Trò đu tiên đã được phục hồi trở lại ở một số địa phương trong tỉnh Thừa Thiên Huế vào những ngày Tết cổ truyền (ảnh minh họa). Ảnh: MC
Vai trò của con người xứ Huế
Tại Hội thảo khoa học có chủ đề “Phát triển văn hóa, con người Huế theo tinh thần Nghị quyết số 54-NQ/TW của Bộ Chính trị”, GS.TS. Nguyễn Xuân Thắng nhấn mạnh, cần nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò về giá trị văn hóa, sức mạnh con người trong phát triển Thừa Thiên Huế; con người xứ Huế là nguồn nội lực nội sinh quan trọng nhất để hiện thực hóa khát vọng phát triển. Với góc nhìn từ người dân đối với bối cảnh Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, cần thiết có sự đồng thuận, chung tay của người dân xứ Huế đối với bảo tồn di sản, định hình đặc trưng văn hóa, cùng xây dựng môi trường xanh, sạch, đẹp, thân thiện từ đó làm động lực phát triển kinh tế – xã hội theo hướng bền vững có bản sắc riêng, tạo giá trị lan tỏa sang các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, quản trị của chính quyền, hình thành xứ Huế giàu về vật chất, tinh thần, xứ sở hạnh phúc.
Nghị quyết số 54 đã chỉ rõ hạn chế, yếu kém của tỉnh Thừa Thiên Huế là phát triển kinh tế chưa tương xứng tiềm năng, lợi thế; hệ thống đô thị phát triển chậm; chưa thể hiện rõ bản sắc của Thừa Thiên Huế. Nguyên nhân chủ quan được đưa ra là nhận thức giá trị văn hóa của cán bộ, đảng viên còn hạn chế; chưa thấy rõ mối quan hệ giữa văn hóa và kinh tế.
Các giải pháp đề ra trong Nghị quyết 54 có đề cập đến gắn phát triển kinh tế với phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, đảm bảo mọi người dân của Thừa Thiên Huế được tiếp cận bình đẳng, thuận lợi, đầy đủ với chất lượng ngày càng cao các dịch vụ công thiết yếu. Từ đó có thể nhận định, yếu tố con người đã được đề cập nhiều trong chương trình phát triển dài hạn của tỉnh Thừa Thiên Huế với nội dung nâng cao chất lượng sống của người dân Huế. Tuy nhiên, trong giải pháp đề cập thì vai trò của người dân là nội lực mạnh, là yếu tố quan trọng cần được khuyến khích tham gia vào công cuộc xây dựng tỉnh Thừa Thiên Huế giàu mạnh chưa được làm rõ, định hướng xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc của người dân chưa được hiểu đầy đủ ý nghĩa mang lại cho phát triển kinh tế xã hội.
Chỉ số hạnh phúc
Bản sắc văn hóa, con người Huế hiện vẫn còn mang tính trừu tượng và chưa có tính kết nối với phát triển kinh tế – xã hội nên dẫn đến tình trạng Huế nhìn thấy tiềm năng ở rất nhiều ngành nghề, nhưng hiệu quả kinh tế rất thấp, đóng góp của người dân Huế vào phát triển kinh tế chưa đo lường rõ ràng. Vậy người dân Huế có cảm thấy hài lòng với định hướng phát triển kinh tế hiện nay hay không cần được đo lường để có định hướng phát triển bền vững. Chỉ số hạnh phúc là đánh giá mức độ hài lòng của người dân đối với điều kiện sống của họ dựa trên một số tiêu chuẩn nhất định gồm: mức sống của người dân, tình trạng sức khỏe, thành tựu trong cuộc sống, mối quan hệ giữa các cá nhân, tình trạng an toàn; mở rộng ra là tình hình kinh tế, điều kiện môi trường tự nhiên, xã hội, an ninh quốc phòng.
Nhìn trên tiêu chuẩn đánh giá và thực trạng, người dân Huế tuy có mức thu nhập thuộc dạng thấp so với các thành phố trực thuộc Trung ương khác, nhưng đổi lại giá cả chi tiêu thấp cuộc sống vật chất tương đối đầy đủ; người dân được tận hưởng môi trường không khí sạch, cơ sở y tế tốt; mối quan hệ giữa người và người chan hòa, thân thiện; an ninh, an toàn là cơ sở để định hướng bản sắc của người dân Huế theo hướng riêng với mức độ hài lòng cao của người dân về cuộc sống hay phát triển kinh tế, không chạy theo thành tích cao mà phát triển bển vững theo triết lý bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa Huế.
Quá trình lịch sử phát triển của các quốc gia trên thế giới và Việt Nam đã minh chứng rằng, đất nước phồn thịnh cần dựa trên thuận theo tự nhiên và hợp lòng dân. Do đó, về định hướng dài hạn, cần xây dựng phát triển kinh tế dựa trên nội lực là người dân Huế, chúng ta cần hướng đến chất lượng cuộc sống tốt, hạnh phúc dựa trên bản sắc riêng. Từ đó, thứ nhất, tỉnh cần định hình rõ ràng định hướng phát triển các ngành nghề kinh tế phù hợp mang hướng bảo tồn, xanh, thân thiện môi trường và hướng đến xã hội hạnh phúc. Thứ hai, định hình rõ ràng bản sắc văn hóa Huế, con người Huế và tạo mối liên kết chặt chẽ giữa con người và phát triển kinh tế, tạo nguồn nội lực mạnh mẽ cùng hướng đến các mục tiêu lớn thành phố trực thuộc Trung ương.
Để đạt được mục tiêu to lớn, tỉnh Thừa Thiên Huế cần đặt trọng tâm rõ ràng về sự hài lòng của người dân xứ Huế, và khuyến khích người dân Huế có cùng chung quan điểm, chí hướng và chung tay phát triển thành phố Huế trực thuộc Trung ương mang bản sắc văn hóa Huế và người dân ngày càng hạnh phúc hơn.
Quốc Anh
(Viện Nghiên cứu phát triển Thừa Thiên Huế)