Không rầm rộ với hệ thống ca nô, thuyền du lịch trên biển như nhiều nơi khác, Huế vẫn có hệ thống du lịch sông nước trên sông Hương giữa lòng thành phố, hay hệ thống đò vận chuyển du khách ở hệ thống đầm phá Tam Giang – Cầu Hai…
Thuyền chở khách từ hồ Thủy Yên vào điểm du lịch suối Tiên (xã Lộc Thủy, huyện Phú Lộc)
Không thể chủ quan
Sau thời gian ảnh hưởng dịch bệnh, du lịch trên địa bàn tỉnh bắt đầu mở cửa để đón du khách trở lại. Thời điểm này cũng trùng vào mùa hè với nhiều tour tuyến, trong đó có các tour khám phá, trải nghiệm đầm phá, sông nước. Tuy nhiên, trước những vụ tai nạn đường thủy gây chết người ở một số điểm du lịch trên cả nước thời gian qua, đó như lời cảnh báo trong việc kiểm soát, đảm bảo an toàn trong quá trình vận hành, phục vụ du khách.
Các phương tiện phục vụ du lịch đường thủy ở Huế chủ yếu là thuyền rồng trên sông Hương hay các loại ghe đò truyền thống ở các điểm du lịch cộng đồng, sinh thái. Nhiều năm trở lại đây, du lịch ở đầm Chuồn (xã Phú An, huyện Phú Vang) trở thành một điểm đến hấp dẫn, được du khách gần xa chọn dừng chân trải nghiệm. Khu vực này có nhiều nhà hàng nổi nằm giữa đầm, vì vậy chủ các nhà hàng phải dùng đò để vận chuyển khách. Điều này không chỉ kích thích sự tò mò, trải nghiệm thú vị với du khách mà còn là “đặc sản” làm cho du lịch đầm Chuồn trở nên nổi tiếng.
Anh Nguyễn Tiến Dũng, chủ một nhà hàng hoạt động lâu năm trên đầm Chuồn nói rằng, bên cạnh việc phục vụ món ngon, đảm bảo các hoạt động dịch vụ để du khách trải nghiệm thì việc đảm bảo an toàn trong quá trình vận chuyển khách từ bờ ra nhà hàng và ngược lại luôn đặt lên hàng đầu. Dù vậy, khi hay tin vụ tai nạn ca nô ở Cửa Đại, Hội An cũng khiến anh và nhiều hộ kinh doanh ở đầm Chuồn “khiếp vía”.
Đặc thù du lịch đầm phá ở Huế nói chung và đầm Chuồn nói riêng thuận tiện hơn nhiều bởi mực nước cạn, không có gió lốc, tạo sóng lớn nên việc di chuyển đò, thuyền cơ bản an toàn. Nhưng không vì thế mà chủ quan, cả bốn thuyền của anh Dũng đều đăng ký hoạt động cùng với các chứng chỉ chuyên môn, đảm bảo đầy đủ áo phao cũng như các phương tiện cứu hộ, cứu nạn trên mỗi thuyền. “Có du khách khi lên thuyền vẫn không chịu mang áo phao, ngược lại có du khách chưa thấy áo phao thì quyết không đi. Điều này cho thấy ý thức của du khách mỗi người mỗi khác”, anh Dũng kể và nói thêm, bằng mọi giá dù kinh doanh loại hình gì trên đầm phá, cũng phải đảm bảo an toàn tính mạng cho khách đầu tiên.
Siết chặt quản lý
Du lịch cộng đồng, đầm phá ở Quảng Lợi (huyện Quảng Điền) đã trở thành một điểm mới trong bản đồ du lịch Huế với các hoạt động trải nghiệm sông nước đa dạng. Thời gian trước, khi còn hoạt động đơn lẻ, các thuyền đò mạnh ai nấy làm. Tuy nhiên, gần đây khi du lịch Quảng Lợi sôi động, địa phương này đã thành lập một hợp tác xã chuyên phục vụ thuyền đò để đưa đón du khách trải nghiệm, đảm bảo an toàn.
Ông Văn Hữu Sang, Giám đốc HTX Dịch vụ du lịch cộng đồng Tam Giang – Quảng Lợi nói rằng, đơn vị hiện đang quản lý, vận hành 10 chiếc đò, thuyền, chủ yếu là phương tiện truyền thống của bà con trong vùng. Dù hoạt động ở khu vực hẹp, mực nước cạn nhưng việc đảm bảo an toàn cho khách trải nghiệm luôn được đặt lên hàng đầu. “Chúng tôi thường xuyên nhắc nhở tổ đò rằng, trước khi khách lên đò phải mang áo phao, trước khi đò chạy phải kiểm tra các phương tiện cứu hộ, cứu nạn để phòng khi có sự cố xảy ra”, ông Sang nói. Ông cũng cho hay, luôn lưu ý anh em chỉ được phép chạy ở quanh khu vực cho phép như các rừng bần, các hồ nuôi tôm cá, một vài điểm nò sáo… và tuyệt đối cấm chạy ra các khu vực nước sâu, phạm vi không nằm trong tour tuyến. “Thuyền, đò ở đây có thể chở từ 25-30 người. Tuy nhiên, vì để đảm bảo an toàn, chúng tôi chỉ chở từ 20 người trở lại”, ông Sang nói.
Ông Trần Hữu Thùy Giang, Giám đốc Sở Du lịch cho biết, mới đây, sở cùng với Sở Giao thông vận tải, Ban An toàn giao thông tỉnh tiến hành công tác kiểm tra bảo đảm trật tự giao thông đường thủy nội địa, trong đó có hệ thống phương tiện trên sông Hương, hệ thống đầm phá thuộc các huyện Quảng Điền, Phú Vang, Phú Lộc trước khi khởi động các hoạt động du lịch đường thủy. Bên cạnh việc kiểm tra, đoàn cũng tuyên truyền, nhắc nhở các chủ thuyền phải hoạt động đúng quy định pháp luật, đảm bảo an toàn cho du khách…
Theo Ban An toàn giao thông tỉnh, qua kiểm tra nhiều bến thuyền du lịch có giấy phép hoạt động, các phương tiện được đăng kiểm, chủ phương tiện có bằng, chứng chỉ chuyên môn… Tuy nhiên, vẫn có một số bến thuyền vẫn chưa có giấy phép hoặc quá hạn, một số phương tiện không đảm bảo an toàn.
Trước thực trạng đó, đoàn kiểm tra đã đề nghị một số bến thuyền đầu tư thêm cơ sở vật chất hạ tầng của bến và lập hồ sơ để được cấp phép mở bến mới được đưa vào hoạt động. Với các phương tiện đã quá hạn đăng kiểm, chưa đăng kiểm, đăng ký, đề nghị UBND huyện chỉ đạo UBND các xã, phường kiểm tra, phối hợp các ngành chức năng để tiến hành đăng kiểm, đăng ký theo quy định pháp luật. Ngoài ra, tổ chức đào tạo để được cấp bằng, chứng chỉ chuyên môn, chứng chỉ thợ máy, chứng chỉ thủy thủ, chứng chỉ nghiệp vụ du lịch theo quy định.
Bài, ảnh: NHẬT MINH