, đầy chất Huế từ trang văn cho đến đời thực.
Cũng “chạm” tới Huế với bút ký “Sóng Mỹ Hòa đủ để bạc đầu” (giải Nhì), tác giả Trần Băng Khuê đã khéo léo khi lấy người phụ nữ và bối cảnh lễ hội văn hóa làng quê miền biển để kể cho người đọc một phần văn hóa với bề dày hàng trăm năm vẫn được lưu truyền, tồn tại cho đến hôm nay.
Ở đó, tác giả của thế hệ đầu 8X nhấn mạnh hình tượng về người đàn bà xứ Huế chuẩn mực của tính cách, một người đàn bà miền biển dù ít chữ nhưng đam mê hò vè ca hát, giữ tròn đạo của người phụ nữ thờ chồng, yêu con, thương cháu.
Tác giả Trần Băng Khuê kể rằng, với những quan sát và trải nghiệm văn hóa của bản thân, chị thấy con người và các lễ hội ở vùng biển – đơn cử như làng biển Mỹ Hòa quê chị – mang vẻ đẹp của hồn quê xứ Việt: chất phác hồn hậu. Người trong làng đối đãi yêu thương nhau như người một nhà, có đôi con cá tươi, chai nước mắm cũng sẵn sàng san sẻ, í ới gọi nhau, nhất là mỗi khi có người Huế xa quê trở về.
Tất nhiên, ở làng ven biển, có những nét riêng mà chỉ khi chạm vào, ta mới thấy được. Chẳng hạn đấy là những câu chuyện làm nghề chài lưới, từ thói quen, những việc kiêng cữ, chuyện người đi biển. Các lễ hội văn hóa, tâm linh nhằm kết nối tinh thần đoàn kết ở biển nó cũng khác. “Tất cả khiến tâm trí tôi thấy biển làng mình có những nét riêng không nơi nào có được. Như tôi từng nghĩ, trái tim của làng là ở biển – Trần Băng Khuê trải lòng và khẳng định – vẫn muốn đi sâu vào bản thể của mình, của những con người mang bản sắc riêng của Huế, hoặc những vết xưa dấu cũ trong dòng chảy của ký ức và lịch sử khi viết tiếp về Huế”.
Cũng nặng lòng với Huế, Hải Hạc Phan – tác giả trẻ người Hà Tĩnh có hơn chục năm sống, làm việc ở Huế đã chọn vùng cao A Lưới và nhân vật chính là thiên nhiên để kể câu chuyện mà chính mình trải nghiệm. Để có bút ký “Lên ngàn tìm tiếng ríu ran”, Hải Hạc Phan đã có không biết bao nhiêu chuyến đi thực địa, thâm nhập đời sống cũng như hòa mình vào đời sống đó để cảm nhận được “kho báu” thiên nhiên A Lưới đồ sộ ra sao trong đời sống hiện tại.
Hải Hạc Phan kể thêm, bút ký cũng là một phần cô muốn kể về thanh xuân của bản thân, lẫn tình yêu dành cho vùng cao của Huế. “Tôi nhìn Huế như nhìn một con người có nhân ái, bao dung, giàu có. Huế gìn giữ được rất nhiều lớp trầm tích về văn hóa, thiên nhiên tươi đẹp và cách ứng xử, tri thức đầy minh triết của người Huế làm cho lòng người phải xao xuyến”, Hải Hạc Phan tâm sự.
Với suy nghĩ đó, ở bút ký này, cô gái trẻ muốn chuyển tải thông điệp bao quát về lối sống, ứng xử với thiên nhiên, về tình yêu cho văn hóa bản địa, về vẻ đẹp của một vùng đất thông qua vẻ đẹp cụ thể của những con người ở vùng đất mà cô tiếp xúc.
Không dừng lại ở cuộc thi bút ký lần này, cô mong bản thân sẽ có có nhiều trải nghiệm hơn để có những bút ký sâu sắc và “lớn” dần theo niềm đam mê văn chương. Nếu có thể “vẽ” về Huế trong một bút ký tiếp theo, Hải Hạc Phan nói chắc nịch, sẽ vẫn chọn câu chuyện về người Huế trong không gian Huế. Có thể những người, những việc bình thường không ai để ý tới nhưng với cô đó là vẻ đẹp Huế ở chiều sâu.
Di sản tinh thần là điều quan trọng và bền bỉ
Người giành giải Nhất cuộc thi với bút ký “Dưới bóng quê hương chợt lòng mưa nắng” – tác giả Lệ Hằng (quê Hương Thủy, hiện đang sống và làm việc ở Đà Nẵng) chia sẻ, cuộc thi là cơ hội cho người con gái Huế xa quê như chị trải lòng về nếp sống, nếp nghĩ, tâm hồn, tình yêu quê hương.
“Với mình di sản tinh thần là điều quan trọng và bền bỉ nhất. Không có di sản tinh thần thì những đền đài hay từ đường kia sẽ trở nên vô hồn. Những gì hiện hữu trong thế giới vật chất hôm nay có thể một mai vì lý do nào đó mà hư hỏng hay thậm chí biến mất, nhưng những gì thuộc về tinh thần thì không thể mất đi một khi mình vẫn còn ý thức về nó”, Lệ Hằng đúc kết.
Bài: Nhật Minh – Ảnh: Phương Anh