Khám sức khỏe miễn phí cho lao động nữ
Gần gũi sẻ chia
Nhờ có sự đồng hành của tổ chức công đoàn, chị Nguyễn Thị Trang, công nhân khu công nghiệp Phú Bài đã nhận được gần 30 triệu đồng tiền thai sản mà chị tưởng chừng đã mất. Chị Trang kể, con trai chị gần năm tuổi, chị mới nhận chế độ thai sản. Sau khi sinh chị đi làm thủ tục nhận chế độ thai sản, nhưng không được bảo hiểm thanh toán. Nguyên nhân, do công ty chị còn nợ bảo hiểm xã hội (BHXH). Nhiều lần ý kiến lên ban giám đốc công ty, song chị Trang cũng không được giải quyết. Để bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình, chị Trang tìm đến Công đoàn Khu KTCN tỉnh “cầu cứu”.
Nhận được kiến nghị của đoàn viên, Công đoàn Khu KTCN tỉnh đã đồng hành, giúp chị Trang gỡ dần những “nút thắt”. Nhờ vậy, công ty nơi chị Trang làm việc đã giải quyết vướng mắc với BHXH, để chị Trang nhận được chế độ thai sản theo quy định. “Không chỉ tôi, những công nhân khác chưa được nhận chế độ thai sản cũng được công ty tìm cách giải quyết”, chị Trang cho biết.
Sự tận tâm của Ban nữ công quần chúng (BNCQC) CĐCS Công ty TNHH Takson Huế đã giúp cuộc sống của gia đình chị Lê Thị Thanh Tuyển dần êm ấm, hòa thuận hơn. Trước đây, chị Tuyển thường bị chồng đánh đập sau khi uống rượu. Nhiều lần chị bị thương tích. Song do chồng đe dọa cộng với tâm lý e ngại, sợ “vạch áo cho người xem lưng”, chị Tuyển im lặng chịu đựng. Biết được hoàn cảnh của chị Tuyển, BCH, BNCQC CĐCS đã tìm cách giúp đỡ, các chị khéo léo gặp gỡ chồng chị Tuyển phân tích hành động sai trái, kiên trì thuyết phục anh thay đổi, mặt khác hỗ trợ giúp đỡ chị Tuyển trong công việc, trang bị kỹ năng, xây dựng gia đình hạnh phúc.
Chị Vũ Thị Nguyệt, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Takson Huế cho biết, công ty có hàng ngàn người lao động, trong đó tỷ lệ LĐN chiếm hơn 87%. Để đồng hành cùng nữ CNLĐ, BNCQC công đoàn công ty luôn bám sát nhu cầu thực tại của nữ công nhân. Chẳng hạn, chia sẻ kỹ năng cần thiết để dung hòa cuộc sống trong bối cảnh hiện tại, giúp LĐN biết cân bằng cảm xúc, vượt qua áp lực trong công việc cũng như trong cuộc sống. Có những thời điểm, công đoàn công ty còn xây dựng mô hình bán kem gây quỹ, hỗ trợ các chị gặp những chuyện không may trong cuộc sống.
Tăng cơ hội hiểu biết
Buổi sinh hoạt của Câu lạc bộ Sức khỏe sinh sản (SKSS) và Pháp luật lao động của Công đoàn Công Ty TNHH Giã Trân, thuộc LĐLĐ TP. Huế được diễn ra theo hình thức hỏi đáp trực tiếp, người có nhiều câu hỏi và nhiều câu trả lời đúng sẽ được tặng quà khích lệ. Nhờ sự tương tác sôi nổi, các thành viên nhanh chóng quên mỏi mệt sau ca làm việc. Để tạo không khí vui nhộn, ban chủ nhiệm CLB đã có những trò chơi khởi động cùng những phần quà ý nghĩa. Tiếp đó, các thành viên được truyền thông về SKSS, hướng dẫn các biện pháp tránh thai an toàn và các kiến thức về pháp luật lao động…
Với câu hỏi “Làm thế nào để có một thai kỳ khỏe mạnh”, chị Phạm Thị Thủy Ngọc được chuyên gia cung cấp thêm nhiều kiến thức về thai sản. Chị Ngọc tâm sự: “Tôi mang thai lần đầu, lại bị nghén nặng, không ăn uống được nhiều nên sợ ảnh hưởng đến con. Qua buổi sinh hoạt, tôi đã biết thêm nhiều kiến thức, kinh nghiệm để chăm sóc sức khỏe khi bị nghén, biết chăm sóc bản thân đúng cách theo từng giai đoạn thai kỳ. Tôi cũng nắm rõ hơn về quyền lợi của LĐN trong thời gian mang thai và nuôi con nhỏ để áp dụng thực hiện”.
Chị Nguyễn Thị Quỳnh Anh, Trưởng BNCQC Công đoàn Công Ty TNHH Giã Trân chi nhánh Huế cho biết, chủ đề các buổi sinh hoạt luôn được bám sát nhu cầu của các thành viên cũng như những kiến thức pháp luật lao động liên quan trực tiếp đến nữ CNLĐ.
Theo thống kê, trên địa bàn tỉnh hiện có hơn 41.000 CNLĐ thuộc các DN khu vực ngoài quốc doanh, chiếm tỷ lệ hơn 51,2% so với tổng số CNVCLĐ trong toàn tỉnh, trong đó số LĐN chiếm hơn nửa.
Với đặc thù làm việc theo ca, LĐN khó tiếp cận để trang bị kỹ những kiến thức, chế độ chính sách pháp luật liên quan đến CNLĐ cũng như các hiểu biết về SKSS – KHHGĐ. Để linh hoạt, Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh đã chỉ đạo công đoàn cấp trên cơ sở hướng dẫn công đoàn cơ sở thành lập CLB SKSS và Pháp luật lao động trong các DN. Với hình thức này, tổ chức công đoàn các DN sẽ chủ động linh hoạt được thời gian trong tổ chức sinh hoạt, giúp người lao động dễ dàng tham gia.
Bà Trần Thị Minh Nguyệt, Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh cho biết, LĐLĐ tỉnh đang chỉ đạo công đoàn các cấp tập trung đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động BNCQC, giám sát việc thực hiện chế độ, chính sách đối với LĐN, duy trì, phát triển các mô hình hỗ trợ LĐN hiệu quả hơn.
LĐLĐ tỉnh cũng tập huấn cho đội ngũ cán bộ nữ công cơ sở và cấp trên trực tiếp cơ sở kỹ năng tổ chức hoạt động quần chúng, kỹ năng đại diện cho LĐN, nhất là tại các DN. Qua đó, giúp các ban nữ công quần chúng có kỹ năng thương lượng với người sử dụng lao động, thỏa thuận được các điều có lợi hơn cho LĐN.
“Hiện chúng tôi đã có những gói phúc lợi giúp CNLĐ mua các mặt hàng thiết yếu với giá ưu đãi; đồng thời ký kết phúc lợi với các DN thuộc lĩnh vực y tế chăm sóc, tầm soát sức khỏe cũng như phát miễn phí dụng cụ, phương tiện tránh thai cho nữ đoàn viên lao động”, bà Minh Nguyệt cho biết.
Bài, ảnh: Hải Thuận