Con số trên 2.600 học sinh THCS trên địa bàn thành phố không đỗ vào các trường trung học phổ thông (THPT) công lập trong kỳ thi vào lớp 10 vừa qua, đã khiến không ít học sinh, phụ huynh buồn và lo lắng.
Hỏng thi vốn là nỗi buồn cố hữu của người đi thi. Đối với phụ huynh, thật không buồn sao được khi con không được vào các trường như mong muốn, hoặc tốn kém chi phí cho con học trường tư thục; hoặc phải rời xa màu áo học trò bước vào trường nghề… Đó là tâm lý chung!
Song, tâm lý này cũng dần phải thay đổi trước yêu cầu của thực tế.
Công bằng mà nói, hầu hết các em không trúng tuyển vào lớp 10 lần này đều có sức học không tốt, nếu có trúng tuyển thì các em vẫn không theo kịp bạn bè, thậm chí đuối sức; lãng phí thêm thời gian, chi phí của 3 năm THPT. Trong lúc, cánh cửa cuộc đời các em chưa hề khép lại. Một trong những cánh cửa rộng mở đó là các trường nghề.
Hiện nay, nhiều doanh nghiệp rất thiếu nguồn nhân lực có tay nghề ở các lĩch vực du lịch, dệt may, thợ máy, thợ điện, chuyền trưởng, kỹ thuật chuyền, kiểm soát chất lượng, kiểm hàng… Tại các ngày hội việc làm – tư vấn tuyển sinh do Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh tổ chức từ đầu năm đến nay, có rất nhiều doanh nghiệp cần tuyển dụng lao động với tổng nhu cầu tuyển dụng lên đến cả vạn người. Và, nhu cầu tuyển dụng này dự báo sẽ còn tăng nữa trong tương lai.
Câu chuyện “thừa thầy, thiếu thợ” vẫn đang nóng trong đời sống kinh tế – xã hội hiện nay. Nhiều sinh viên khi ra trường, cầm tấm bằng cử nhân trên tay nhưng không xin được việc làm; trở thành nạn nhân của những vụ lừa đảo xin việc; nhiều em phải cất giấu tấm bằng tốt nghiệp đại học để trở lại học nghề, hay xin vào may trong các công ty may; hoặc vào làm các công việc không liên quan gì đến bốn năm học đại học, rất lãng phí.
Việc siết chặt tuyển sinh vào lớp 10 công lập cũng như chọn nghề, học nghề sau trung học cơ sở (THCS) nằm trong tinh thần thực hiện Đề án “Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018 – 2025” toàn quốc và Kế hoạch hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018 – 2025 của tỉnh… Theo đó, nhiều ý kiến còn cho rằng, cần tiếp tục siết chặt thêm việc tuyển sinh và đào tạo đại học, để cử nhân ra trường dễ dàng tìm được việc làm, tránh lãng phí thời gian học, kinh phí đào tạo và nguồn nhân lực cho xã hội.
Được biết, Đề án phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao của tỉnh giai đoạn 2021-2025, định hướng đến 2030; trong đó, có quy hoạch, phát triển hệ thống giáo dục nghề nghiệp theo hướng mở, linh hoạt, liên thông, ưu tiên các ngành, nghề trọng điểm; chú trọng đầu tư xây dựng từ 1- 2 trường cao đẳng chất lượng cao, nâng cao năng lực và chất lượng các cơ sở đào tạo nghề, đưa hệ thống giáo dục nghề nghiệp đủ năng lực đào tạo bình quân hàng năm khoảng 16.000-18.000 người…
Cùng với đó, các trường nghề phải không ngừng nỗ lực đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, nâng cao chất lượng đào tạo, đa dạng hóa ngành nghề, nhằm đáp ứng nhu cầu lao động của xã hội nói chung và các doanh nghiệp nói riêng. Đây cũng là yêu cầu cần thiết để đảm bảo uy tín của trường nghề, thu hút học viên. Và khi đó, việc học sinh thi hỏng lớp 10 đi học nghề sẽ là chuyện bình thường trong đời sống xã hội.
ĐẶNG THÀNH