Một cá thể mèo rừng được ghi nhận từ bẫy ảnh
Mèo quý hạ sơn
Hơn hai mươi năm gắn bó với sự nghiệp bảo tồn ĐVHD, anh Trương Cảm, Phó Giám đốc Trung tâm Giáo dục môi trường và dịch vụ Bạch Mã – Vườn Quốc gia Bạch Mã, chưa bao giờ hết nỗ lực tìm kiếm, bảo vệ cũng như khám phá những đặc tính của mèo rừng.
Trong một lần tuần tra, anh Cảm và đồng nghiệp chứng kiến một cá thể mèo rừng dính bẫy kêu cứu thảm thiết. Như mọi lần gặp cảnh thú dính bẫy, anh sẽ đến cứu ngay. Còn lần này, anh Cảm và đồng nghiệp thử quay lưng bỏ đi để thử phản ứng của chú mèo. Bất ngờ, càng quay đi thì mèo kêu càng to và thảm thiết hơn. Còn khi có người đến cứu thì chú mèo liền giảm tiếng kêu và nằm yên.
Sau khi được cứu thương và thả về rừng, cá thể mèo này không những đi chậm rãi mà còn nhiều lần ngoái đầu nhìn những “ân nhân” và anh Cảm còn cảm nhận tiếng kêu nhỏ nhẹ của nó như “lời tri ân”. Điều này hoàn toàn khác với nhiều loài ĐVHD khi thấy người thường hoảng sợ, bỏ chạy, hoặc giãy giụa khi có người đến gỡ bẫy.
Vốn quen với môi trường tự nhiên, hoang dã nhưng vẫn có những chú mèo rừng lạc vào phố thị, hay vườn nhà dân khiến anh cũng như những người làm công tác bảo tồn không khỏi ngỡ ngàng. Tính trong vòng 5 năm trở lại đây, người dân phát hiện 5 cá thể mèo rừng (felis bengalensis) lạc vào vườn nhà, khu dân cư đô thị được các tổ chức, chuyên gia tiếp nhận, cứu hộ và tái thả về môi trường tự nhiên. Các cá thể mèo rừng này đều là loài quý, hiếm, nguy cấp, nằm trong sách đỏ Việt Nam và thế giới.
Cá thể mèo rừng quý, hiếm rất khó phát hiện, ngay cả khi đặt bẫy ảnh, hay tuần tra, giám sát tận rừng sâu, hoặc những nơi được xem là môi trường sinh sống lý tưởng của chúng. Vậy mà một số cá thể vẫn có thể tìm đến tận vườn nhà dân, khu dân cư tìm kiếm thức ăn. Đây luôn là dấu hỏi lớn, cũng là niềm cảm hứng, trăn trở thôi thúc anh Trương Cảm và đồng nghiệp nỗ lực khám phá, nghiên cứu về các loài mèo rừng quý, hiếm, nguy cấp này.
Một cá thể mèo rừng được phát hiện trong vườn nhà dân
Nhiều lúc anh Cảm băn khoăn khi nhiều người nghi ngờ môi trường sinh cảnh tự nhiên bị tác động xấu phá vỡ, không còn là nơi trú ngụ, sinh tồn lý tưởng khiến mèo rừng di cư và hoạt động bảo tồn các loài mèo và ĐVHD nói chung chưa tốt? Hay chuyện mèo rừng bỗng xuất hiện trong khu đô thị, vườn nhà dân thực chất là do bị sổng từ những tay săn thú rừng. Từ đó, anh Cảm đã đề xuất các tổ chức, ban ngành triển khai nhiều cuộc khảo sát, nghiên cứu để tìm câu trả lời cũng như có giải pháp bảo tồn mèo rừng quý, hiếm một cách hợp lý, hiệu quả.
Và những “đáp án” cũng bắt đầu lộ diện, rằng trong quá trình tìm kiếm thức ăn, một số mèo rừng có thể bị lạc hướng, di chuyển về các vùng dân cư và lạc vào nhà dân là điều hoàn toàn có thể. Kể cả hổ, báo (họ mèo) sinh sống ở rừng sâu cũng từng về tận bìa rừng, khu dân cư cướp bắt gia súc của người dân. Và cũng có thể do môi trường sinh tồn tự nhiên của mèo rừng đang gặp “sự cố” buộc chúng di cư. Thậm chí, cả những nghi ngờ mèo rừng bị sổng từ các tay săn cũng là điều có thể.
