Biển gọi…

Chương trình hoạt động Đua thuyền truyền thống trong kỷ niệm 15 năm vịnh Lăng Cô – Vịnh đẹp thế giới, cùng với các hoạt động du lịch biển khác ở Thừa Thiên Huế, đang tạo ra sức hút lớn với du khách và nhà đầu tư. Tuy nhiên, cần có đầu tư mạnh mẽ từ phía chính quyền để phát triển hạ tầng và khai thác hiệu quả tiềm năng du lịch của vùng đất này.


Đua thuyền truyền thống – hoạt động quen thuộc trong chuỗi chương trình kỷ niệm 15 năm Vịnh Lăng Cô – một trong những vịnh đẹp nhất thế giới. Trước đó, vào dịp kỷ niệm chiến thắng 30 tháng 4, chương trình “Thuận An Biển gọi 2024” đã được khai mạc. Tháng 6 tới sẽ là Ngày hội Sóng nước Tam Giang năm 2024 với nhiều hoạt động đặc sắc của vùng quê sông nước Quảng Điền.

Chưa kể, hàng chục điểm du lịch biển ở Thừa Thiên Huế cũng đồng loạt khai hội khi bước sang mùa hè với Vinh Thanh, Vinh Hiền, Điền Lộc, Quảng Ngạn, Quảng Công… Thừa Thiên Huế đang ở trong thời điểm “biển gọi”. Bãi biển nhiều và đẹp với sắc màu phong phú, nhưng dễ dàng cảm nhận ở Thừa Thiên Huế đó là biển “nghèo” và chưa có sự phát triển tương xứng.

Ngay cả Thuận An cũng mới chỉ là bãi tắm chủ yếu dành cho người dân địa phương, chưa phải là điểm đến du lịch thực sự có tầm vóc khi so sánh với các địa phương khác. Một cảm giác tiếc nuối khi được tắm biển trong lành, đắm mình trong khung cảnh nên thơ tuyệt vời và thưởng thức những đặc sản khó nơi nào có được ở Hàm Rồng (Vinh Hiền), hay Tân Mỹ (Quảng Ngạn) khi những bãi biển này đến nay vẫn mới dừng lại là tiềm năng, chưa có được những sự đầu tư cần thiết để có sự mở rộng và phát triển.

Nhân bàn về sự đầu tư cho phát triển, tôi lại nghĩ đến Lăng Cô. Nhiều người bạn của tôi đã bày tỏ sự ngạc nhiên khi bãi biển công cộng này có diện tích nhỏ và nằm ở vị trí khiêm tốn. Tìm hiểu kỹ mới hay, cách nay hàng chục năm về trước, việc phân lô bán cho các chủ đầu tư đã được tiến hành. Trong quy hoạch đã không dành ra quỹ đất để làm những con đường ra biển, mà liền kề. Bởi vậy, những bãi tắm ở vị trí đắc địa đã trở thành “tài sản riêng” của những ông chủ các khu nghỉ dưỡng. Nó khác với nhiều bãi biển đẹp và đang thu hút hiện nay ở nhiều nơi trong cả nước. Tiềm năng du lịch ở Lăng Cô, do thế, chưa được phát huy.

Là thành viên thứ 30 của Câu lạc bộ Vịnh đẹp thế giới (Worldbays Club), Lăng Cô thu hút lượng lớn khách du lịch đến tham quan, nghỉ dưỡng, góp phần phát triển du lịch của Thừa Thiên Huế. Cùng với Chân Mây, Lăng Cô đã trở thành điểm đến yêu thích của các nhà đầu tư kinh doanh du lịch dịch vụ trong nước và quốc tế với nhiều dự án có quy mô lớn đã và đang được tiến hành xây dựng. Đã có chuyển biến đáng ghi nhận trong 15 năm qua trong đầu tư phát triển mạnh cơ sở hạ tầng, kết hợp với đầu tư phát triển. Thế nhưng, theo đánh giá chung, so với nhiều vịnh đẹp khác ở Việt Nam, ở đây vẫn thiếu những đầu tư mang tính đột phá trong khai thác, phát huy giá trị vịnh đẹp một cách hiệu quả và bền vững. Cũng phải thấy rằng, thời gian qua, mặc dù qua các kỳ Festival Huế, Thừa Thiên Huế đều cố gắng tổ chức các tour du lịch tham quan đầm phá, ngắm “mặt trời mọc” từ bãi biển Lăng Cô, kết hợp với việc tổ chức các lễ hội “Thuận An biển gọi”, “Lăng Cô huyền thoại biển” để thu hút khách du lịch. Nhưng tình trạng chung là xong lễ hội, khách cũng thưa vắng theo. Các bãi biển nổi tiếng khác như Cảnh Dương, Tư Hiền… đều hình thành một cách tự phát, các dịch vụ tại chỗ đều do người dân địa phương tự tổ chức, chất lượng không ổn định và thiếu tính chuyên nghiệp nên khó thu hút được khách du lịch, nhất là người nước ngoài. Không phải ngẫu nhiên mà trong quy hoạch phát triển kinh tế – xã hội, Thừa Thiên Huế đang dồn sức hướng về phía biển và kinh tế du lịch đang được lựa chọn làm mũi nhọn phát triển trong cơ cấu kinh tế địa phương.

Con số 128km đường bờ biển chạy dọc từ Bắc vào Nam, trong đó có nhiều bãi biển đẹp nổi tiếng là ước mơ của nhiều địa phương. Một thời bị chia cắt nhưng với chiếc cầu hiện đại đã được bắc qua như Thuận An hay Tư Hiền; đặc biệt, cầu vượt biển nối Hải Dương và Thuận An chuẩn bị hợp long, thế cô lập sẽ bị phá vỡ và đó là cơ hội để kết nối và phát triển du lịch biển ở Thừa Thiên Huế. Thu hút được những nhà đầu tư về du lịch đến để khai thác những dịch vụ, nâng chuẩn chất lượng du lịch biển là điều bắt buộc. Nhưng cơ chế, chính sách phù hợp, cùng với quy hoạch tốt được cho là hai yếu tố có thể giúp Thừa Thiên Huế sớm thu hút được các nhà đầu tư xứng tầm. Cùng với sớm triển khai tuyến đường ven biển, kết nối từ Hải Dương sang Thuận An, liên thông các địa phương ven biển là đầu tư xứng tầm những tuyến đường kết nối từ trung tâm thành phố Huế về đến biển. Hạ tầng kết nối tốt là điều kiện cần để các nhà đầu tư đến Huế. Điều này, trước tiên đòi hỏi sự đầu tư từ phía Nhà nước.

Nguồn thông tin được tham khảo từ: baothuathienhue
Nội dung được biên tập, sáng tạo thêm bởi: thuathienhue_org

About Nhóm biên tập Thừa Thiên Huế

Check Also

CUNG TÀU ĐẸP NHẤT VIỆT NAM, ĐÀ NẴNG-HUẾ

Theo tàu hoả du lịch Huế – Đà Nẵng ‘kết nối di sản miền Trung’ …