Bất ngờ bên cạnh những cảnh đẹp tự nhiên nổi tiếng sông Hương, núi Ngự, biển Thuận An, phá Hà Trung… là sự góp mặt của rừng Đông Lâm. Ông vua nổi tiếng văn hay và chữ tốt Thiệu Trị là người đã xếp Đông Lâm vào một trong số 20 thắng cảnh nổi tiếng của Huế (Thần kinh nhị thập cảnh). Cũng đã hàng trăm năm qua đi mà câu thơ “Trong rừng ẩn hiện đàn chim về hội tụ/ Dưới khe nối nhau bầy chim nghịch thả mình bơi qua” trong bài “Đông Lâm dực điểu” của vua Thiệu Trị vẫn khiến lòng người xốn xang, mong muốn và khát khao được khám phá.
Đình làng Chánh Đông. Ảnh: thuathienhue.gov.vn
An Cựu là một chi lưu của sông Hương ở phía nam Kinh thành Huế. Sông có nhiều tên gọi: Lợi Nông, Phủ Cam, Đại Giang, Hà Tự, Cống Quan. Toàn bộ dòng sông dài khoảng 30 km, bắt đầu lấy nước sông Hương từ đoạn cuối cồn Dã Viên, chảy qua địa phận thành phố Huế, thị xã Hương Thủy, rồi đổ vào phá Hà Trung. Từ khi các chúa Nguyễn chọn Kim Long, rồi Phú Xuân là thủ phủ của xứ Đàng Trong, 2 bên bờ sông An Cựu đã là nơi tập trung dinh thự, nhà vườn của các quan lại, quý tộc. Tuy nhiên, lúc này sông còn nhỏ, nhiều đoạn cạn hẹp. Năm Gia Long 13 (1814), sau khi khảo sát tình hình và hỏi ý kiến các vị bô lão ở xã Thanh Thủy, đã cho khơi đào thêm sông An Cựu và cho đắp đập Thần Phù ở phía dưới để lấy nước tưới tiêu, rửa mặn cho hàng vạn mẫu ruộng nơi đây. Năm Minh Mạng thứ 2 (1821), sông An Cựu được đổi tên thành Lợi Nông. Năm Minh Mạng thứ 16 (1835) khi đúc Cửu Đỉnh, hình ảnh và tên sông đã được khắc vào Chương Đỉnh.
Bia căn cứ lõm Lùm Chánh Đông. Ảnh: dulichhuongthuy.com
Khép mình bên bờ Lợi Nông, ở nơi phía hạ lưu Thần Phù là Đông Lâm (rừng ở phía đông). Tuy không thật rộng lớn nhưng do đất tốt, hoang vu, một thời có nhiều loại cây rừng và hoang dại, như mưng, bốm, sung, bong bong… sinh sôi và phát triển mạnh nên chốn này mang dáng vẻ hoang sơ và quy tụ được nhiều loại chim muông, cá thú, vậy nên gọi là rừng cũng thật xứng đáng. Cũng chính Minh Mạng là ông vua Nguyễn đầu tiên đã cho xây dựng ngay tại Đông Lâm một tòa hành cung để nghỉ ngơi tại chỗ sau khi đi du ngoạn, săn bắn. Đến thời Thiệu Trị, hành cung có tên gọi Thần Phù này mới trở nên bề thế. Còn lưu lại trong ký ức nhiều người về hành cung là một tòa nhà ba gian hai chái, mái lợp ngói âm dương; một tòa nhà 5 gian xây trên bờ sông có mái lợp ngói liệt; một tòa nhà ba gian hai chái, mái lợp tranh và hệ thống hành lang và tường thành bảo vệ.
Từ Huế về với Đông Lâm, ta có thể đi theo tuyến đường bộ 1A, qua cánh đồng Thanh Lam, rẽ trái theo Tỉnh lộ 10B khoảng 2,5km đến cầu Lợi Nông, tiếp tục rẽ trái vào đường Chánh Đông khoảng 300m là đến. Còn muốn thêm phần lãng mạn, bạn có thể đi thuyền, hay ghe dọc theo đôi bờ từ An Cựu về Lợi Nông, theo đúng hành trình du ngoạn, săn bắn, vui thú điền viên của các bậc quân vương và cận thần hàng trăm năm trước. Từ chốn phố xá rộn ràng về quê, đi qua nhiều xóm làng yêu thương và trầm mặc, nơi còn lưu giữ những bờ tre và bến nước, con đò và những chiếc rớ chỏng chơ chờ cá mùa lụt, ta sẽ có được những phút giây thư giãn tuyệt vời.
Đông Lâm còn được biết đến với tên gọi Lùm Chánh Đông, một vùng căn cứ cách mạng ở đồng bằng thuộc xã Minh Thủy (nay là phường Thủy Châu, thị xã Hương Thủy), hình thành khá sớm trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân và đế quốc, được công nhận di tích lịch sử cấp tỉnh theo Quyết định số 3330/QĐ-UBND của UBND tỉnh.
Đông Lâm – Chánh Đông không xa. Hãy một lần đến với địa danh này. Không còn chim muông và thú dữ như thuở xưa để săn bắt. Cũng chẳng còn nhiều loại cây rừng và hoang dại của một thời hồng hoang. Đã lâu lắm rồi, thay vào đó là cảnh xóm làng yên bình ẩn mình bên con sông đào trong xanh và uốn lượn. Thế nhưng, cứ thử làm trải nghiệm khi thời điểm cuối thu này về với Đông Lâm – Chánh Đông khi hoàng hôn buông xuống, ta sẽ như lạc vào chốn xưa êm đềm của làng quê xứ Huế thuở cha ông đi mở cõi…
ĐAN DUY