Không hề xa lạ với bao người là Carnival Brasil, một trong những lễ hội lớn nhất thế giới, có lễ chính kéo dài cả tuần lễ với khoảng 2 triệu người tham gia mỗi ngày. Còn tên gọi Carnival hay Carnaval là hội hóa trang, giả trang hoặc Carneval, có tên đầy đủ là lễ hội Carnival đường phố, là một mùa lễ hội. Carnival thường bao gồm một buổi lễ ăn mừng hay một buổi diễu hành kết hợp các yếu tố của loại hình xiếc, lễ hội đường phố. Mọi người thường giả trang và đeo mặt nạ trong các buổi ăn mừng.
Là sinh hoạt truyền thống mang yếu tố văn hóa tâm linh thờ phụng Thánh Mẫu Thiên Y A Na, lễ hội điện Huệ Nam được cử hành vào tháng Ba và tháng Bảy (Âm lịch) hằng năm, nhằm đáp ứng nhu cầu tâm linh của cộng đồng thực hành tín ngưỡng thờ Thánh Mẫu Thiên Y A Na và gần đây, phục vụ phát triển du lịch tỉnh Thừa Thiên Huế. Cuối năm 2016, “Tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt” được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện cho nhân loại.
Với lễ hội điện Huệ Nam, con sông Hương huyền thoại và thơ mộng trở thành con sông lễ hội. Điện Huệ Nam nằm dưới chân núi Ngọc Trản, nơi có khúc sông Hương được xem là sâu nhất chảy qua, và cách đó không xa là đình làng Hải Cát, cùng với điện Huệ Nam là nơi diễn ra các hoạt động chính của lễ hội. Ở dưới này, thánh đường Thiên Tiên Thánh giáo (đường Chi Lăng, TP. Huế) cũng nằm bên cạnh dòng Hương Giang.
Xưa nay, lễ hội điện Huệ Nam đầy sắc màu với lễ cung nghinh rước Thánh Mẫu bằng đường thủy ngược dòng sông Hương lên điện Huệ Nam. Năm nay, hơn 70 chiếc “bằng” và châu án (do thuyền rồng đôi và đơn tạo thành) được huy động. Trên mỗi chiếc “bằng” có bàn thờ Thánh Mẫu cùng với long kiệu. Trên long kiệu có hòm sắc của vua ban Thánh Mẫu, kế đó là một “bằng” khác có bàn thờ, kiệu và hòm sắc… Sông Hương càng sinh động trong những ngày lễ hội khi thuyền bè của người tham gia cùng ngược xuôi.
Dấu ấn về một carnival dân gian đậm nét trong lễ hội điện Huệ Nam khi đoàn rước hàng trăm người cùng phô diễn đa dạng trang phục cổ xưa đầy sắc màu kết hợp với các hình thức diễn xướng cùng vũ điệu đặc trưng. Lạ mà quen và thật bất ngờ khi bắt gặp hình ảnh các tín đồ hóa thân thành thánh bà, tiên cô… Không gian lễ hội cũng lan tỏa và kéo dài hơn khi từ năm 2022 này, trước khi xuống thuyền còn thêm lễ rước Thánh Mẫu bằng đường bộ, dài khoảng 3km từ Thánh đường Thiên Tiên Thánh giáo đến Nghinh Lương Đình. Đó là cách để không gian được mở rộng, thu hút người dân cùng hòa mình vào lễ hội.
Nghị quyết số 54 – NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Theo đó, đến năm 2025, Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản Cố đô và bản sắc văn hóa Huế. Tầm nhìn đến năm 2045, Thừa Thiên Huế là thành phố Festival, trung tâm văn hóa, giáo dục, du lịch và y tế chuyên sâu đặc sắc của châu Á. Tôi nghĩ, phát huy giá trị điện Huệ Nam với tư cách là một carnival dân gian độc đáo của vùng đất Cố đô Huế là góp phần hiện thực hóa khát vọng “54”.
ĐAN DUY