Chị Ta Dur Tư giới thiệu cho du khách xem một số vật dụng truyền thống của đồng bào miền cao A Lưới
Người thứ nhất là nhà nghiên cứu Nguyễn Thị Sửu (Kê Sửu), người dân tộc Tà Ôi ở A Lưới. Chị hiện là Phó Trưởng đoàn Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh, Uỷ viên Hội đồng Dân tộc của Quốc hội. Chị là tiến sĩ người Tà Ôi đầu tiên ở miền Tây Thừa Thiên Huế. Luận án ngữ văn của chị trở thành cơ sở cho tài liệu dạy tiếng Pa Cô cho người miền xuôi; góp phần chuẩn mực hóa công tác biên tập, dịch và đọc cho chương trình phát thanh tiếng đồng bào dân tộc thiểu số, giúp người Tà Ôi mạnh dạn hơn trong việc dùng “tiếng của mình” làm việc, giao dịch…
Năm 2003, Kê Sửu kết hợp với nhà nghiên cứu Trần Hoàng xuất bản tác phẩm đầu tay “Góp phần tìm hiểu Văn hóa dân gian dân tộc Tà Ôi ở A Lưới Thừa Thiên Huế”, do NXB Văn hóa Dân tộc ấn hành. Trong những lần đi công tác, được nghe các già làng đọc những câu tục ngữ, hát dân ca, kể câu chuyện cổ, sử thi, Kê Sửu hiểu rằng, nếu các già làng mất thì những vốn quý này sẽ không còn nữa. Vậy là ngoài thời gian giảng dạy, chị lặn lội khắp các buôn làng từ A Roàng, A Chi, Chi Lanh, Parnghi, A Ngo, A Bung, A Lá, A Tia, A Năm, A Sáp, Talo, A Hooq (A Lưới, Thừa Thiên Huế) đến tận Đakarong, Hướng Hóa (Quảng Trị) nghe già làng kể chuyện, rồi chị ghi chép lại những câu dân ca, truyền thuyết, cổ tích, sử thi của người dân tộc…
Kê Sửu đã công bố hơn 30 công trình khoa học trên các tạp chí chuyên ngành ngôn ngữ, văn hóa cấp trung ương và tỉnh; đã xuất bản 14 đầu sách và đang xuất bản 3 đầu sách, ở các vai trò đơn tác giả, đồng tác giả và chủ biên, phần lớn là song ngữ (ngôn ngữ dân tộc thiểu số và ngôn ngữ quốc gia). Có thể kể ra một số công trình nổi bật: Truyện cổ Tà Ôi (song ngữ Việt – Tà Ôi), NXB Thuận Hóa, 2006; Văn hóa dân gian dân tộc Tà Ôi, huyện A Lưới, Thừa Thiên Huế (song ngữ Việt – Tà Ôi), NXB Dân Trí, 2010; Văn học dân gian các dân tộc ít người ở tỉnh Thừa Thiên Huế (chủ biên, song ngữ Việt – Tà Ôi, Việt – Cơ Tu), NXB Văn hóa Dân tộc, 2012; Achât – Sử thi dân tộc Tà Ôi (song ngữ Tà Ôi – Việt), NXB Thuận Hóa, 2012 và NXB Khoa học Xã hội, 2015; Truyền thuyết các dòng họ dân tộc Tà Ôi (song ngữ Tà Ôi – Việt), NXB Văn hóa Dân tộc, 2016; Tục ngữ dân tộc Tà Ôi (song ngữ Tà Ôi – Việt), NXB Văn hoá Dân tộc, 2017… Chị cũng đã đạt nhiều giải thưởng quốc gia và tỉnh. Mới đây nhất, cuốn “Dèng, hoa văn dèng – biểu tượng cuộc sống của người Tà Ôi” (NXB Thuận Hóa, tháng 8/2021) đã được giải cao của Hội VHNT các dân tộc thiểu số Việt Nam.
