Nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa khẳng định kho tư liệu Hán – Nôm ở Thừa Thiên Huế rất giá trị
Các tham luận tại hội thảo tập trung vào một số vấn đề, như: giá trị nội dung các văn bản Hán – Nôm hiện được bảo quản, thờ phụng trong các làng xã, dòng họ, gia đình; di sản mộc bản Phật giáo; thực trạng và giải pháp bảo tồn, phát huy giá trị di sản Hán – Nôm trong bối cảnh hiện nay cũng như công tác phối hợp tổ chức sưu tầm số hóa di sản Hán – Nôm giữa Thư viện Tổng hợp tỉnh với các đơn vị liên quan…
Hội thảo cũng tập trung đánh giá thực trạng, khó khăn, thuận lợi trong quá trình tiếp cận nguồn tài liệu Hán – Nôm tại làng xã, dòng họ, tư gia và phủ đệ trên địa bàn tỉnh; vấn đề hợp tác về khoa học, phương tiện kỹ thuật công nghệ và nhân lực tiến hành công tác sưu tầm, số hóa tài liệu Hán – Nôm trong thời gian qua và định hướng hợp tác thời gian tới. Đồng thời, làm rõ vai trò, giá trị của các loại hình tài liệu Hán – Nôm được Thư viện Tổng hợp tỉnh sưu tầm, số hóa thời gian qua và đề xuất giải pháp triển khai Quyết định phê duyệt kế hoạch sưu tầm, số hóa, bảo quản, phục hồi và phát huy giá trị tư liệu Hán – Nôm trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2020-2024.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa khẳng định, tư liệu Hán – Nôm ở Thừa Thiên Huế bổ sung tư liệu đáng quý cho kho tư liệu Hán – Nôm ở Việt Nam. Qua những dữ liệu được sưu tập, có thể hình dung kho tàng di sản Hán – Nôm triều Nguyễn được sản sinh, lưu giữ ở xứ Huế một thời rất phong phú, khối lượng rất lớn, từng được các nhà nghiên cứu đánh giá là đồ sộ, nhiều gấp mấy lần tổng số tư liệu Hán – Nôm của các triều trước đó cộng lại; giá trị về nội dung cũng có chất lượng tốt hơn.
Tin, ảnh: Minh Hiền