UVTW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Lê Trường Lưu nhấn mạnh tại bế mạc Hội nghị Tỉnh ủy lần thứ 8, khóa XVI, nhiệm kỳ 2020-2025, diễn ra ngày 11/7.
6 tháng tăng trưởng gần 7%
6 tháng đầu năm 2022, du lịch tăng trưởng trở lại nhưng lượng khách quốc tế đến Huế vẫn còn thấp
6 tháng đầu năm 2022, tuy gặp không ít khó khăn, thách thức, nhất là ảnh hưởng dịch bệnh COVID-19 và diễn biến bất thường của thời tiết đã tác động đến hoạt động sản xuất và đời sống của nhân dân, tỉnh đã triển khai đồng bộ, quyết liệt, có hiệu quả các giải pháp phòng, chống dịch bệnh; kịp thời triển khai các chính sách hỗ trợ người dân và doanh nghiệp phục hồi các ngành, lĩnh vực, hoạt động sản xuất kinh doanh.
Nhờ vậy, kinh tế tăng trưởng đạt 6,92%. Trong đó, du lịch, dịch vụ có nhiều khởi sắc và phục hồi tích cực, tăng trưởng 7,89%; công nghiệp – xây dựng tăng trưởng 12,25%. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt gần 12.900 tỷ đồng, tăng 9,6%; giá trị xuất khẩu đạt trên 609 triệu USD, tăng 17,6%; thu ngân sách đạt 5.786 tỷ đồng, tăng 8%… Tuy nhiên, nông, lâm, thủy sản tăng trưởng âm -7,49% (giảm sâu so với mức tăng cùng kỳ 4,66%). Các lĩnh vực văn hoá-xã hội có nhiều tiến bộ; an sinh xã hội được đảm bảo; đời sống của nhân dân ngày một tốt hơn. Công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị có nhiều chuyển biến tích cực.
Khẳng định, với quyết tâm chính trị và trách nhiệm cao, Tỉnh ủy, Ban TVTU đã chỉ đạo triển khai quyết liệt Nghị quyết phát triển kinh tế-xã hội và các nghị quyết chuyên đề về giảm nghèo bền vững; chuyển đối số; phát triển nguồn nhân lực; đổi mới xúc tiến đầu tư… nhằm tạo đột phá trong phát triển KT-XH, thu hút đầu tư và thực hiện thắng lợi Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị.
Nỗ lực thực hiện thắng lợi mục tiêu năm 2022
Thảo luận về tình hình KT-XH, các đại biểu cho rằng, dù có dấu hiệu phục hồi nhưng còn chậm so với các tỉnh trong vùng. Du lịch, dịch vụ đang phục hồi chậm, chưa thu hút được nhiều lượng khách quốc tế; cơ sở lưu trú phát triển chậm. Lĩnh vực công nghiệp gặp một số khó khăn, số lượng nhà đầu tư và đối tác nước ngoài đến nghiên cứu, tìm kiếm cơ hội đầu tư giảm. Sản xuất nông nghiệp chịu tác động nhiều vào thời tiết, giá cả…
Bí thư Thị ủy Hương Thủy, ông Lê Ngọc Sơn cho rằng, hiện nay, công tác quy hoạch triển khai chậm, chất lượng có mặt chưa cao; tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công chưa đạt yêu cầu kế hoạch; giải phóng mặt bằng một số dự án lớn còn vướng mắc, khó khăn. Do đó, cần sự chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền, nhất là người đứng đầu phải thực sự quyết liệt; có giải pháp tối ưu khắc phục các nguyên nhân nói trên.
Nông dân Quảng Điền bị thiệt hại trong đợt mưa lũ trái mùa vừa qua
Bí thư Huyện ủy Phú Vang, ông Trần Gia Công và Bí thư Huyện ủy Quảng Điền, ông Trần Quốc Thắng đề xuất cần phải hỗ trợ sớm hơn cho nông dân bị thiệt hại nặng trong trong đợt mưa lũ trái vụ cuối tháng 3/2022, nhất là giống; hỗ trợ nông dân áp dụng nông nghiệp chất lượng cao, nông nghiệp hữu cơ trong sản xuất, liên hệ sản xuất nông nghiệp để tạo chuỗi sản xuất hàng hóa. Bí thư Thành ủy Huế, ông Phan Thiên Định cho rằng, cần tập trung nguồn lực, phân tích làm rõ các tiêu chí giảm nghèo để hoàn thành chương trình này, sớm đưa toàn tỉnh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.
Theo Giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế Phạm Như Hiệp, khi dịch bệnh COVID-19 chưa lắng xuống thì vẫn còn nhiều người có tâm lý chủ quan làm tăng nguy cơ lây lan bệnh, khi mà các biến thể mới xuất hiện. Qua test ngẫu nhiên tại bệnh viện phát hiện 15% người được test mắc COVID-19. Do đó, đề nghị mọi người không được chủ quan. Ông Phạm Như Hiệp cũng thông tin thêm, hiện nay, ở nhiều bệnh viện trên toàn quốc xảy ra tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế. Tuy nhiên, tại Bệnh viện Trung ương Huế chỉ thiếu cục bộ, có thể tiếp tục thực hiện các kỹ thuật mới…
Xây dựng kế hoạch, cụ thể hóa Kết luận của Tỉnh ủy
Bí thư Tỉnh ủy Lê Trường Lưu phát biểu bế mạc hội nghị
Phát biểu bế mạc hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Lê Trưởng Lưu đề nghị, các cấp ủy Đảng, cơ quan, ban, ngành, đoàn thể khẩn trương tổ chức hội nghị thông báo nhanh kết quả Hội nghị Tỉnh ủy; xây dựng kế hoạch cụ thể để cụ thể hóa kết luận của Tỉnh ủy phù hợp với từng địa phương, đơn vị.
Về nhiệm vụ thời gian tới, Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu khẩn trương rà soát lại các nhiệm vụ trọng tâm, các đề án, dự án đề ra từ đầu năm để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, đôn đốc triển khai thực hiện có hiệu quả. Tập trung hỗ trợ, giám sát, đôn đốc đẩy nhanh tiến độ các dự án đã được cấp chủ trương đầu tư; hoàn thành các thủ tục để triển khai các dự án trọng điểm. Tập trung tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho sản xuất – kinh doanh phát triển và hỗ trợ doanh nghiệp. Triển khai đồng bộ các biện pháp để phục hồi ngành du lịch; đẩy mạnh hợp tác với các hãng lữ hành lớn, phát triển đa dạng các sản phẩm gắn với nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch. Tăng cường các hoạt động xúc tiến, thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp, khu kinh tế, tạo năng lực mới để tăng nguồn thu ngân sách…
“Đổi mới tư duy, sáng tạo trong giải quyết công việc, gắn việc chỉ đạo, điều hành với theo dõi, giám sát, đánh giá việc thực hiện. Tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; duy trì và nâng cao các chỉ số năng lực cạnh tranh đã đạt được gắn với tăng cường chấn chỉnh kỷ cương, kỷ luật hành chính đối với đội ngũ cán bộ, công chức thực thi công vụ. Chủ động, tích cực, quyết liệt, sáng tạo hơn trong tổ chức triển khai thực hiện nghị quyết ở các cấp ủy Đảng. Phát huy hơn nữa vai trò các Ban Chỉ đạo cấp tỉnh, cấp huyện trong việc lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát, đôn đốc thực hiện các chủ trương của cấp trên”- Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh.
Bài, ảnh: Thái Bình