Chân dung Huế của Alexander Yakovlev

Tự họa (sơn dầu, 1917)

Đó là Alexander Yevgenievich Jakovlev, sinh ngày 25/6/1887 tại Saint Petersburg, trong gia đình một sĩ quan hải quân thời Nga hoàng. Ông theo học Trường Mỹ thuật Hoàng gia ở Saint Petersburg những năm 1905 – 1913. Tốt nghiệp Jakovlev nhận được danh hiệu họa sĩ cùng một học bổng du học nước ngoài nhờ hai tác phẩm đã triển lãm thời sinh viên. Cùng năm đó, ông đã hoàn thành bức tranh nổi tiếng “Trong ngày nắng chói”. Sau đó, Jackovlev sang Ý và Tây Ban Nha, đến năm 1915 trở về Petrograd, nơi ông không chỉ vẽ nhiều tranh và ký họa mà còn tham gia nhiều hoạt động nghệ thuật tại thành phố này.

Chân dung con gái hoàng tử Bửu Liêm

Mùa hè năm 1917, họa sĩ trẻ tài năng Yakovlev lại nhận được học bổng để nghiên cứu mỹ thuật vùng Viễn Đông. Rời Petrograd, ông đến với vùng xa xôi nhất của nước Nga, rồi sang Mông Cổ, Trung Quốc, Nhật Bản trong hai năm. Khi Yakovlev đang ở Bắc Kinh, cuộc cách mạng Tháng 10 nổ ra. Trong bối cảnh nội chiến tại quê nhà đang lan rộng, Yakovlev sang Paris, cái nôi của mỹ thuật phương Tây hiện đại. Thế chiến I kết thúc, Yakovlev định cư hẳn ở Paris và được nhận quốc tịch Pháp.

Những năm 1924 – 1925, Yakovlev tham gia một cuộc du khảo sa mạc Sahara và vùng châu Phi Xích đạo, do hãng xe Pháp Citroën tổ chức nhằm quảng bá thương hiệu ô tô này. Tranh vẽ và ký họa sau chuyến đi đã đem đến thành công lớn cho ông: Yakovlev được Chính phủ Pháp tặng Huân chương Bắc đẩu bội tinh (Légion d’honneur) cao quý năm 1926. Hai năm sau, ông tổ chức một triển lãm tác phẩm quy mô lớn ở Moskva.

Mẹ và con

Trong hai năm 1931 – 1932, hãng Citroën tổ chức tiếp một chuyến du hành băng qua châu Á. Yakovlev tham gia nhưng lần này là cố vấn nghệ thuật của hãng Citroën. Ông đã đến các nước Syria, Iran, Afghanistan, Mông Cổ, Nhật Bản, Trung Quốc và cả Việt Nam. Trở về sau cuộc du hành, Yakovlev mang theo 800 tác phẩm, gồm tranh và rất nhiều ký họa con người và cuộc sống ở nhiều xứ sở xa lạ. Đặc biệt là các ký họa chân dung được thể hiện chân thực và sinh động. Tác phẩm của ông sau đó được triển lãm ở nhiều quốc gia và được xuất bản trong tập sách có tên “Ký họa châu Á”.

Rời nước Pháp, Jacovlev sang Mỹ và trong những năm 1934 – 1937 ông trở thành trưởng khoa hội họa của Trường Mỹ thuật trực thuộc Bảo tàng Mỹ thuật Boston (Đại học Tufts). Trở về Paris năm 1938, ông qua đời sau một ca phẫu thuật bất thành.

Trên cánh đồng

Tranh và ký họa về Việt Nam của Alexander Jakovlev đều được vẽ năm 1932, trong chuyến du hành châu Á. Trong số đó có nhiều bức phong cảnh vùng nông thôn và phụ nữ Bắc bộ, không thể thiếu vịnh Hạ Long với những chiếc thuyền buồm. Ông vẽ với nhiều chất liệu: sơn dầu, màu nước, chì than… với hình họa và kỹ thuật sử dụng màu của một bậc thầy. Năng lực nghệ thuật của ông càng bùng nổ nhờ vốn sống giàu có qua những chuyến đi và ký họa không ngừng, nắm bắt nhanh chóng thần thái, tính cách của những người mà ông phác họa và vẽ chân dung.

Với Huế, ông có mấy bức chân dung đặc sắc. Ông vẽ hoàng tử Bửu Liêm (Hoài Ân vương), em vua Thành Thái và vẽ cô công chúa – con gái của ngài. Cả hai được vẽ với kích thước 76,5 x 56,5cm, bằng phấn tiên và chì màu trên giấy, như cách ông thường vẽ nhanh các chân dung và đều rất sống động. Riêng bức “Mẹ và con” thể hiện bà mẹ với đứa con đeo kiềng, cả hai đều có vẻ buồn bã, không rõ tác giả đã vẽ ai và trong dịp nào. Tranh cũng vẽ bằng phấn tiên và chì màu trên giấy, kích thước 56 x 66,5cm; được đưa ra đấu giá ngày 12/4/2011 tại nhà Sotheby’s New York, với giá khởi điểm rất cao đối với một bức tranh giấy khổ nhỏ: 100.000 – 150.000 USD.

Bài, ảnh: Nguyễn Trọng Chức

About Huế

Bài viết được đăng từ nguồn: Báo Thừa Thiên Huế online

Check Also

Thu về trên kinh thành Huế

Có ai từng cảm nhận cái se lạnh đầu thu trên những con phố cổ …