Cảnh giác với thủ đoạn “chuyển khoản nhầm”

Các đối tượng đã sử dụng các thủ đoạn tinh vi để chiếm đoạt số tiền lớn có trong tài khoản nạn nhân.

“Thả con săn sắt, bắt con cá rô”

Theo nhiều người cho biết, các đối tượng sau khi thu thập các thông tin cá nhân, số tài khoản ngân hàng rồi tiến hành gửi một số tiền từ vài trăm nghìn đến vài triệuđồng vào tài khoản của nạn nhân, sau đó gọi điện thoại đến thông báo là đã chuyển… nhầm số tiền trên, đề nghị hoàn trả theo các bước hướng dẫn của các đối tượng như truy cập vào link website có giao diện tương tự như của các ngân hàng qua đóchiếm đoạt luôn số tiền trong tài khoản của nạn nhân.

Cảnh báo của ngân hàng qua tin nhắn

Một thủ đoạn trắng trợn khác là sau khi chuyển tiền … nhầm, các đối tượng gọi điện thoại đến xưng là người của một công ty tài chính tuyên bố “xem như” nạn nhân đã vay số tiền với lãi suất cao.

Một người phụ nữ ở Hà Nội đã đến trình báo cơ quan Công an sự việc bản thân mình được hơn 45 triệu đồng chuyển vào tài khoản ngân hàng với nội dung đính kèm khó hiểu. Đến cuối giờ chiều cùng ngày, một tài khoản zalo lạ kết bạn và nói rằng công ty tài chính đã giải ngân số tiền của chị và theo cách nói của họ thì chị trở thành một người vay nợ và khi trả lại tiền sẽ kèm theo một khoản lãi suất cao.

Sau khi biết hành vi lừa đảo của mình không thành, đối tượng lập tức đổi thái độ, nhắn nhiều tin cho chị với nội dung hăm dọa.

Một nạn nhân khác cũng tại Hà Nội bỗng nhiên trong tài khoản có thêm số tiền hơn 2 triệu đồng, khi đang phân vân, kiểm tra xem ai là người gửi tiền, thì khoảng 30 phút sau, có một người phụ nữ lạ gọi đến cho biết, đã lỡ chuyển nhầm tiền cho anh này và mong được nhận lại. Do đang ở nước ngoài nên nhờ nạn nhân đăng nhập vào dịch vụ chuyển tiền quốc tế qua một đường link. Vì tin tưởng vào câu chuyện của đối tượng nên anh này đã làm theo yêu cầu, không ngờ, sau khi điền xong các thông tin, thì phát hiện mấy chục triệu đồng trong tài khoản đã bị rút sạch.

Không nên tham “của trên trời rơi xuống”

Trước các thủ đoạn vi phạm pháp luật của các đối tượng, cơ quan Công an khuyến cáo khi chủ tài khoản bỗng dưng nhận được một khoản tiền “chuyển nhầm” cho mình, tuyệt đối không sử dụng số tiền “bỗng dưng mà có” vào việc chi tiêu cá nhân để tránh mắc bẫy của các đối tượng.

Nếu là số tiền chuyển nhầm thật thì đại diện ngân hàng sẽ liên hệ để làm việc hoặc chủ tài khoản có thể liên hệ với ngân hàng để thông báo sự việc và yêu cầu ngân hàng cung cấp sao kê, đối chiếu để hoàn trả. Trường hợp nhận được số tiền lớn, người dân nên đến trực tiếp ngân hàng để làm việc hoặc thông báo với cơ quan công an.

Đặc biệt, người được nhận tiền tuyệt đối không chuyển lại tiền cho người lạ nếu không có người làm chứng. Nên đề nghị người gửi cùng đến ngân hàng giao dịch trực tiếp, không làm việc qua điện thoại. Tuyệt đối không cung cấp mã OTP, tên đăng nhập và mật khẩu tài khoản ngân hàng cho các đối tượng; không thực hiện theo bất kỳ hướng dẫn nào khác ngoài nhân viên ngân hàng như truy cập vào các đường link, app lạ trên internet do các đối tượng cung cấp, yêu cầu.

Theo quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015, khi nhận được số tiền từ những người không có mối quan hệ, không hề quen biết thì người nhận tiền được xem là người đang chiếm hữu tài sản không có căn cứ pháp luật. Do đó, người nhận phải có trách nhiệm hoàn trả cho chủ sở hữu hoặc giao nộp số tiền đó cho cơ quan chức năng nhằm thông báo công khai cho chủ sở hữu biết để nhận lại.

Bài, ảnh: HOÀI AN

About Huế

Bài viết được đăng từ nguồn: Báo Thừa Thiên Huế online

Check Also

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vui mừng khi người dân tái định cư Hương Sơ ổn định cuộc sống

Ngay sau đó, Thủ tướng cũng đã thăm Bảo tàng Cổ vật cung đình Huế …