Chia sẻ dữ liệu mở để phát triển kinh tế số, xã hội số

Bảo hiểm xã hội quận Long Biên là một trong 30 quận, huyện của Hà Nội đã có hàng trăm người dân tham gia Bảo hiểm xã hội tự nguyện sau các hội nghị tuyên truyền về chế độ, chính sách tại cơ sở. Ảnh (minh họa):Dương Ngọc/TTXVN

Theo Tổng Giám đốc Bảo hiểm Xã hội Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh, công tác chuyển đổi số của ngành năm 2022 có bước đột phá, nổi bật là việc xây dựng, kết nối, chia sẻ Cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm với các Cơ sở dữ liệu quốc gia và Cơ sở dữ liệu chuyên ngành khác, góp phần tạo nền tảng chuyển đổi số quốc gia.

Kết nối, chia sẻ dữ liệu với các bộ, ngành

Cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm – một trong 6 cơ sở dữ liệu quốc gia quan trọng cần ưu tiên triển khai tạo nền tảng phát triển Chính phủ điện tử – được Chính phủ giao Bảo hiểm Xã hội Việt Nam là cơ quan chủ quản chịu trách nhiệm xây dựng, quản lý, vận hành. Cơ sở dữ liệu này lưu trữ thông tin về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp và thông tin về y tế, an sinh xã hội.

Ngành Bảo hiểm Xã hội đang quản lý dữ liệu của trên 98,7 triệu dân và hộ gia đình, trong đó có 90,5 triệu người tham gia bảo hiểm y tế, 15,9 triệu người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, 1,4 triệu người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, 4,9 triệu người hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp. Dữ liệu được kết nối trực tuyến với hơn 13.000 cơ sở khám, chữa bệnh, xử lý và tiếp nhận gần 300 triệu lượt hồ sơ trực tuyến hằng năm (trung bình mỗi năm có khoảng 170 triệu lượt đề nghị thanh toán chi phí khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế). Toàn bộ dữ liệu và ứng dụng trên được quản lý và lưu trữ tập trung, liên thông, thống nhất tại Trung tâm Dữ liệu chính và Trung tâm Dữ liệu dự phòng.

“Cơ sở dữ liệu về bảo hiểm và tương tác của cơ quan Bảo hiểm Xã hội Việt Nam với hầu hết người dân có sự lan tỏa, ảnh hưởng rất lớn”, ông Nguyễn Thế Mạnh cho hay.

Tháng 11/2019, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam là một trong số ít đơn vị đầu tiên trong cả nước thực hiện việc kết nối và chia sẻ giữa Cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm với cơ sở dữ liệu khác qua trục dữ liệu quốc gia của Bộ Thông tin và Truyền thông. Từ đó đến nay, ngành đã thực hiện hơn 500 triệu lượt xác thực và chia sẻ thông tin với các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp qua hệ thống trục này.

Đáng chú ý là Bảo hiểm Xã hội Việt Nam đã phối hợp với Bộ Công an kết nối xác thực và chia sẻ thông tin liên quan đến bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Đến thời điểm hiện tại, cơ quan này đã xác thực trên 71 triệu nhân khẩu có trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, đồng thời, cung cấp, chia sẻ 62 triệu lượt bản ghi thông tin bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cho Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Bảo hiểm Xã hội Việt Nam đặt mục tiêu đạt tỷ lệ xác thực 100% nhân khẩu có trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Đây là tiền đề quan trọng cho việc sử dụng căn cước công dân gắn chip để đi khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế và sử dụng số định danh cá nhân thay thế cho số sổ bảo hiểm xã hội, mã thẻ bảo hiểm y tế trong tương lai.

Bên cạnh đó, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư kết nối, chia sẻ “Nhóm thông tin về người sử dụng lao động”; kết nối, liên thông thủ tục đăng ký thành lập doanh nghiệp, chi nhánh, văn phòng đại diện, khai trình việc sử dụng lao động, cấp mã số đơn vị tham gia bảo hiểm xã hội, đăng ký sử dụng hóa đơn của doanh nghiệp từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm với Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp.

