Đại dịch COVID-19 đã gây ra những thiệt hại to lớn về sự mất mát về con người, xã hội, tình cảm và sức khỏe cộng đồng. Nó làm gián đoạn cuộc sống thường nhật, làm dấy nên nỗi căng thẳng, sợ sệt và hoang mang cả về sức khỏe và thu nhập, chưa kể đến việc bị giãn cách. Điều này đòi hỏi cần có sự nhìn nhận cẩn thận hơn về vấn đề tâm thần – tâm lý trong tình huống đại dịch COVID-19 trên toàn thế giới. Trên thực hành lâm sàng, nhân viên y tế thường gặp những bệnh nhân sau đại dịch COVID-19, như sau:
Rối loạn lo âu – trầm cảm
Lo âu là một hoạt động bình thường của tâm lý mọi người. Lo âu những nguy cơ có thể xuất hiện giúp chủ thể đề phòng, có chiến lược phù hợp để ứng phó và vượt qua những khó khăn có thể xuất hiện.
Tuy nhiên, lo âu chỉ được xem là bệnh lý khi lo lắng thái quá về những hậu quả tiêu cực của nhiều vấn đề trong cuộc sống. Tưởng tượng đến những vấn đề xấu, tiêu cực có thể xuất hiện với bản thân và người nhà. Lo âu để gọi là bệnh lý khi xuất hiện với hình thức ám ảnh (là những suy nghĩ, hình ảnh lặp đi lặp lại với tính chất xâm lấn, cưỡng bách). Các dấu hiệu cơ thể phải xuất hiện kèm theo với suy nghĩ lo âu: cơn hoảng loạn (lo âu cấp tính) với biểu hiện bằng tình trạng cơn tăng huyết áp đột ngột, tăng nhịp tim, cảm giác khó thở, nghẹn cổ (như có cục chặn ở cổ), run rẩy tay chân, toát mồ hôi; đau dạ dày, trào ngược dạ dày – thực quản, đau bụng, sôi ruột, tiêu chảy hoặc táo bón, căng thẳng cơ bắp, choáng váng, chóng mặt, hoa mắt.
Trầm cảm là một biểu hiện của rối loạn khí sắc với biểu hiện chủ yếu của khí sắc trầm uất, tình trạng chán nản với mọi hoạt động, kèm theo là các dấu hiệu khác về mặt tâm thần – tâm lý và cơ thể (somatoform). Bao gồm: mệt mỏi, chán ăn hoặc thèm ăn quá mức, sụt cân hoặc tăng cân, mất ngủ hoặc ngủ nhiều, giảm vận động, ý nghĩ bi quan, tự ti, mặc cảm. Có thể xuất hiện các triệu chứng hoang tưởng, ảo giác phù hợp hoặc không phù hợp với khí sắc. Các triệu chứng trầm cảm phải kéo dài ít nhất 2 tuần để được chẩn đoán là bệnh lý trầm cảm.
Bệnh lý tâm trí trong đại dịch
Triệu chứng ám ảnh: ký ức tái diễn về dịch bệnh, được lặp lại trên truyền thông, phản ứng phân ly lặp lại do cảm giác bị đe dọa, thay đổi nhịp sống, ám ảnh về vệ sinh.
Triệu chứng khí sắc: cảm xúc buồn rầu liên quan với bệnh thực thể, nỗi sợ bị nhiễm bệnh. Dẫn đến nguy cơ tự sát. Kèm theo cảm giác trống rỗng, mất hy vọng.
Triệu chứng phân ly: cảm giác không thật, mơ hồ về bản thân, nhận thức méo mó (ảo tưởng – illussion, giả ảo giác – pseudo-hallucination) do quá mức cảnh giác với môi trường.
Triệu chứng tránh né: là nỗ lực cố gắng thoát khỏi đau thương, một lối thoát cho suy nghĩ, cảm xúc và ký ức đau khổ từ đại dịch.
Triệu chứng tăng hoạt động: biểu hiện với hình thức than phiền về các dịch vụ y tế, kèm theo là rối loạn giấc ngủ, tức giận, cơn bùng nổ cảm xúc, tăng cảnh giác, phản ứng mạnh với kích thích, khó tập trung.
Rối loạn stress cấp – rối loạn thích ứng
Biểu hiện của rối loạn thích ứng (adjustment disorder) bao gồm: cảm giác mệt mỏi, yếu ớt có thể xuất hiện mà rất giống với trạng thái nhiễm virus. Cảm giác uể oải, thiếu sức sống, mất động lực hoạt động. Thích nằm, dễ rơi vào giấc ngủ nhưng cũng dễ thức. Cảm giác chán nản, trống rỗng, mất định hướng trong sinh hoạt. Tình trạng dễ cáu gắt. Chán ăn, thèm ăn nhưng ăn không ngon…
Sự kỳ thị
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã đưa ra lời khuyến cáo và cảnh báo về những vấn đề sức khỏe tâm thần – tâm lý. Điều đầu tiên được nhắc đến là sự kỳ thị. Kế đến là sự sợ hãi và ám ảnh, dẫn đến những niềm tin không phù hợp với khoa học và những đồn đoán sai sự thật. Do đó, giải quyết vấn đề kỳ thị là một trong những ưu tiên hàng đầu đối với các nhà quản lý chăm sóc sức khỏe trong các đợt dịch bệnh.
Rối loạn căng thẳng sau sang chấn (ptsd)
Tình trạng bệnh lý diễn biến cấp tính và biến chứng nguy hiểm như suy hô hấp, tử vong với các bệnh nhân nhiễm COVID-19 là một diễn biến có thể gây sốc với nhiều người. Điều này là một yếu tố gây sang chấn nặng cho chính bệnh nhân, cũng như với thân nhân của họ. Đối với người nhiễm, đó là sự lo sợ đến một nguy cơ biến chứng, tử vong, bị cách ly, bị kỳ thị. Đối người thân của người nhiễm, đó là nỗi lo sợ do chờ đợi nguy cơ có thể xảy ra với bản thân họ, lo sợ về nguy cơ cho người thân bị nhiễm. Sự đau khổ có thể ngay lập tức khi biết về biến chứng ở người nhiễm hoặc có thể là nỗi ám ảnh kéo dài, sự dằn vặt kéo dài về cái chết do biến chứng.
Lạm dụng chất cũng xuất hiện trong bối cảnh này (lạm dụng rượu, thuốc lá, …). Tình trạng bùng phát của dịch bệnh làm niềm tin này dường như lan tràn nhanh chóng và có nguy cơ làm giảm hiệu quả chăm sóc của hệ thống y tế. Điều này là một yếu tố góp phần làm cho chiến dịch chống sự lan tràn của dịch bệnh bị suy giảm.
Tóm lại, các vấn đề về bệnh tâm trí trong đại dịch COVID-19 có thể chia 2 nhóm: tổn thương cấp tính thần kinh, sang chấn cấp và mãn tính, rối loạn lo âu và trầm cảm, cũng như loạn thần và nghiêm trọng là kỳ thị trong cộng đồng. Nghiên cứu về ảnh hưởng bệnh tâm trí trong đại dịch do nhiễm virus vẫn chưa đầy đủ. Chủ yếu vẫn là những mô tả, song vẫn chưa thật sự có bằng chứng tổn thương thật sự liên quan đến nhiễm virus. Mặc dù vậy, vẫn không thể coi nhẹ mà còn phải xem là một trong những vấn đề then chốt cho chiến lược phòng, chống đại dịch COVID-19.
TS. BS. Nguyễn Đức Hoàng, BVTW Huế