Cán bộ y tế kiểm tra tình hình thau vét bọ gậy trong nhà dân có người bệnh sốt xuất huyết
COVID-19 và sốt xuất huyết có các triệu chứng gần giống nhau, nhưng phác đồ điều trị của hai bệnh này hoàn toàn khác nhau. Mắc COVID-19 sẽ gây tổn thương hệ hô hấp và gây suy phổi, gây ra tình trạng loạn máu, tăng đông gây tắc động mạch, tĩnh mạch và mao mạch khiến máu không thể lưu thông tới các cơ quan. Trong khi, sốt xuất huyết lại gây ra tình trạng xuất huyết và sốt ở người bệnh kèm theo các triệu chứng khác, như: đau bụng, chảy máu cam, máu răng, nôn ra máu, đi ngoài phân đen…
Thống kê của Bộ Y tế cũng cho biết, từ ngày 18/2 đến 17/3, cả nước ghi nhận 4.287 trường hợp mắc sốt xuất huyết, trong đó có 2 trường hợp tử vong, tại Bình Dương. Đây là hai trường hợp tử vong do sốt xuất huyết đầu tiên trong năm nay. Đáng lưu ý, Bệnh viện Nhi đồng TP. Hồ Chí Minh mới đây tiếp nhận khoảng 15 trẻ vừa mắc COVID-19 vừa bị sốt xuất huyết. Trong đó, có ca đã trở nặng và cần sự can thiệp chuyên sâu với những triệu chứng trùng nhau, như: sốt cao, khó thở, mệt mỏi… Riêng tại Thừa Thiên Huế, từ đầu năm đến ngày 21/3, toàn tỉnh đã ghi nhận 8 trường hợp sốt xuất huyết. Trong đó, huyện Nam Đông 3 ca, Phong Điền 2 ca và các địa phương gồm: TP. Huế, Quảng Điền, Phú Lộc đã xuất hiện 1 ca.
Triệu chứng phổ biến của sốt xuất huyết là sốt cao liên tục, kéo dài 5-7 ngày, kèm theo đau đầu, đau người, có thể nổi hạch, phát ban, trên người nổi da xung huyết đỏ, đau bụng vùng gan, buồn nôn. Nặng hơn, bệnh nhân có thể xuất huyết chảy máu dưới da, chảy máu cam, chảy máu chân răng. Đa số bệnh nhân sốt xuất huyết thường tự khỏi trong vòng 7 ngày. Tuy nhiên, vẫn có tỷ lệ khoảng 5% bệnh nhân có biểu hiện nặng, nếu không phát hiện và điều trị kịp thời sẽ có nguy cơ tử vong.
Sốt xuất huyết và COVID-19 là hai bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, đều do virus gây ra với một số triệu chứng ban đầu giống nhau, có thể nhầm lẫn như: Sốt, đau đầu, đau mỏi người. PGS.TS. Trần Đắc Phu, cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam (Bộ Y tế) lưu ý: Với trẻ em, do ảnh hưởng của dịch COVID-19 trong hơn hai năm qua, nhiều trẻ bỏ lỡ lịch tiêm chủng nên phải đề phòng bệnh dịch ở trẻ em. Thời điểm sắp vào hè, cần phải cẩn trọng với dịch sốt xuất huyết, tay chân miệng, bệnh đường tiêu hóa hay viêm não… Trong điều kiện cho phép, các bậc phụ huynh nên đưa trẻ đi tiêm chủng đầy đủ.
Để tích cực phòng bệnh cho bản thân, gia đình và mọi người xung quanh, Bộ Y tế khuyến cáo mạnh mẽ người dân thực hiện các biện pháp phòng bệnh sau: Đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng. Hàng tuần thực hiện các biện pháp diệt loăng quăng/bọ gậy, thau rửa dụng cụ chứa nước vừa và nhỏ, lật úp các dụng cụ không chứa nước, thay nước bình hoa. Hàng tuần loại bỏ các vật liệu phế thải, các hốc nước tự nhiên không cho muỗi đẻ trứng. Ngủ màn, mặc quần áo dài phòng muỗi đốt ngay cả ban ngày. Phối hợp với ngành y tế trong các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch. Trong trường hợp người bệnh bị sốt, đến ngay cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị. Không tự ý điều trị tại nhà.
Bài, ảnh: ĐỒNG VĂN