Bản lĩnh của một cựu chiến binh

Cựu chiến binh Nguyễn Duy Tố gây dựng vườn với các loại cây cảnh, bonsai

Giữa khu vườn rộng lớn được phân chia thành từng khu vực ươm chăm bonsai, trồng cây ăn quả, rau các loại, CCB Nguyễn Duy Tố say sưa kể cho chúng tôi nghe về một thời hoa lửa của mình và đồng đội. Sinh ra và lớn lên tại xã Giang Hải (Phú Lộc), quê hương cũng chính là nơi người CCB sinh năm 1944 chiến đấu và bị thương trong những tháng ngày ác liệt nhất.

Ông kể: “Tôi ba lần bị thương nặng, đó là vào năm 1968, 1972 và 1975”. Trong đó, lần bị thương năm 1972 là lần người CCB nhớ nhất. Bị đạn xuyên vào ngực và quân địch lùng sục gắt gao, trong tình trạng mất máu nghiêm trọng, ông cùng với sự trợ sức từ hai chiếc sào rút được ở bến Vinh Hiền vừa bơi, vừa lội, có những quãng ngất đi đột ngột để băng đầm Cầu Hai tìm về với đồng đội.

Còn trong lần bị thương năm 1975, trên vầng trán cao, vết sẹo từ những mảnh bom đạn chiến trường trên người ông vẫn còn hằn rõ. Mảnh cối trong đầu ấy đã khiến ông phát bệnh và lên cơn động kinh. Ngậm ngùi nhớ lại giai đoạn ác liệt ấy, ông bộc bạch: “Tôi may mắn hơn rất nhiều đồng đội đã ngã xuống. Vì thế trong tâm khảm, tôi luôn muốn tự sức mình cố gắng vươn lên, tiếp bước những phẩm chất quý mà những đồng đội của mình gìn giữ”.

Trải qua nhiều thăng trầm, ông Nguyễn Duy Tố gắn bó với vùng quê mới ở thị trấn Phú Lộc. Khai hoang, trồng trọt, song song với đảm nhiệm nhiều vị trí khác nhau cho đến khi về hưu, ông luôn phát huy tốt phẩm chất của một người lính cụ Hồ, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. Sau khi trở về với ruộng vườn, CCB Nguyễn Duy Tố lại tiếp tục không ngại khó, ngại khổ, vượt những di chứng đạn bom để phát triển kinh tế.

Với đôi tay chỉ còn 9 ngón, những vết sẹo to có, nhỏ có khắp cơ thể, với sức khỏe hao hụt và tỷ lệ thương tật đến 81%, CCB Nguyễn Duy Tố vẫn bền bỉ, cần mẫn phát triển mô hình trồng cây cảnh, bonsai, trồng cây lâu năm các loại và làm rừng.

Trên chặng đường dài ấy, không hiếm thách thức, khó khăn lại tiếp tục thử thách sức chịu đựng của người CCB. Ông chia sẻ: “Năm 1999, khi trận lụt lịch sử quét qua, 200 gốc mai, trong đó đa phần là gốc mai cổ thụ của vườn chết sạch. Đó không chỉ là tài sản, mà còn là công chăm sóc, sưu tầm và tâm huyết mình bỏ ra nhiều năm trời”.

Không từ bỏ, ông lặn lội lên thành phố. Chính tại nơi đây, ông đã tìm được giống mai quý phù hợp với mình, mang về nhà cẩn thận gây giống, bắt đầu lại từ con số 0. Hiện tại, vườn mai với số lượng 250 chậu của CCB Nguyễn Duy Tố đều có nguồn gốc từ những cây giống chắt chiu sau cơn lũ lịch sử. Ngoài vườn mai quý, nhờ siêng năng, chịu khó, ông còn gây dựng 2ha rừng keo, hơn 1.700m2 vườn cây cảnh, cây ăn trái và 1.000m2 vườn cau mang lại thu nhập ổn định hằng năm.

Cần cù, chịu khó trong lao động, sản xuất, nhiệt huyết, năng nổ với công tác hội, không chỉ là tấm gương sáng cho những CCB khác noi theo, phẩm chất và đức độ của người CCB trong đời sống và lao động còn truyền động lực cho hai người con ăn học thành tài, có công ăn việc làm ổn định.

Ông Trần Văn Xuân, Phó Chủ tịch Hội CCB TT. Phú Lộc, cho biết: “Vượt lên tất cả khó khăn, thử thách, với ý chí và nghị lực, phát huy phẩm chất Bộ đội cụ Hồ, CCB Nguyễn Duy Tố đã gặt hái được quả ngọt trong hoạt động phát triển kinh tế vườn, rừng, trồng cây cảnh bonsai. Với một người thương binh hạng 1/4, đây không chỉ là mong ước vươn lên mang lại thu nhập chính đáng mà còn thể hiện bản lĩnh của một người CCB trên mặt trận mới”.

Bài, ảnh: Mai Huế

About Huế

Bài viết được đăng từ nguồn: Báo Thừa Thiên Huế online

Check Also

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vui mừng khi người dân tái định cư Hương Sơ ổn định cuộc sống

Ngay sau đó, Thủ tướng cũng đã thăm Bảo tàng Cổ vật cung đình Huế …