Ban Chỉ huy quân sự phường Thủy Dương (Hương Thủy) chuẩn bị vật chất trước mùa mưa bão
Kịp thời, hiệu quả
Ông Lê Viết Dũng, Chỉ huy trưởng Ban CHQS phường Thủy Dương, thị xã Hương Thủy cho biết: Không phải là địa bàn vùng trũng, ngập sâu vào mùa mưa lũ nhưng địa bàn phường thường xuyên bị ảnh hưởng lốc xoáy, lũ quét, sạt lở đất… Nhất là ở vùng trọng điểm cụm Pha Liễn, tổ dân phố 12, tổ 1… Ngay từ đầu mùa mưa lũ, Ban CHQS phường đã kiện toàn lực lượng, phương tiện vật chất, lên kế hoạch chi tiết và nắm chắc tình hình dân cư, nhất là các hộ gia đình yếu thế để triển khai các phương án di dời, giúp đỡ khi mưa lũ đến.
Trung tá Nguyễn Quyết Tiến, Phó Chỉ huy trưởng, Tham mưu trưởng Ban CHQS thị xã Hương Thủy cho biết, trên địa bàn có nhiều xã vùng trũng và nhiều xã nằm trong vùng có nguy cơ lũ quét, sạt lở đất nên trước mùa bão lụt, đơn vị luôn chủ động về người và phương tiện để sẵn sàng ứng phó, giúp dân khi thiên tai xảy ra. Mỗi xã, thị trấn đều có cán bộ Ban CHQS huyện phụ trách, theo dõi, nắm tình hình để triển khai lực lượng, phương tiện kịp thời. Các trung đội dân quân cơ động luôn sẵn sàng trực 24/24h để thực hiện nhiệm vụ sơ tán dân, giúp dân khi mùa mưa bão đang đến rất gần. Ban CHQS thị xã cũng đã được đầu tư thêm tàu lớn, kho đựng vật chất cứu hộ cứu nạn. Lương thực dự trữ và công tác hiệp đồng với các đơn vị trên địa bàn cũng đã được triển khai.
Ban CHQS thị xã cũng đã thống kê, hiệp đồng với người dân để khi có lụt lớn xảy ra có thể nhanh chóng huy động lượng lớn ghe thuyền trong dân cùng tham gia ứng cứu. Các vùng trọng điểm cũng được thống kê, lên danh sách các hộ gia đình yếu thế, nằm trong diện di dời, sơ tán trên toàn thị xã, nhất là các xã xung yếu như Dương Hòa, Phú Sơn, Thủy Thanh, phường Thủy Dương…
Nam Đông là địa bàn vùng núi nhưng thường xuyên đứng trước nguy cơ bị sạt lở đất, lũ quét, lũ ống và lốc xoáy, nhất là các xã Hương Hữu, Hương Lộc, Hương Sơn… gây thiệt hại không nhỏ về tài sản của người dân. Để chủ động phòng, chống, tránh thiệt hại về người và của cho người dân, trước mùa mưa, bão Ban CHQS huyện đã tổ chức kiểm tra, rà soát các phương án, bổ sung phương tiện phòng, chống, bão lụt.
Thượng tá Lê Văn Thân, Chỉ huy trưởng Ban CHQS huyện Nam Đông cho biết: Để hạn chế thiệt hại do diễn biến phức tạp của mưa bão, Ban CHQS huyện đã chỉ đạo các lực lượng nắm chắc tình hình, kịp thời giúp Nhân dân phòng, chống, giảm thiệt hại và sẵn sàng cứu hộ cứu nạn khi cần. Hiện, đơn vị đã được trang bị đầy đủ các phương tiện, vật chất để chủ động phòng, chống thiên tai trên địa bàn, đảm bảo cơ động an toàn và ứng cứu có hiệu quả.
Chủ động từ cơ sở
Trước mỗi mùa mưa bão, Bộ CHQS tỉnh đã tổ chức và chỉ đạo các đơn vị làm tốt công tác tập huấn, huấn luyện, diễn tập, hội thao về công tác phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn. Trong các đợt huấn luyện dân quân, Bộ CHQS tỉnh đã tăng cường các bài huấn luyện phòng, chống lụt bão, cháy rừng, tìm kiếm cứu nạn… phù hợp với tình hình thực tế của địa phương. Bên cạnh lực lượng bộ đội thường trực, gần 20 ngàn dân quân tự vệ cũng sẽ được cơ động kịp thời khi có tình huống bất ngờ xảy ra.
Các trang thiết bị phục vụ phòng, chống thiên tai cũng được các đơn vị trực thuộc Bộ CHQS tỉnh bổ sung, bảo quản đúng kỹ thuật, với 1.101 tàu, xuồng, thuyền các loại, hàng chục xe tải, xe lội nước; đồng bộ xe thiết giáp BTR 152 chuẩn bị cho các nhiệm vụ khẩn cấp, 1.500 áo phao, 1.000 phao tròn, 42 phao bè, các phương tiện khác như máy cưa, máy phát điện, nhà bạt cũng được bảo quản tốt, sẵn sàng thực hiện các nhiệm vụ. Bộ CHQS tình cũng đã hiệp đồng với các đơn vị của Bộ và Quân khu 4 đóng quân trên địa bàn để sẵn sàng “chi viện” lực lượng khi cần thiết. Lương thực, thực phẩm dự trữ luôn đảm bảo để phục vụ cho các đơn vị và sẵn sàng cung cấp một phần cho Nhân dân khi cần thiết.
Thượng tá Phan Thắng, Phó Chỉ huy trưởng, Tham mưu trưởng, Bộ CHQS tỉnh cho biết: Ngay từ trước mùa mưa bão, Bộ CHQS tỉnh đã kiện toàn lực lượng, phương tiện và lên kế hoạch ứng phó với những diễn biến thất thường, bất lợi của thời tiết. Bộ CHQS tỉnh chỉ đạo các cơ quan quân sự địa phương các huyện, thành phố phối hợp chặt chẽ với các ban, ngành liên quan tham mưu xây dựng, bổ sung các phương án phòng, chống lụt, bão; di dời, sơ tán nhân dân ra khỏi vùng nguy hiểm. Yêu cầu lãnh đạo, chỉ huy các đơn vị nghiên cứu kỹ tình hình thực tiễn, để dự báo, đánh giá sát đúng các khu vực, địa bàn trọng điểm, chủ động xây dựng kế hoạch, đề ra các giải pháp thiết thực ứng phó hiệu quả với các thảm họa thiên tai.
Các cấp tăng cường tuyên truyền, giáo dục, làm cho mọi người dân nhận thức rõ phòng, chống lụt, bão là trách nhiệm của mỗi công dân, của mọi gia đình và toàn xã hội; từ đó, nâng cao ý thức, trách nhiệm, chuẩn bị chu đáo về mọi mặt, chủ động đối phó kịp thời khi lụt, bão xảy ra.
Bài, ảnh: Thanh Thảo