Đã lâu rồi, hôm nay chị mới có dịp về quê thăm bố mẹ. Chị là con út của bác họ tôi theo chồng ra Bắc lập nghiệp. Có công việc nên tôi ghé nhà bác, nhân tiện thăm chị vì lâu rồi chị em không gặp nhau. Biết tôi cũng thích uống trà nên bác lấy bộ ấm chén để trong tủ kính pha trà móc câu loại thượng hạng mà chị mang vào. Bộ ấm trà có in hình phong cảnh làng quê với những nét chấm phá trông khá đẹp. Do đau lưng nên bác về phòng nằm nghỉ để hai chị em chuyện trò. Sống trong căn nhà cấp bốn nóng nực, chật hẹp nhưng bác chưa có điều kiện để xây dựng, sửa chữa lại. Bác gái đã mất từ lâu. Chưa kịp hỏi thăm gì nhiều thì tôi được nghe chị kể về cuộc sống, cách tiêu xài, mua sắm của gia đình chị. Công việc làm ăn của chị cũng thuận lợi nên cuộc sống cũng khá giả.
Lần này chị mang theo cả hai đứa con về thăm ngoại. Cháu sau là con trai chưa tới bốn tuổi khá hiếu động, chạy nhảy, la hét vang nhà, lúc thì đòi mẹ mua cái này, mẹ mua cái kia. Mỗi lần như vậy chị lại hứa hẹn với con. Nhìn cháu bụ bẫm tôi khen chị khéo nuôi con. Vừa dứt lời, chị kể một lèo từ việc thuê người chăm sóc, người dạy, đến các loại sữa, thuốc bổ đắt tiền, bữa ăn hàng ngày cho con; những dự định sắp tới vào lớp một sẽ lựa chọn cho con học trường quốc tế, lớn lên sẽ cho đi du học nước này, nước nọ.
Con gái đầu của chị đang học cấp hai, ngoài chi phí ăn uống, sắm sửa, mỗi tháng cũng tốn khá nhiều tiền cho việc học này, học kia. Lịch học của cháu dày đặc. Chị diễn giải để con phát triển, thông minh thì phải làm thế này, thế kia như là “chuyên gia” đang “lên lớp” cho tôi về giáo dục, về dinh dưỡng. Tôi chợt nghĩ hay là mình đã “lỗi thời” về cách nuôi con, dạy con, rồi lại nghĩ đến điều kiện, môi trường, hoàn cảnh, rồi cách sống, sinh hoạt mỗi người cũng khác nhau nên rất khó và không thể “theo” chị. Còn cháu bé hình như đã chán các loại đồ chơi nên tìm kiếm cái này, lục lọi cái kia, rồi quay sang nghịch bộ ấm chén làm nước chảy ra cả bàn. Thấy vậy nhưng chị chẳng nói gì, còn tôi thì lo cho cháu làm vỡ nên đẩy bộ ấm chén vào sát vách tường.
Tôi giật mình khi nghe tiếng vỡ của chén trà mà cháu bé tuột tay rớt xuống sàn nhà làm nước ướt cả người chị và mảnh sành văng khắp nơi. Cũng may là cháu không bị gì. Bác tôi từ phòng ngủ bước tới, đeo kính lượm từng mảnh vỡ, mảnh vụn cho vào thùng rác, dùng chổi quét, lấy khăn lau khô nước rồi lặng lẽ trở về phòng. Nhìn quanh nhà ngổn ngang toàn là đồ chơi điện tử hiện đại, nào là máy bay, xe ô tô, tàu lửa… đến các loại rô – bốt với đèn chớp tắt xanh, đỏ, tím, vàng và cả máy tính bảng để cháu chơi các trò chơi mà chị mua cách đây mấy hôm. Nghe nói ở nhà chị, cháu có bốn, năm thùng đồ chơi.
Cháu bé lại tiếp tục mân mê những cái cốc khác. Chị vẫn thản nhiên như không hề hay biết. Rồi cái cốc thứ hai của bộ ấm chén cũng không còn nguyên vẹn vì cháu gõ mạnh vào thành ghế sa – lông làm cái quai bị sứt lìa. Lần này thì ngón tay cháu cũng bị xây xước. Thấy vậy, chị ôm con vào lòng xuýt xoa: “Tại bộ ấm chén này nên cục cưng mẹ bị đau”. Chỉ chờ vậy là cháu bé liền khóc òa lên. Chị dỗ dành con, rồi nói to: “Bộ ấm chén này xấu và cũ quá rồi, quẳng đi là vừa”. Tôi định nói điều gì đó với chị nhưng cảm thấy không tiện nên lại thôi. Nghe đâu, bộ ấm chén trà là món quà của một người bạn thân tặng trong ngày cưới của bác mà qua biết bao năm tháng bác vẫn giữ lành lặn cho đến bây giờ.
Tiễn tôi ra cổng, bồng con trên tay chị cười tươi. Còn bác tôi vẻ mặt đăm chiêu, đượm buồn.
LINH THIỆN