Bình đẳng giới là yếu tố quan trọng gìn giữ giá trị văn hóa gia đình

Việc lựa chọn những giá trị gia đình để vun đắp, vừa giữ được bản sắc văn hóa, vừa phù hợp với xu thế hội nhập có ý nghĩa quan trọng, mà phụ nữ chính là nhân tố cơ bản quyết định sự thay đổi.

Sứ mệnh vun đắp giá trị gia đình

Phụ nữ Việt Nam có quyền bình đẳng với nam giới về các mặt sinh hoạt chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội và gia đình.Ảnh minh hoạ: Thanh Tùng/TTXVN

Có thể thấy, trong dòng chảy văn minh nhân loại, dù ở thời kỳ chiến tranh hay hòa bình, dù thịnh vượng hay nghèo khổ, gia đình luôn có vai trò đặc biệt quan trọng với mỗi cá nhân và xã hội. Các văn kiện, nghị quyết, chính sách của Đảng và Nhà nước luôn khẳng định, sự ổn định của gia đình chính là một trong những nhân tố quyết định sự thành công của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và xây dựng chủ nghĩa xã hội của Việt Nam.

Chỉ thị 06-CT/TW ngày 24/6/2021 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác xây dựng gia đình trong tình hình mới, xác định gia đình là tế bào của xã hội, là nơi duy trì nòi giống, là môi trường quan trọng hình thành, nuôi dưỡng và giáo dục nhân cách con người, bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống tốt đẹp, chống lại các tệ nạn xã hội, tạo nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Gia đình là một trong những nhân tố quan trọng quyết định sự phát triển bền vững đất nước và việc xây dựng, phát triển hệ giá trị gia đình Việt Nam trong thời kỳ mới là một trong những yêu cầu trọng tâm.

Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Hà Thị Nga khẳng định, việc xác định giải pháp thực tiễn để vun đắp giá trị gia đình Việt Nam trong thời kỳ mới là hết sức cần thiết, là trách nhiệm của hội viên, phụ nữ và sứ mệnh của tổ chức Hội. Ở thời đại nào, văn hóa gia đình cũng là nền tảng cho văn hóa xã hội, bởi vậy, văn hóa gia đình là một bộ phận, là cái “gốc” của văn hóa làng, văn hóa nước. Văn hóa gia đình cần “xây dựng trên nền tảng nhân văn, đề cao các giá trị đạo đức, nền nếp, kỷ cương một cách tự giác, nuôi dưỡng tâm hồn, rèn giũa phẩm chất, hình thành nhân cách con người. Gia đình tốt sẽ sinh ra những con người tốt, là đảm bảo cho một xã hội tiến bộ, văn minh, đất nước phát triển bền vững”.

Với tư cách là người mẹ, người thầy đầu tiên, người trao truyền văn hóa, giữ vững “nếp nhà”, người phụ nữ sẽ tiếp tục phát huy vai trò của mình trong gìn giữ nếp sống văn minh trong gia đình. Nhận thức được điều này, trong nhiều năm qua, Hội phụ nữ các cấp đã tích cực triển khai các hoạt động tuyên truyền, giáo dục, nâng cao trình độ phụ nữ, xây dựng người phụ nữ Việt Nam thanh lịch, văn minh, gắn xây dựng gia đình văn minh với cuộc vận động xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch.

Theo Tiến sĩ Nguyễn Thị Như Huế (Học viện Báo chí và Tuyên truyền), kinh tế gia đình phát triển vững chắc tạo ra những bước đột phá trong việc nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của các gia đình. Gia đình khá giả, vững mạnh về kinh tế trước hết sẽ bớt cho đất nước một gánh nặng, là tiền đề đầu tiên cơ bản và đột phá trên con đường xây dựng gia đình văn hóa mới với chuẩn mực: ấm no, dân chủ, bình đẳng và tiến bộ.

Nhiều năm qua, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đã triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, khởi nghiệp, giúp phụ nữ thoát nghèo, ổn định cuộc sống, đầu tư giáo dục cho con cái… Thực tiễn cho thấy, chăm lo hỗ trợ vốn, giải quyết việc làm, đảm bảo sinh kế bền vững cho phụ nữ là giải pháp thiết thực để xây dựng gia đình no ấm, hạnh phúc.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Quốc Toản (Hội đồng Lý luận Trung ương) cho rằng, cần thực hiện trách nhiệm của mình với xã hội trong xây dựng lực lượng công dân tương lai, vì vậy, việc chia sẻ trách nhiệm giữa các thành viên trong xây dựng và duy trì gia đình là rất quan trọng. Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Quốc Toản, gia đình là nơi con người được nuôi dưỡng, trưởng thành, và cũng chính là nơi con người thể hiện trách nhiệm đầu tiên trước khi hoàn thành trách nhiệm với xã hội, với cộng đồng. Người không hoàn thành trách nhiệm với chính bản thân mình, với gia đình mình thì khó có thể gánh vác trách nhiệm với cộng đồng, xã hội.

