Hội viên Cựu chiến binh chia sẻ kinh nghiệm phát triển kinh tế
“Những mô hình sản xuất, kinh doanh (SXKD) có hiệu quả được nhân rộng bằng nhiều hình thức khác nhau. Những hội viên khá giúp đỡ hội viên còn khó khăn, hội viên giàu cùng kết hợp hội viên khá mở rộng các mô hình kinh tế, chuyển giao kỹ thuật, kinh nghiệm cho các hội viên. Đó là cách Hội CCB cùng giúp nhau làm giàu, vươn lên trong cuộc sống”, ông Lê Anh Miêng, Chủ tịch Hội CCB huyện A Lưới thông tin.
Cùng các hội viên Hội CCB huyện thăm mô hình kinh tế gia trại với hoa tươi bốn mùa, rau sạch quanh năm của CCB Lê Chiên mới thấy sự nỗ lực, vươn lên của người cựu binh tuổi không còn trẻ. Để có được vườn rau sạch xanh tốt, cho thu nhập quanh năm, CCB Lê Chiên đã tự tay cuốc từng luống đất, tìm hiểu cách xử lý đất, phòng trừ sâu bệnh và những giống rau phù hợp khí hậu, thổ nhưỡng và cho năng suất cao.
CCB Lê Chiên bộc bạch: “Chưa phải giàu có gì lắm, nhưng mảnh vườn này cũng giúp tôi có cuộc sống tốt hơn, thu nhập ổn định hơn. Không những anh em hội viên, mà bà con ai muốn học hỏi cách trồng rau, tìm nguồn giống, cây ươm, tôi đều sẵn sàng chia sẻ. Mỗi hội viên vươn lên phát triển kinh tế gia đình, không chỉ làm giàu cho bản thân, gia đình mà đó cũng là cách để xây dựng hội vững mạnh.
CCB Trịnh Huy Sơn (ở thị trấn A Lưới) không chỉ làm giàu cho bản thân với mô hình phát triển kinh tế, làm giàu từ sâm Bố Chính mà còn sẵn lòng chia sẻ kinh nghiệm, tích cực hướng dẫn các hội viên trồng sâm Bố Chính, một loại cây dược liệu mới, cho hiệu quả kinh tế cao ở vùng núi A Lưới.
Để các mô hình kinh tế được nhân rộng, phát triển hiệu quả, bên cạnh việc tổ chức cho hội viên học tập, chia sẻ kinh nghiệm, Hội CCB huyện tích cực kết nối, tìm các nguồn vay ưu đãi để “trợ lực” cho hội viên mạnh dạn phát triển các mô hình kinh tế phù hợp với gia đình, địa phương như trồng trọt, chăn nuôi, kinh doanh dịch vụ nhỏ và vừa.
Để hội viên có vốn đầu tư phát triển SXKD, các cấp Hội đã tập trung chỉ đạo khai thác và sử dụng có hiệu quả nguồn vốn ủy thác từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) duy trì các tổ tiết kiệm và vay vốn, thành lập các tổ vay vốn tạo điều kiện cho hội viên phát triển kinh tế. Nhờ đó, nhiều CCB đã thoát nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng. Nhiều hội viên đã xây dựng được mô hình sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao, có thu nhập từ 100 triệu đồng/năm trở lên. Hiện, tất cả các hội viên của các chi hội đều tiếp cận được với nguồn vốn vay ưu đãi từ NHCSXH huyện, với tổng dư nợ 45 tỷ đồng. Các hộ vay vốn cũng đã sử dụng đúng mục đích và hiệu quả. Nhờ đó, trong thời gian qua, đã xóa được 179/264 hộ hội viên nghèo.
Hội cũng tích cực vận động hội viên tham gia góp quỹ để giúp đỡ nguồn vốn không lãi suất hoặc lãi suất thấp cho các hội viên nghèo phát triển kinh tế gia đình; vận động kinh phí xây 25 căn nhà nghĩa tình đồng đội, hỗ trợ 11 hội viên sửa nhà do ảnh hưởng của bão, lốc xoáy.
Chủ tịch Hội CCB huyện Lê Anh Miêng cho biết: Hội tiếp tục triển khai nhiệm vụ giúp nhau phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, tạo điều kiện cho các hộ nghèo, cận nghèo có điều kiện phát triển SXKD, nâng cao đời sống; động viên hội viên tích cực tham gia các dự án phát triển kinh tế theo khả năng của mình; đẩy mạnh các phương án SXKD ngày càng có hiệu quả cao hơn trên tinh thần làm giàu cho mình, cho quê hương.
Bài, ảnh: THẢO VY