Tiền thuê trọ – gánh nặng của người lao động
Công nhân tỉnh lẻ hầu như không có khả năng mua nhà khi chi phí phòng trọ, nuôi con, sinh hoạt đã khiến họ không còn tích lũy. Họ phải chấp nhận ở thuê trong các phòng trọ chật chội, xuống cấp để tiết kiệm chi phí. Gia đình chị Hoàng Thị Hải (28 tuổi, quê Vĩnh Phúc) gồm 4 người sống chen chúc trong căn phòng 15m2 bày la liệt đồ đạc.
Làm công nhân 7 năm nay, tổng thu nhập của chị Hải ở mức 7 triệu đồng/tháng. Chồng chị làm công nhân lâu năm nên lương khá hơn chút, khoảng 10 triệu đồng/tháng.
Thời gian mới sinh con thứ 2, mẹ chị Hải từ quê lên chăm cháu nên chị phải thuê 2 phòng trọ liền kề, mỗi phòng giá 500.000 đồng/tháng. Khi con đi gửi trẻ, mẹ chị về quê, gia đình chị cũng chuyển phòng trọ rộng hơn, có gác xép giá 1,2 triệu đồng/tháng.
Nếu được tăng ca đều đặn, tổng thu của vợ chồng công nhân dao động 17-18 triệu đồng mỗi tháng. Chị Hải cho biết, số tiền này ở quê nghe có vẻ nhiều nhưng sống ở thành phố, vợ chồng công nhân chẳng dám ăn ngon, mặc đẹp mới để ra được ít tiền.
“Riêng tiền thuê trọ (bao gồm điện, nước) đã gần 2 triệu đồng. Chưa kể tiền ăn uống 4 triệu đồng/tháng; tiền học của con; bỉm sữa; tiền hiếu, hỉ,…” – chị Hải liệt kê.
Với người mẹ 2 con này, tiền thuê trọ là khoản tiền nặng gánh nhất với công nhân tỉnh lẻ. “Vừa là tiền cố định, vừa không phải nhà của mình nên mỗi tháng đóng tiền thuê nhà trọ tôi xót lắm” – chị Hải nói. Nhưng vì lương công “ráo mồ hôi đã hết tiền”, vợ chồng chị Hải không dám mơ mua đất, cất nhà ở đây.
Hỗ trợ phải công bằng
Ông Nguyễn Văn Tân – Chủ tịch CĐCS Công ty Hosiden (tỉnh Bắc Giang) – cho biết, đối với người lao động, được hỗ trợ tiền thuê nhà ngày nào hay ngày đấy, mức nào hay mức đấy. Mức hỗ trợ theo như dự thảo là gần đủ 1 tháng tiền thuê nhà của người lao động, nên rất có ý nghĩa.
Tuy nhiên, việc triển khai chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà này phải bàn cho kỹ, làm sao cho công bằng, tính toán đến các yếu tố, ví dụ thời hạn thuê nhà tính từ thời điểm nào (quá khứ hay hiện tại). Hiện tại, số lượng công nhân lao động thuê trọ là rất nhiều, liệu quỹ có đảm bảo chi trả hay không? Nếu không đảm bảo cho tất cả người đi thuê trọ thì phải có thứ tự ưu tiên như thế nào, ví dụ đối tượng có sổ hộ nghèo, cận nghèo, hoặc có thân nhân ruột thịt bị bệnh hiểm nghèo… Những đối tượng như vậy có thể được ưu tiên hỗ trợ trước; còn những trường hợp khoẻ mạnh, nếu quỹ đảm bảo, hỗ trợ được thì tốt, nếu không thì hỗ trợ sau
Ông Nguyễn Văn Tân cho rằng, thủ tục nhận hỗ trợ chỉ cần giấy xác nhận đang làm việc tại doanh nghiệp; hợp đồng thuê trọ; giấy tờ chứng minh là đối tượng là hộ nghèo (trong trường hợp hỗ trợ ưu tiên theo thứ tự trước).
Ông Nguyễn Văn Tân cũng bày tỏ băn khoăn trước quy định về đối tượng người lao động trở lại thị trường lao động, bởi thực tế, có trường hợp người lao động “nhảy việc” từ doanh nghiệp này sang doanh nghiệp khác, bản chất họ vẫn là người lao động, vẫn tham gia thị trường lao động.
Theo Chủ tịch CĐCS Công ty Hosiden, công ty có tổng cộng hơn 5.000 công nhân lao động, trong đó có khoảng 30% đang thuê trọ tại gần công ty. Quế Chi – Minh Phương