Các nhà khoa học khẳng định, vai trò của phụ nữ trong giáo dục gia đình hiện nay đã rất khác so với ngày xưa và cần sự tác động của phụ nữ để các thành viên cùng tham gia vào giáo dục gia đình. Điều quan trọng nhất là làm sao biến giáo dục thành tự giáo dục của các thành viên trong gia đình, để tự nâng tầm phụ nữ lên.

Bình đẳng giới là yếu tố gìn giữ hạnh phúc gia đình

Nhấn mạnh sự bình đẳng và tiến bộ trong gia đình hiện đại, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Minh Thi – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới, Tổng Biên tập Tạp chí Nghiên cứu Gia đình và Giới, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam cho rằng, đây là một tiêu chí cần quan tâm trong xây dựng gia đình hạnh phúc. Bà Nguyễn Thị Minh Thi chia sẻ, gia đình Việt Nam, một mặt bảo lưu những giá trị đạo đức truyền thống, đồng thời ngày càng tiếp thu các giá trị hiện đại tiến bộ, trong đó phải kể đến mô hình vợ – chồng cùng đóng góp kinh tế. Điều này cho thấy gia đình Việt Nam đang thích ứng với sự thay đổi của xã hội hiện đại, ủng hộ bình đẳng giới trong quan hệ vợ chồng.

Tuy nhiên, công tác bình đẳng giới trong gia đình vẫn còn nhiều bất cập. Theo thống kê của Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội, việc phân biệt đối xử theo giới tính trong gia đình vẫn phổ biến, quyền năng kinh tế của phụ nữ còn thấp so với nam giới, tình trạng bạo lực trên cơ sở giới còn tồn tại dai dẳng. Các số liệu điều tra, nghiên cứu gần đây cho thấy mức độ định kiến giới ở nước ta hiện nay vẫn còn rất nặng nề, đến từ chính người phụ nữ, chẳng hạn như: 30% phụ nữ tin rằng nam giới phải là người ra quyết định và là chủ gia đình. Số liệu thống kê cũng cho thấy thời gian làm việc nhà của phụ nữ cao gấp 2,1 lần so với nam giới, trong khi thời gian làm việc xã hội gần như nhau.

Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố Hà Nội Lê Thị Thiên Hương cho biết: Thời gian qua, Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố Hà Nội luôn xác định công tác gia đình là một trong những nhiệm vụ trọng tâm xuyên suốt, bởi vậy, các phong trào thi đua, cuộc vận động, chương trình, đề án của Hội đều hướng tới hỗ trợ phụ nữ xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc. Công tác phòng, chống bạo lực gia đình, xâm hại phụ nữ trẻ em, đảm bảo an toàn cho phụ nữ và trẻ em từ trong gia đình được chú trọng. Hoạt động hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế gia đình đạt được hiệu quả tốt, góp phần quan trọng nâng cao chất lượng cuộc sống, chăm lo lợi ích thiết thực cho hội viên, phụ nữ.

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Minh Thi, bình đẳng là một trong những yếu tố quan trọng để giữ gìn hạnh phúc gia đình, giúp các thành viên gắn kết với nhau thông qua các công việc chung hằng ngày trong gia đình. Phụ nữ Việt Nam đang có xu hướng giải phóng tư tưởng khá mạnh mẽ, có nhiều quan điểm hiện đại và cởi mở về hôn nhân và gia đình, thoát ly khỏi những định kiến giới. Bình đẳng giới là một chỉ báo quan trọng của hiện đại hóa và tiến bộ trong gia đình theo hướng hai vợ chồng cùng tham gia đóng góp kinh tế, chi tiêu, quyết định các việc trong gia đình.

Có thể thấy, trong hôn nhân và gia đình, đã có những dấu hiệu đáng mừng đánh dấu sự thể hiện vai trò cùng làm chủ gia đình của người phụ nữ, bước đầu khẳng định sự tồn tại của bình đẳng giới trong gia đình, cho dù sự biến đổi này diễn ra chưa mạnh và đồng đều ở tất cả các loại hình công việc và các nhóm xã hội…

Theo Tin tức TTXVN

About Huế

Bài viết được đăng từ nguồn: Báo Thừa Thiên Huế online

Check Also

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vui mừng khi người dân tái định cư Hương Sơ ổn định cuộc sống

Ngay sau đó, Thủ tướng cũng đã thăm Bảo tàng Cổ vật cung đình Huế …