Nhờ đó, 100% doanh nghiệp khi thành lập đều được liên thông qua hệ thống này, giúp Bảo hiểm Xã hội Việt Nam có thông tin chính xác cho việc đăng ký mới thông tin tham gia bảo hiểm xã hội của doanh nghiệp. Chỉ riêng năm 2022, hơn 200.000 thông tin doanh nghiệp đã được liên thông trên hệ thống.

Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh cho biết, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam đã phối hợp với Bộ Tư pháp, Bộ Thông tin và Truyền thông triển khai tích hợp dịch vụ tiếp dữ liệu khai tử từ Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử của Bộ Tư pháp qua nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia (NDXP) và liên thông khai sinh, cấp thẻ bảo hiểm y tế.

Từ năm 2019 đến nay, 4,2 triệu trẻ em đã được cấp thẻ bảo hiểm y tế theo quy trình liên thông tự động với Bộ Tư pháp qua trục tại tất cả các tỉnh, thành phố, giúp giảm thời gian, chi phí cho người dân và cơ quan nhà nước. Hơn 1,9 triệu dữ liệu khai tử được chia sẻ cho Bảo hiểm Xã hội Việt Nam để kịp thời cắt chi trả lương hưu, dừng giá trị thẻ bảo hiểm y tế.

Tiếp tục phát huy hiệu quả nguồn dữ liệu bảo hiểm, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam phối hợp với Bộ Nội vụ kết nối, chia sẻ dữ liệu cán bộ, công chức, viên chức từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm cho Cơ sở dữ liệu quốc gia về cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan nhà nước để triển khai Đề án 893/QĐ-TTg (Đề án xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan nhà nước.

Bảo hiểm Xã hội Việt Nam đang thí điểm cung cấp dữ liệu về tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp của Bộ Nội vụ, UBND thành phố Đà Nẵng, UBND tỉnh Bến Tre cho Cơ sở dữ liệu quốc gia về cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan nhà nước. Thời gian tới, ngành sẽ phối hợp với Bộ Nội vụ để triển khai toàn quốc đến hơn 2 triệu công chức, viên chức.

Bảo hiểm Xã hội Việt Nam phối hợp với Bộ Y tế làm rõ các thông tin cơ bản về y tế trong các Cơ sở dữ liệu chuyên ngành của Bộ Y tế để kết nối, chia sẻ với Cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm. Đến ngày 11/11/2022, Bộ Y tế đã ban hành Quyết định số 3074/QĐ-BYT quy định nhóm thông tin cơ bản về y tế thuộc Cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm.

“Chúng tôi sẽ tiếp tục phối hợp với Bộ Y tế và các đơn vị liên quan triển khai sớm sổ sức khỏe điện tử trên cơ sở Quyết định 3074/QĐ-BYT để hình thành sổ sức khỏe điện tử của mỗi người dân căn cứ trên dữ liệu khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế hiện nay và dữ liệu khám, chữa bệnh dịch vụ được gửi qua cổng tiếp nhận dữ liệu của ngành Bảo hiểm Xã hội Việt Nam”, Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh thông tin.

Tới đây, mỗi công dân sẽ có một sổ sức khỏe điện tử, trong đó có đầy đủ thông tin về quá trình khám, chữa bệnh, số tiền chi trả… Dự kiến quý II/2023, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam sẽ hoàn thành một số trường thông tin cơ bản để người dân có thể sử dụng sổ này và các thông tin cá nhân trên sổ đều được bảo mật.

Ngay trong tháng 1/2023, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam tiếp tục phối hợp để tiếp nhận giấy khám sức khỏe lái xe của hơn 1.000 cơ sở khám, chữa bệnh đủ điều kiện được Bộ Y tế thống nhất. Đồng thời, hỗ trợ chia sẻ giấy chứng sinh được các cơ sở khám, chữa bệnh đồng bộ về cổng tiếp nhận của Bảo hiểm Xã hội Việt Nam theo Thông tư 56/2017/TT-BYT, để sớm liên thông các thủ tục cấp giấy khai sinh, cấp thẻ bảo hiểm y tế và đăng ký thường trú. Trung bình mỗi năm, Bảo hiểm Xã hội nhận từ 1-1,2 triệu giấy chứng sinh.

