Cùng sơn lại số hiệu cột mốc trong chuyến tuần tra song phương
Nghĩa tình những chuyến tuần tra
Những ngày đầu tháng 8, Đội tuần tra do Thượng tá Hồ Ngọc Tuấn, Đồn trưởng Đồn Biên phòng cửa khẩu (BPCK) Hồng Vân đích thân làm đội trưởng, nai nịt lên đường, thực hiện chuyến tuần tra song phương cùng lực lượng Đại đội Bảo vệ biên giới 511 thuộc Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Salavan (Lào).
Chuyến tuần tra song phương lần này đến một số cột mốc biên giới Việt Nam – Lào và cọc dấu dọc đường biên. Đường từ Đồn BPCK Hồng Vân đến cột mốc đại 645 (trên địa bàn xã Hồng Vân, A Lưới, cách không xa cửa khẩu Hồng Vân – Cô Tài), qua con đèo uốn lượn, hun hút dốc. Hai bên là những bờ lau trắng, những nương sắn, rẫy lúa, cánh rừng nối nhau đến tận chân núi xa mờ. Cột mốc đại 645, phân chia ranh giới giữa hai quốc gia Việt Nam – Lào, vững chãi và uy nghi hiện ra trong sương trắng. Cán bộ, chiến sĩ Đội tuần tra Đồn BPCK Hồng Vân và lực lượng Đại đội Bảo vệ biên giới 511, mỗi bên đứng trang nghiêm trên lãnh thổ đất nước mình, xúc động đưa tay chào cột mốc.
Sau cái bắt tay thật chặt và những nụ cười cởi mở, thân thiện trao nhau, BĐBP Đồn BPCK Hồng Vân và lực lượng Đại đội Bảo vệ biên giới 511 cùng nhau băng rừng, vượt qua những con dốc gần như dựng đứng, tuần tra đến cột mốc 648 giữa đỉnh rừng.
Trong khoảng thời gian này, các đồn biên phòng tuyến biên giới đất liền cũng đã thực hiện những chuyến tuần tra song phương, cùng lực lượng bảo vệ biên giới nước bạn Lào, tuần tra đường biên, cột mốc trên địa bàn đơn vị quản lý. Thượng tá Hồ Sĩ Hòa, Đồn trưởng Đồn BPCK A Đớt cho biết, đơn vị vừa cùng lực lượng Đại đội Bảo vệ biên giới 531, thuộc Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Sê Kông, Lào thực hiện 2 chuyến tuần tra song phương đến cột mốc 660 và 662.
Trong tình cảm của cán bộ, chiến sĩ biên phòng, dù đã bao lần thực hiện tuần tra song phương, nhưng mỗi lần cùng bạn nghiêm trang chào cột mốc, cùng phát quang cây cỏ, cùng chung bữa ăn mộc mạc, cùng ngắm những đám mây bình yên trên bầu trời biên giới, lòng vẫn nguyên đầy cảm xúc. Bởi trong yên bình ấy, có những ngày đêm các anh cùng đồng đội băng rừng lội suối tuần tra đường biên, cột mốc, phòng, chống các loại tội phạm, giữ gìn trật tự an ninh trên địa bàn; có những yêu thương mà lực lượng BĐBP và Nhân dân Thừa Thiên Huế đặc biệt dành cho người dân các bản Lào còn rất nhiều khó khăn dọc biên giới, thông qua sự sẻ chia, hỗ trợ về vật chất, tinh thần, sự chăm sóc sức khỏe và giúp người dân phát triển kinh tế.
12 năm trước là Đội trưởng Đội phân giới cắm mốc tỉnh Thừa Thiên Huế, tham gia đoàn chuyên viên liên hợp hai nước, phối hợp với bạn Lào trong phân giới cắm mốc, đến bây giờ, Trung tá Trần Minh Toàn, Phó Tham mưu trưởng BĐBP tỉnh, vẫn không quên những ngày cùng bạn, có khi cả tuần liền gian nan, vất vả, trèo đèo, lội suối, cùng ăn chung bữa, cùng mắc võng hoặc dựng lán ngủ giữa rừng, để phối hợp khảo sát, xác định vị trí cắm cột mốc. Mỗi cột mốc và đường biên đến hôm nay vững chắc, là minh chứng cho những nỗ lực chung của Nhân dân hai nước, tôn trọng chủ quyền lãnh thổ, thắt chặt tình đoàn kết, xây dựng hòa bình.
