Lao động trung niên có thể học nghề nấu ăn để tìm việc làm mới
Khó quay lại thị trường lao động
Bị từ chối nhận hồ sơ tuyển dụng vị trí may công nghiệp, chị Châu Thị Đăng Thanh, sinh năm 1976, phường Thủy Dương, TX. Hương Thủy trở về với gương mặt đầy lo lắng. Lý do chị Thanh bị trả hồ sơ là chị quá độ tuổi công ty tuyển dụng. Hơn 7 năm qua, chị Thanh làm công nhân cho một công ty may xuất khẩu trên địa bàn TP. Huế, nhưng nay công ty thu hẹp sản xuất, nên cắt giảm HĐLĐ.
Cuối năm 2022, chị Thanh và nhiều công nhân khác tại công ty bị giảm giờ làm, hưởng 75% mức lương cơ bản. “Mỗi tháng nhận về hơn 3 triệu đồng tiền lương, cuộc sống đã vô cùng chật vật. Nghỉ tết xong, tôi bị chấm dứt HĐLĐ phải tìm công việc mới. Nhưng hầu hết các công ty đều yêu cầu độ tuổi lao động từ 18 đến dưới 30. Tôi đã quá độ tuổi đó nên rất khó xin được việc”, chị Thanh chia sẻ.
Chị Thanh là mẹ đơn thân, có hai con đang tuổi ăn học, nỗi lo về các khoản học phí của con thôi thúc chị tìm công việc mới, có thu nhập ổn định. “Nếu không tìm được công việc phù hợp, tôi lo không tiếp tục đóng được bảo hiểm xã hội và lấy tiền đâu để trang trải cuộc sống”, chị Thanh nói.
Anh Nguyễn Xuân Khánh, nhân viên một DN chuyên về xây dựng ở TP. Huế, năm nay 55 tuổi, cũng mới phải chấm dứt HĐLĐ do công ty ít việc. Anh Khánh cho biết, trước đây đã nhận bảo hiểm xã hội (BHXH) một lần, nên thời gian đã tham gia BHXH của anh hiện chỉ có 14 năm, nếu muốn đủ điều kiện nhận lương hưu hằng tháng thì phải đóng thêm BHXH tự nguyện cho đủ ít nhất 20 năm và chờ thêm vài năm nữa mới được nhận lương hưu hằng tháng.
“Tôi đang cân nhắc, nếu xin được việc thì sẽ đi làm, đóng thêm BHXH ít năm nữa, rồi sau này có lương hưu dù là ít, nhưng thực sự giờ xin việc khó quá, trong lúc mình đã lớn tuổi. Còn nếu không xin được việc, có khi tôi phải nhận BHXH một lần, chứ đã không có việc thì tiền đâu ra sinh sống lại còn đóng thêm BHXH tự nguyện. Còn trước mắt sẽ sống nhờ trợ cấp thất nghiệp”, anh Khánh nói.
Chị Đặng Thị Thủy, sinh 1980, ở Vinh Mỹ (Phú Lộc), tuy không phải lao động bị nghỉ việc hoặc giảm giờ làm, nhưng cuộc sống của chị cũng rất vất vả. Là lao động chính trong gia đình, mọi chi phí từ tiền xăng xe, tiền học phí của con đều đổ lên đôi vai của chị Thủy. Với mức lương khoảng gần 6 triệu đồng/tháng, chị phải “chia 5 xẻ 7” để lo toan đầy đủ các khoản chi trong gia đình. Dù chán việc, mong muốn được tăng ca nhưng chị Thủy không dám xin nghỉ việc. Chị lo ngại, ở độ tuổi của chị sẽ không tìm được công việc với mức thu nhập khá hơn, nhất là trong bối cảnh nhiều công ty khan hiếm đơn hàng, gặp nhiều khó khăn.
Người lao động nộp hồ sơ xin việc tại Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh
Chuyển đổi nghề nghiệp
Đem câu chuyện của chị Thanh, anh Khánh đến gặp cơ quan chức năng để nắm thực trạng chung như thế nào, ông Hồ Dần, Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết, những tháng vừa qua, một số DN gặp khó khăn đơn hàng, nên có cắt giảm lao động. Qua theo dõi, việc cắt giảm của các DN được tiến hành có trình tự, có trao đổi với công đoàn cơ sở, có thỏa thuận của người lao động. Trong đó, số lao động bị cắt giảm là người lớn tuổi chiếm tỷ lệ cao.
Ông Hồ Dần phân tích, số lao động mất việc tập trung chủ yếu là ngành may mặc, sản xuất đồ gỗ…, đây là những thị trường đang khó khăn đơn hàng nên việc tuyển dụng lại lao động còn hạn chế. Việc lao động trung niên muốn tìm việc làm như trước đó hiện đang gặp khó khăn là có thật. “Hiện sở thường xuyên phối hợp với Liên đoàn Lao động tỉnh, Ban Quản lý khu công nghiệp, và các huyện, thị và TP. Huế theo dõi, nắm tình hình. Đồng thời, chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ việc làm (DVVL) chú trọng nắm tình hình cung cầu lao động, giải quyết kịp thời bảo hiểm thất nghiệp, tư vấn cho người lao động sớm có việc làm ổn định”, ông Hồ Dần chia sẻ.
Ông Nguyễn Duy Thông, Giám đốc Trung tâm DVVL tỉnh cũng khẳng định, lao động 35 tuổi quay lại thị trường lao động sau khi bị cắt HĐLĐ gặp khó khăn hơn so với lao động trẻ tuổi, nhất là trong lĩnh vực may mặc, trừ một vài vị trí cần tính kỹ thật và thâm niên như chuyền trưởng, kỹ thuật cắt, ủi.
Theo ông Nguyễn Duy Thông, đối với những lao động lớn tuổi nếu bị cắt giảm HĐLĐ do DN thiếu đơn hàng trong thời gian qua có thể đến Trung tâm DVVL và cơ sở giáo dục nghề nghiệp để được tư vấn, hỗ trợ học nghề để chuyển đổi nghề nghiệp. Trong quá trình học, lao động được miễn học phí và được kết nối giới thiệu việc làm sau khi học hoặc tạo điều kiện vay vốn để tự tạo việc làm.
Hiện Trung tâm DVVL tỉnh có các nghề chế biến món ăn, pha chế đồ uống. Sau khi học nghề, lao động có có thể mở quán ăn, dịch vụ ẩm thực tại nhà, tuyển dụng vào làm tại các căng tin trường học, các dịch vụ ẩm thực như nhà hàng, khách sạn. Ngoài ra, còn có các nghề học lái xe để kinh doanh dịch vụ hoặc lái xe taxi, bán hàng online, thương mại điện tử và kế toán sơ cấp.
“Việc nghiên cứu thị trường xuất khẩu lao động cho độ tuổi trung niên cũng đang được chúng tối hướng đến để tạo thêm cơ hội việc làm cho độ tuổi này”, ông Nguyễn Duy Thông thông tin.
Bài, ảnh: Tuấn Khoa