Khi hột lúa đã khô khén, vô bồ hay cất lên tra, nghĩa là mùa thu hoạch lúa đã xong xuôi. Mưa bắt đầu trút xuống từng cơn nặng hạt trước sân nhà. Lũ bí, bầu, mướp ngọt, mướp đắng sau một mùa hè phủ xanh hàng rào và cho người bao nhiêu là quả cũng đã khô dây sót lại vài chiếc lá khô vàng để bầy ong bay qua tiếc ngẩn ngơ…
Ba nói, ngày mai trời tạnh ráo thì xẻ rồn. Rồn chính là hàng rào của mỗi nhà ở quê tôi. Nói cách khác đó là một hàng rào mềm và xanh ngăn cách mỗi nhà với nhau cũng như với đường xóm với chè tàu, tre hóp và đủ loại cây dại mọc hoang. Tất nhiên những loài cây đó sẽ không cao lớn được mà chỉ được giới hạn với chiều cao của rồn, khoảng bằng chiều cao của một đứa con nít…
Rồn nhà chính là chốn của lũ con nít chúng tôi chơi trốn tìm, chơi đi lính bởi đó có những bụi cây để chúng tôi lủi vào ẩn nấp và cười khúc khích với nhau. Rồn cũng là nơi chúng tôi hái mấy chùm bong bong chơi đồ hàng… Và khi đến mùa trái chín, rồn cho chúng tôi những trái dại từ trái muồng chuộng khi chín tím đen ăn vô có vị ngọt thanh…
Mỗi năm, ba tôi xẻ rồn vài ba lần thường là sau mùa vụ hay trước tết. Ba cầm cây rựa đứng rồi đi song song với rồn rồi phứt rựa lên từng nhát một xẻ những nhánh cây mọc ra đường đi, ra vườn. Anh em chúng tôi đi sau ba cào và quét những nhánh cây rơi vãi lung tung sau từng nhát rựa của ba.
Mỗi lần ba xẻ rồn đã mang lại rất nhiều niềm vui cho mấy đứa con trẻ chúng tôi. Ví như một trái banh nhựa bị đá lạc vô rồn trong một trận banh một buổi chiều hè chập choạng nào đó tìm mãi chẳng ra chừ bỗng hiện ra.
Rồi một chú cóc xù xì lâu nay núp trong rồn nghiến răng kêu mưa chừ cũng nhảy ra mắt trừng trừng rồi lại nhảy đi tìm một chỗ ẩn nấp mới. Cũng có khi ba xẻ rồn gặp ngay một cái tổ cuốc nhưng chúng lại nhanh chân chạy trốn. Riêng với loài chim này thì ba cấm chúng tôi bắt, bởi theo lời ba con chim cuốc thân thiết với đời sống nhà nông, tiếng kêu của nó nghe thương lắm!
Mà xẻ rồn không chỉ là niềm vui của mấy đứa con nít mà còn một bữa no của lũ gà vịt khi chúng tha hồ lượm bao nhiêu là giun là dế là chuồn chuồn…Chúng tôi cào quét rác đến đâu, đàn gà vịt xông tới chỗ đó, chúc sục mỏ, bới đất tìm mồi trông thật thú vị… Tôi vẫn còn nhớ cảm giác mới mẻ của ngày đầu thu khi ba xẻ xong bốn phía rồn nhà. Khi đó mảnh vườn nhỏ của nhà tôi như rộng ra như được mặc áo mới. Rồi chỉ cần qua một đêm, sáng mai ra lũ lan đất líu ríu nở những nụ hồng. Rồn nhà đã có hoa…
Rồi qua mùa nông nhàn, khi cơn gió bấc mang giá rét về trong độ cuối năm, cũng là những ngày chuẩn bị bước vào vụ cấy. Nhưng trước khi cày bừa thì phải xẻ bờ, dọn ruộng. Nếu như dụng cụ xẻ rồn là cái rựa thì xẻ bờ là một dụng cụ khác: cái náp. Nhà nông thì nhà nào cũng phải rèn một cái náp để xẻ bờ. Không như cái rựa đầu lưỡi uốn cong lại, cái náp dài hơn và đầu nhọn. Người nông dân cầm náp, chân trước chân sau, thẳng lưng xẻ những đường náp mạnh và thẳng xuống hai bên bờ ruộng. Cỏ dại bò lung tung xuống mặt ruộng bị phắng đứt nhanh chóng. Những bờ ruộng bày ra một lớp đất màu nâu nhì thẳng thớm và sạch sẽ. Cá cua ếch nhái cũng nhảy, bò ra khỏi hang hốc tìm nơi trú ẩn mới.
Xẻ bờ đó là công việc đầu tiên bắt đầu cho một vụ lúa mới. Đó là cách để người làm nông diệt sâu bệnh hại lúa mà nói như ngôn ngữ của ngành nông nghiệp là vệ sinh đồng ruộng. Khi lúa lên xanh, đến kỳ làm cỏ, người làm nông lại xẻ bờ thêm một lần nữa…
Những bờ cỏ xanh chạy quanh những thửa ruộng, cỏ mềm dưới chân tuổi thơ làng quê. Mùa xẻ bờ, cỏ hăng mùi bùn nhưng đến mùa lúa chín thì nghe như cỏ cũng có hương thơm. Tuổi thơ nông thôn, bờ cỏ lúa chạy dài không hết đến bây chừ nhớ lại cứ như là một bờ xanh cổ tích..
Phi Tân