Cần phát triển sổ Đoàn như hộ chiếu điện tử của thanh niên
Tôi rất phấn khởi khi được đối thoại với Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn, và tôi có nhiều câu hỏi muốn gửi đến anh.
Nguyễn Khánh Tùng (Chủ tịch Hội Sinh viên Trường ĐH Sư phạm TP.HCM)
Thưa anh, trong bối cảnh thời đại của chuyển đối số hiện nay, Đoàn thanh niên cần tiên phong và thể hiện những vai trò gì trong việc cùng thực hiện và thúc đẩy sự phát triển của đề án chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 – 2025? Chuyển đổi số trong công tác Đoàn ở cấp chi đoàn và cơ sở cần triển khai theo định hướng nào để thích ứng linh hoạt với cuộc sống hiện nay?
Một vấn đề mà tôi và nhiều bạn trẻ khác cũng rất quan tâm đó là trước những tác động của đại dịch Covid-19, sức khỏe, tâm sinh lý của một số bộ phận đoàn viên, thanh niên bị ảnh hưởng và có xu hướng thay đổi đáng kể. Đoàn thanh niên trong thời gian sắp tới cần tổ chức thực hiện những hoạt động hoặc phong trào gì để đồng hành, hỗ trợ và chăm sóc sức khỏe tâm thần cho thanh niên?
Hiện nay là thời đại của công nghệ thông tin, nhưng điều này lại dẫn đến công tác tập hợp thanh niên, giáo dục lý tưởng cách mạng qua không gian mạng và các nền tảng xã hội đang là một bài toán lớn đối với các cấp bộ Đoàn. Theo anh, trong nhiệm kỳ XII, đâu sẽ là định hướng cho cán bộ Đoàn để kết nối đoàn viên, thanh niên trên nền tảng trực tuyến?
Tôi cũng có đề xuất là nên chăng T.Ư Đoàn cần phát triển sổ Đoàn như một cuốn hộ chiếu điện tử của thanh niên trong nhiệm kỳ XII sắp tới.
Nhiều kiến nghị mong được tháo gỡ
Phạm Minh Tâm (Phó bí thư Huyện đoàn Nhà Bè, TP.HCM)
Theo Quy định 57-QĐ/TW năm 2022 của Ban Tổ chức T.Ư về đối tượng và tiêu chuẩn học cao cấp, trung cấp và sơ cấp lý luận chính trị, trong đó yêu cầu người học trung cấp chính trị là đảng viên dự bị hoặc chính thức, cán bộ học hệ không tập trung thì nữ từ 33 tuổi, nam từ 35 tuổi trở lên, điều này đang ảnh hưởng không nhỏ đến yêu cầu chuẩn hóa lý luận chính trị cán bộ Đoàn các cấp, cũng như công tác quy hoạch cán bộ Đoàn sau trưởng thành. Kiến nghị Ban Bí thư T.Ư Đoàn nghiên cứu đề xuất Ban Tổ chức T.Ư tham mưu có chính sách đào tạo lý luận chính trị cụ thể dành cho đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác Đoàn thanh niên.
Một thực tế nữa là hiện nay các quy định về chế độ tuyển dụng, sử dụng công chức quy định ngày càng chặt chẽ, song việc bố trí đầu ra của đội ngũ Bí thư, Phó bí thư Đoàn xã, phường, thị trấn sau trưởng thành Đoàn còn nhiều khó khăn. Nhiều cán bộ với vai trò là Trưởng tổ chức chính trị – xã hội ở xã, phường, thị trấn từ đủ 60 tháng trở lên vẫn gặp nhiều khó khăn trong thủ tục chuyển thành công chức cấp huyện, dù đáp ứng các yêu cầu về năng lực, trình độ chuyên môn và lý luận chính trị. Kiến nghị T.Ư Đoàn xem xét, có đề xuất tham mưu hỗ trợ tháo gỡ trong thời gian tới.
Lắng nghe tiếng nói người trẻ
Phạm Thị Phương Mai (Chủ nhiệm CLB Lý luận trẻ Trường ĐH Sài Gòn)
Thời gian gần đây, cụm từ “thế hệ gen Z” đang được sử dụng một cách rộng rãi trong giới trẻ. Là một thế hệ năng động, các bạn luôn tìm cách xây dựng giá trị bản thân cũng như khẳng định tiếng nói của mình. Trong quá trình phát triển đó, tùy vào cá tính riêng của mỗi bạn sẽ có những góc nhìn khác nhau về các vấn đề xã hội. Do đó, cần một nơi để các bạn có thể mạnh dạn bộc lộ quan điểm của bản thân, thỏa sức bày tỏ góc nhìn của mình.
Hiện nay, mô hình CLB Lý luận trẻ đang được triển khai rất tốt ở môi trường đại học, học viện. Tham gia mô hình này, các bạn sẽ được trau dồi về khả năng lý luận, lập luận, sự tự tin trình bày trước đám đông. Và hơn hết, các bạn có thể bày tỏ suy nghĩ, nhận xét của bản thân đối với những vấn đề giới trẻ quan tâm hiện nay với những góc nhìn mới mẻ, trẻ trung. Nếu có thể lắng nghe được nhiều hơn tiếng nói của người trẻ ở các cấp bậc học khác nhau, ta sẽ nắm bắt được tâm tư cũng như lối suy nghĩ của gen Z, để từ đó có sự định hướng phát triển những công trình phù hợp dành cho thế hệ này. Vậy câu hỏi tôi muốn đặt ra là có phải đã đến lúc chúng ta cần nhân rộng mô hình CLB Lý luận trẻ đối với các cấp bậc học như THPT, THCS?
Cần có biện pháp gắn kết thanh thiếu nhi sau dịch
Nguyễn Đăng Quang (Đoàn khoa Công nghệ thông tin, Trường ĐH Ngoại ngữ – Tin học TP.HCM)
Chúng ta vừa trải qua đợt dịch Covid-19, song song đó đã bước vào thời kỳ 4.0. Những phong trào, hoạt động Đoàn hiện nay tôi cảm thấy không được thu hút các bạn thanh thiếu nhi nữa. Có lẽ phần lớn, do 1 năm vừa qua các chương trình hoạt động đang tập trung vào cải thiện nền kinh tế, ổn định cuộc sống, bị hạn chế di chuyển, tạo các sân chơi thực tế… Bên cạnh đó, việc học tập cũng chuyển sang hình thức trực tuyến thời gian dài, khiến các bạn thanh thiếu nhi gần như lệ thuộc vào thiết bị điện tử. Nhận thấy tình hình thực tế như vậy, tôi không biết T.Ư Đoàn sẽ có biện pháp gì để cải thiện lại công tác Đoàn gắn kết với thanh thiếu nhi hơn trước?
Theo thanhnien.vn