Thả cá thể mèo rừng về tự nhiên
Nhận diện mèo rừng
Sự nhầm lẫn giữa mèo rừng và mèo nhà cũng là một trong những nguy cơ dẫn đến nạn săn bắt, nuôi nhốt và giết thịt mèo rừng. Đây là điều mà anh Trương Cảm luôn trăn trở trong nỗ lực bảo tồn, tìm kiếm các loài mèo rừng quý hiếm, nguy cấp. Trong các chuyến tuần tra, giám sát, gỡ bẫy thú, anh và đồng nghiệp của mình thường kết hợp đến tận khu dân cư, hộ gia đình để nhận diện, nâng cao nhận thức bảo tồn các loài mèo rừng.
Đến đâu, bao giờ anh Cảm cũng mang theo bên mình những hình ảnh mèo rừng để người dân xem, nhận biết hình dạng bên ngoài cũng như những đặc tính của chúng. Mèo rừng (prionailurus bengalensis kerr) có hình dạng, thân, đuôi và cân nặng giống mèo nhà. Tuy nhiên, sự khác biệt của loài mèo rừng thường có bộ lông màu vàng trắng, nhiều đốm đen không đều, quanh đốm đen có viền vàng nâu. Bụng và chân mèo màu xám trắng, đầu có những sọc màu đen – trắng chạy dọc từ đỉnh đầu đến mũi. Mũi chúng có màu hồng nhạt, lông quanh miệng màu trắng…
Mèo rừng thường sống ở rừng thứ sinh nghèo, trên các savan cây bụi, các bãi cây ven nương rẫy. Chúng không có nơi ở cố định, vận động nhanh nhẹn, leo trèo, bơi lội giỏi, kiếm ăn vào ban đêm, ngày ngủ trong hốc cây, hang đá, trong bụi rậm hay trên chạc cây to kín. Mèo rừng thường ăn chuột, sóc, chim, lưỡng cư và các loại côn trùng. Đây là những đặc tính dễ nhầm lẫn với mèo nhà, cũng là một trong những lý do mèo rừng có thể đến các khu dân cư, vườn nhà dân tìm kiếm thức ăn, thậm chí trú ngụ, sinh tồn.
Mẫu tiêu bản mèo rừng đã chuyển giao cho Bảo tàng Thiên nhiên Duyên hải Miền Trung, năm 2022
Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh, ông Lê Ngọc Tuấn thông tin, Thừa Thiên Huế có nền đa dạng sinh học cao, thuộc khu vực Trung Trường Sơn, là nơi giao thoa giữa nhiều luồng đa dạng sinh học. Đây cũng là khu vực phân bố của nhiều loài ĐVHD, trong đó có các loài mèo rừng và thuộc họ mèo nằm trong danh mục động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm như báo lửa (catopuma temminckii), báo gấm (neofelis nebulosa), báo hoa mai (panthera pardus), mèo gấm (pardofelis marmorata), mèo cá (prionailurus viverrinus) và mèo ri (felis chaus), mèo rừng (prionailurus bengalensis)…
Từ việc lồng ghép, triển khai đồng bộ các giải pháp nên ý thức bảo vệ, bảo tồn ĐVHD nói chung, mèo rừng nói riêng của người dân ngày càng cao. Thực tế, trong năm 2021 và 2022, nhiều vụ vi phạm được phát hiện và cứu hộ ĐVHD, trong đó có một số cá thể mèo rừng được thực hiện thông qua kênh tố giác tội phạm từ người dân. Công tác bảo vệ ĐVHD được sự ủng hộ từ nhiều tổ chức, dự án trong và ngoài nước bằng việc hỗ trợ nhân lực, trang thiết bị và kinh phí. Tuy nhiên, cũng chính sự tác động của con người làm diện tích rừng tự nhiên đang dần bị thu hẹp, sinh cảnh rừng thay đổi, cùng với nạn săn bắt động vật bừa bãi, kết hợp biến đổi khí hậu đe dọa đến sự đa dạng sinh học, cũng như sự sinh tồn của các loài mèo và ĐVHD…
Bài: Hoàng Triều
Ảnh: Khu BTTN Phong Điền