Chữa bệnh lười đọc sách ở giới trẻ

Thói quen đọc sách giúp giới trẻ có thêm nhiều kiến thức. Ảnh: MC

Chưa được nuôi dưỡng thói quen

Theo thống kê, đầu năm 2018, Việt Nam xếp vị trí thứ 7 với 58 triệu người dùng Facebook. Cuối năm 2018, theo số liệu của Bộ Thông tin và Truyền thông, số tài khoản Facebook đã đạt 60 triệu trên tổng số dân (xấp xỉ 95 triệu); chiếm 60% dân số. Sự gia tăng thời lượng sử dụng mạng xã hội đồng thời khiến thời gian đọc sách giảm đi trông thấy. Mỗi năm, một người Việt Nam đọc bình quân khoảng 1 cuốn sách. Thậm chí, 80% người trong độ tuổi 20-30 không đụng đến sách suốt một năm.

Bệnh lười đọc sách là một thực trạng đáng buồn. Trong nhiều gia đình hiện nay, tủ sách có đấy, nhưng chúng tồn tại như một thứ trang trí có phần xa xỉ. Ông bà, cha mẹ không đọc sách thì cũng không khuyến khích con cháu đọc sách được. Chưa hết, ở trường thầy cô cũng ít đọc sách. Thư viện nhà trường chủ yếu chỉ có sách giáo khoa, sách hướng dẫn học tốt môn này, học tốt môn kia. Có nghĩa chỉ là sách công cụ mang nhiều tính thực dụng may ra giúp cho học sinh có điểm số cao hơn; còn thì việc nuôi dưỡng, bồi bổ tâm hồn cho các em là chuyện… tính sau.

Trần Hồng Tâm, sinh viên Khoa Ngữ văn, Trường đại học (ĐH) Khoa học, ĐH Huế nêu quan điểm, Việt Nam là quốc gia nông nghiệp, trải qua chiến tranh. Người dân phải lao động để sống thì không có nhiều thời gian để quan tâm đến sách. Đây là vấn đề liên thế hệ. Ông bà, cha mẹ không có thói quen đọc sách thì con cũng không được nuôi dưỡng thói quen đọc sách từ nhỏ.

Ông Hồ Đăng Thanh Ngọc, Chủ tịch Liên hiệp các hội văn học nghệ thuật tỉnh cho rằng, tình trạng này là hệ quả của việc thiếu quan tâm, nuôi dưỡng thói quen đọc sách từ nhỏ cho trẻ. Trường học không có tiết đọc sách chính thức, gia đình chưa quan tâm xây dựng và phát triển thói quen đọc sách cho con từ sớm.

Bên cạnh việc chưa xây dựng được thói quen đọc sách cho con trẻ từ nhỏ, nhiều ý kiến cho rằng, chương trình và phương pháp dạy văn trong trường học hiện nay làm thui chột sự yêu thích với sách, tác phẩm văn học. Nguyễn Khánh Ly, sinh viên Trường ĐH Ngoại ngữ, ĐH Huế chia sẻ: “Phương pháp dạy hiện nay bắt buộc học sinh ghi chép những ý tưởng có trước, những điều có sẵn. Tiếng nói thầm kín, trái chiều của học sinh chưa được lắng nghe nên không còn sự sáng tạo về môn văn nữa”.

Tạo niềm vui đọc sách

Theo Hồng Tâm, sinh viên ngày nay cũng chịu áp lực học hành, thi cử nhiều nên thích xem mạng xã hội vì các sản phẩm ở đây ngắn và trực quan. Để đọc một cuốn sách dài toàn chữ phải mất nhiều thời gian, suy ngẫm. “Các nhà xuất bản, các tác giả có thể nghiên cứu để có các loại sách trực quan, phù hợp với xu thế giới trẻ hơn”, Hồng Tâm đề xuất.

“Trước đây, những thế hệ 7X, 8X khi lớn lên, tivi, máy vi tính vẫn còn hạn chế, chưa phổ biến. Lắm khi không có gì coi nên tôi phải đọc sách. Thậm chí không dám đọc hết, phải để dành hôm sau đọc tiếp. Ngày nay nhu cầu và cách thức đọc sách của giới trẻ đã khác. Các bạn kén chọn về nội dung hơn và có khi chỉ đọc về những chủ đề mà mình thấy yêu thích. Nếu như có sách hay, được truyền cảm hứng thì không có lý do gì lo ngại tuổi trẻ không đọc sách”, ông Hồ Đăng Thanh Ngọc nói.

Ông Hồ Đăng Thanh Ngọc cũng cho rằng, sách không chỉ là người bạn, sách mở ra cả thế giới cho người đọc những kiến thức quý báu trong chặng đường trải nghiệm cuộc sống. “Xây dựng thói quen đọc sách sau đó hình thành văn hóa đọc sách là điều rất quan trọng. Các trường học nên cập nhật sách mới thường xuyên để các em học sinh, sinh viên có thể đọc. Bên cạnh đó, có thể xây dựng các mô hình câu lạc bộ đọc sách để sinh viên sinh hoạt, hình thành và phát triển thói quen đọc cho mình “, ông Hồ Đăng Thanh Ngọc chia sẻ.

ĐĂNG TRÌNH

About Huế

Bài viết được đăng từ nguồn: Báo Thừa Thiên Huế online

Check Also

Chắp cánh ước mơ

“Chắp cánh ước mơ” là câu chuyện đầy cảm hứng về hành trình vượt lên …