Người thứ hai là nghệ nhân Ta Dưr Tư, người đồng bào dân tộc Pa Cô ở A Lưới. Hiện chị là Phó Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện A Lưới. Từ nhỏ, Ta Dưr Tư đã được cha mẹ trao truyền vốn văn nghệ dân gian Pa Cô nên đã nhận rõ giá trị của bản sắc văn hóa dân tộc. Bản thân Ta Dur Tư đã có ý thức quyết tâm học tập thật tốt để có được kiến thức, kỹ năng giới thiệu tinh hoa văn hóa của dân tộc ở A Lưới, hòa nhập cùng văn hóa cộng đồng các dân tộc Việt Nam.
Trong nhiều năm liền, Ta Dur Tư đã tích cực hoạt động nghệ thuật; bên cạnh đó, đã truyền dạy cho các lớp diễn viên trẻ trở thành hạt nhân nòng cốt trong phong trào văn nghệ dân gian của huyện, phục vụ Nhân dân trên địa bàn cũng như tham gia các cuộc liên hoan nghệ thuật dân gian do huyện, tỉnh, Trung ương tổ chức.
Hơn 20 năm qua, Ta Dur Tư đã tìm đến các nghệ nhân hiểu biết sâu sắc về di sản văn hóa sưu tầm, thu âm, ghi chép về nội, ý nghĩa của từng loại di sản. Song song với việc sưu tầm lưu bản thảo, bản thân tranh thủ thời gian, hoàn chỉnh nhiều trang tư liệu để quảng bá trên các tập san báo chí ở địa phương; tham gia xây dựng nội dung chương trình nghệ thuật dân gian A Lưới cho VTV8, TRT, Hãng phim Sài Gòn… Ta Dưr Tư còn tham gia xuất bản “Truyện cổ Pa Cô” do NXB Thuận Hóa, 2010 và NXB Đại học Quốc gia Hà Nội, 2011. Hiện nay, chị có “22 truyện cổ Pa Cô” nằm trong bản thảo chưa được xuất bản. Một số truyện cổ sưu tầm chị vừa công bố trên tập san “Ngọn núi xanh” của Chi hội VHNT các dân tộc thiểu số Việt Nam của tỉnh.
Người thứ ba là nhà nghiên cứu Lê Thị Quỳnh Tường (bút danh Pa Prê), người Tà Ôi ở A Lưới. Chị hiện là Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện A Lưới. Từ nhỏ, Lê Thị Quỳnh Tường đã được bà con trong bản, cha mẹ bày vẽ nhiều về vốn văn nghệ dân gian Tà Ôi nên chị nhận rõ giá trị của lời ca tiến ghát, câu chuyện cổ tích xưa… Bản thân Quỳnh Tường đã có ý thức giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa văn nghệ của đồng bào các dân tộc thiểu số huyện A Lưới. Từ năm 2003 đến nay, Lê Thị Quỳnh Tường đã tham gia sưu tầm văn học dân gian các dân tộc thiểu số ở A Lưới. Năm 2005, chị xuất bản cuốn “Truyện cổ Tà Ôi”. Cuốn sách đã đoạt giải đồng “Sách hay” năm 2009 do Hội đồng Giải thưởng Sách Việt Nam tặng.
Từ năm 2017 đến nay, cứ mỗi mùa xuân, chị Pa Prê lại cùng với Ta Dur Tư tổ chức các hoạt động văn hoá thu hút phụ nữ, thanh niên toàn huyện A Lưới tham gia. Các hội thi giã gạo, gói bánh a quác, đan mũ, thi “A Chất cõng người tình”… trong các phiên chợ vùng cao nhằm duy trì nét văn hóa của người vùng cao. Đây được xem như một cách để quảng bá, lưu giữ nét văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện A Lưới.
Bài, ảnh: Đặng Ngọc Nguyên