“Chia” nỗi gian nan trong chuyến tuần tra
Giữ vững lòng người – giữ vững biên cương
Đêm biên giới sâu hun hút khi những cơn gió đã lặng yên nơi núi rừng. Bản làng cũng chìm vào giấc ngủ. Bỗng tại Trạm kiểm soát biên phòng Hồng Thái (tiếp giáp với đất Lào), tiếng chuông điện thoại vang lên giục giã. Trưởng bản Sê Sáp (huyện Kà Lừm, tỉnh Sê Kông, Lào) gấp gáp báo tin, có 2 dân bản đang bệnh nặng, cần cấp cứu. Thông tin được “nối” về Đồn Biên phòng Nhâm. Ngay lập tức Ban Chỉ huy Đồn Biên phòng Nhâm liên hệ với Trung tâm Y tế huyện A Lưới. Đồng thời, cán bộ quân y đơn vị cũng nhận lệnh đến Trạm kiểm soát biên phòng Hồng Thái, chờ, đón bệnh nhân.
Đường từ đồn đến trạm kiểm soát, đồi núi khúc khuỷu, nhiều chặng đá sỏi lổn nhổn, trong đêm tối càng khó đi hơn. Nhưng đã không ít lần hành quân vội vã trong đêm, để kịp thời khám, cấp cứu ban đầu cho người bệnh từ bản Sê Sáp, Thiếu tá y sĩ phòng khám quân dân y Phạm Khắc Kế đã “chai” với những khó khăn, vất vả. Ngay trong đêm, bệnh nhân Nang Un (sinh năm 2007) và Nang Pi Ơn (sinh năm 2002) với các triệu chứng đau nhiều ở vùng ngực, bụng, khó thở, không cử động được, không nói được, đã được lực lượng Đồn Biên phòng Nhâm cùng y, bác sĩ Trung tâm Y tế huyện A Lưới chờ sẵn, đưa lên xe cứu thương, gấp rút chuyển đến bệnh viện để được chữa trị.
Hôm chúng tôi đến Trạm kiểm soát biên phòng Hồng Thái, đúng vào lúc Thiếu tá y sĩ phòng khám quân dân y Phạm Khắc Kế đang khám bệnh cho Nàng Mít – nữ bệnh nhân ở bản Sê Sáp. Cách anh dặn dò cẩn thận, tỉ mỉ từng chút về việc uống thuốc, giữ gìn sức khỏe, khiến nữ bệnh nhân xúc động không nói nên lời. Người thân của Nàng Mít đi làm rẫy xa, nên ông Bua Thong, Phó Bí thư chi bộ bản Sê Sáp, trực tiếp đưa nữ bệnh nhân sang. Ông Bua Thong cũng xúc động: “Bao năm qua, bất cứ bệnh nhân nào, trong tình huống khẩn cấp, dù khuya khoắt hay mưa gió, đều được Đồn Biên phòng Nhâm hỗ trợ, giúp đỡ kịp thời, cùng với lực lượng y tế giành giật lại sức khỏe, sự sống. BĐBP là người thân, là điểm tựa mà dân bản Sê Sáp yêu mến, tin cậy”.
Đại tá Lê Văn Nguyên, Chính ủy BĐBP tỉnh nói rằng, xây dựng và giữ vững được niềm tin của người dân khu vực biên giới và người dân các bản Lào dọc biên giới; xây dựng được sự gắn bó của các bản làng bên này và bên kia biên giới, chính là cách xây dựng, giữ vững bình yên biên cương.
Bao năm qua, đồng thời với sự quan tâm, hỗ trợ về kinh phí của tỉnh Thừa Thiên Huế, BĐBP tỉnh là lực lượng trực tiếp đổ mồ hôi, công sức giúp các bản Sê Sáp, Ka Lô, Cô Tài (thuộc hai tỉnh Sê Kông, Salavan, Lào) xây tổng cộng gần 100 ngôi nhà, xây trường học, cầu và những công trình công cộng khác, giúp người dân các bản bạn an cư, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần. Lực lượng bảo vệ biên giới của bạn cũng được giúp đỡ rất nhiều về cơ sở vật chất, các phương tiện để phục vụ nhiệm vụ. Hiện, công trình hệ thống cấp nước sinh hoạt của Đại đội Bảo vệ biên giới 531 có tổng trị giá khoảng 2 tỷ đồng, kinh phí do UBND tỉnh hỗ trợ; BĐBP phối hợp hỗ trợ thi công, sắp hoàn thành để đưa vào sử dụng trước mùa mưa bão.
Đồng thời, lực lượng BĐBP luôn phối hợp chính quyền địa phương các cấp huyện A Lưới và các cơ quan liên quan, hỗ trợ cây con giống, kỹ thuật chăn nuôi, sản xuất, giúp người dân các bản Lào phát triển kinh tế. Đặc biệt, người dân các bản Lào được BĐBP, Bệnh viện huyện A Lưới, Bệnh viện Trung ương Huế khám, chữa bệnh miễn phí, đảm bảo sức khỏe. Rất nhiều học sinh được BĐBP “nâng bước đến trường”, tạo điều kiện cho những “mầm xanh” trên các bản Lào dọc biên giới vươn lên làm chủ kiến thức, sau này chung tay xây dựng, phát triển bản làng.
Bài, ảnh: Quỳnh Anh