Thúc đẩy hoạt động nghiệp vụ trên môi trường số

Đề cập đến lợi ích của việc kết nối, chia sẻ, khai thác thông tin, dữ liệu trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm, ông Nguyễn Thế Mạnh cho hay, đối với Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, đây là nền tảng quan trọng trong việc chuyển đổi số của ngành để khai phá và ứng dụng các công nghệ Big Data, AI, nhằm mục tiêu trở thành tổ chức an sinh xã hội hiện đại, hướng tới sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp.

Đối với các bộ, ngành, địa phương, có thể khai thác, sử dụng các thông tin có trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm phục vụ yêu cầu quản lý nhà nước. Các doanh nghiệp, tổ chức có thể khai thác dữ liệu mở để phát triển kinh tế – xã hội.

Các cá nhân được quyền trích xuất thông tin của mình trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm để quản lý, theo dõi quá trình tham gia, quá trình hưởng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, các thông tin liên quan khác để biết và bảo vệ quyền lợi của mình, cũng như gia đình. Hiện nay, gần 30 triệu người tham gia hoàn toàn có thể xem thông tin của mình trên ứng dụng VssID-bảo hiểm xã hội số.

Ông Nguyễn Thế Mạnh khẳng định, dữ liệu trích xuất được ký số của Bảo hiểm Xã hội Việt Nam và có giá trị như văn bản giấy xác nhận của cơ quan này. Cơ quan, tổ chức không được yêu cầu cá nhân cung cấp các giấy tờ liên quan nếu đã khai thác được thông tin của cá nhân từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm.

Hiện Bảo hiểm Xã hội Việt Nam đã triển khai xong về mặt kỹ thuật bản điện tử sổ bảo hiểm xã hội, thẻ bảo hiểm y tế và có thể thực hiện ngay trong quý I/2023. Đây là một tiền đề quan trọng để cải cách hành chính, giảm phiền hà cho người dân.

“Để xây dựng Chính phủ số, phát triển kinh tế số, xã hội số, dữ liệu số là nền tảng cơ bản và quan trọng nhất. Việc phát triển được các cơ sở dữ liệu mang tính chất nền tảng như Cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm sẽ tạo tiền đề quan trọng cho việc thúc đẩy các hoạt động nghiệp vụ trên môi trường số của các ngành nói riêng và thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia nói chung”, ông Nguyễn Thế Mạnh chia sẻ.

Một điểm đáng chú ý được Tổng Giám đốc Bảo hiểm Xã hội Việt Nam nêu ra là, qua việc liên thông dữ liệu và chuyển đổi số đã chống được tình trạng trục lợi bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế. Vừa qua, với việc thí điểm thực hiện sinh trắc học bằng vân tay và hình ảnh, cơ quan này đã phát hiện một số trường hợp người nhận bảo hiểm xã hội một lần mượn thẻ căn cước công dân hoặc đưa thẻ căn cước không đúng. Tới đây, ngành Bảo hiểm Xã hội sẽ ứng dụng đồng bộ công nghệ nhận dạng sinh trắc học bằng vân tay và hình ảnh ở cả các cơ sở khám, chữa bệnh.

Hiện Bảo hiểm Xã hội Việt Nam đang nghiên cứu, đánh giá hạ tầng công nghệ thông tin, hệ thống phần mềm nghiệp vụ, Cơ sở dữ liệu của ngành để đầu tư trang bị, trong đó hướng đến mục tiêu là xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm như một cơ sở dữ liệu tham chiếu chung (Master data) cho tất cả các hệ thống phần mềm nghiệp vụ trong ngành khai thác, đồng thời là nơi cung cấp cho các bộ, ngành, tổ chức.

Cùng với đó, cơ quan này tiếp tục làm giàu, hoàn thiện Cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm và đẩy mạnh việc kết nối, chia sẻ để phục vụ mục đích phát triển kinh tế – xã hội; mở rộng việc chia sẻ dữ liệu cho tổ chức, cá nhân theo quy định, đặc biệt tập trung vào chia sẻ dữ liệu mở để phát triển kinh tế số, xã hội số.

TheoTTXVN

About Huế

Bài viết được đăng từ nguồn: Báo Thừa Thiên Huế online

Check Also

Phá chuyên án mua bán trái phép chất ma túy

Công an làm việc với đối tượng Qua công tác nghiệp vụ, Đội Cảnh điều …